Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HOA KỲ - BIỂN ĐÔNG

Mỹ và Trung Quốc thao dượt cùng lúc ở Biển Đông

Quân đội Trung Quốc huy động lực lượng tập huấn ở Biển Đông trong hai ngày 03-04/01/2024, cùng lúc với cuộc thao dượt giữa hải quân Philippines với Hoa Kỳ sau một loạt sự cố gần đây giữa Manila với Bắc Kinh ở vùng biển có tranh chấp chủ quyền.

The aircraft carrier USS Carl Vinson transits the Indian Ocean April 15, 2017.
Ảnh tư liệu: Tàu sân bay USS Carl Vinson tại Ấn Độ Dương, ngày 15/04/2017. via REUTERS - U.S. Navy
Quảng cáo

Ngày 03/01, Bộ Tư lệnh Chiến Khu Nam Bộ của quân đội Trung Quốc cho biết hải quân và không quân nước này tiến hành « các cuộc tuần tra bình thường » ở Biển Đông trong hai ngày, cho đến ngày 04/01, nhưng không tiết lộ chi tiết về vị trí, số quân, trang thiết bị được huy động, cũng như mục đích cuộc thao dượt. Cuộc tập trận gần đây nhất được Bắc Kinh công bố diễn ra vào tháng 11/2023 và bốn đợt khác vào tháng 9.

Thông báo được Trung Quốc đưa ra cùng lúc với đợt huấn luyện chung, cũng diễn ra trong hai ngày ở Biển Đông, giữa hải quân Philippines và nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson. Trong một thông cáo, được AFP trích dẫn, quân đội Hoa Kỳ khẳng định : « Hải quân Mỹ tiến hành các cuộc thao dượt thường xuyên như vậy nhằm tăng cường mối quan hệ với các nước đồng minh và đối tác ».

Hoạt động quân sự này của Manila và Washington bị Bắc Kinh lên án là « gây hấn », « với ý đồ phô trương sức mạnh quân sự ». Ngày 04/01, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cáo buộc Mỹ và Philippines « gây tổn hại cho việc quản lý, kiểm soát tình hình hàng hải và những tranh chấp liên quan ».

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila về tranh chấp ở Biển Đông gia tăng trong thời gian gần đây. Lực lượng tuần dương Philippines đăng nhiều video tố cáo trong tháng 12/2023, nhiều tầu Trung Quốc đã phun vòi rồng vào tầu Philippines tiếp tế cho các thực thể mà Manila đòi chủ quyền, tiếp theo là vụ va chạm giữa một tầu Philippines và tầu hải cảnh Trung Quốc mà hai bên đổ lỗi cho nhau.

Trả lời AFP, nhà phân tích quân sự Michael Raska, giáo sư Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) ở Singapore, nhận định : « Biển Đông đang trở thành một vùng phòng thủ đối với Trung Quốc ». Bắc Kinh tìm cách biến vùng biển rộng lớn này thành « một tuyến hàng hải do (một mình) Trung Quốc kiểm soát » nhằm gia tăng ảnh hưởng và năng lực tấn công của họ. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.