Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - NỘI CHIẾN

Quân đội Miến Điện bị tố sát hại thường dân ở bang Rakhine

Ngày 17/11/2023, nhiều cơ quan truyền thông đưa tin tập đoàn quân sự Miến Điện đã bắt vài chục người và sát hại nhiều thường dân ở bang Rakhine, miền tây bắc Miến Điện trong các cuộc giao tranh với phiến quân sắc tộc thiểu số Quân đội Arakan (Army Arakan). Chính quyền quân sự hiện phải đối đầu với các lực lượng đối lập trên nhiều mặt trận ở miền bắc Miến Điện.

Birmanie: Tun Myat Naing (ici en mai 2023) est le commandant en chef de l'Armée Araka, l'une des trois forces qui composent l'Alliance de la fraternité qui est en guerre contre la junte au pouvoir.
Ảnh minh họa tháng 05/2023 : Tun Myat Naing, chỉ huy lực lượng Quân đội Araka, một trong ba lực lượng tham gia Liên minh Huynh đệ chống tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện. REUTERS - Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Thông tín viên RFI Carol Isoux tường trình Rangun :

“Thỏa thuận ngừng bắn giữa tập đoàn quân sự Miến Điện và lực lượng Quân đội Arakan hùng hậu đã bị phá vỡ. Quân đội Arakan là lực lượng đông nhất và được phối hợp tốt nhất trong số các lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số ở Miến Điện.

Ngôi làng Pauktaw, cách biên giới Bangladesh khoảng 60 km, đã bị oanh kích. Nhiều người dân tại đây cho biết khoảng 50 người đã bị bắt, rất nhiều người bị thiệt mạng, nhưng chưa có con số chính xác. Theo Văn phòng Liên Hiệp Quốc về các vấn đề nhân đạo, hơn 26.000 người được cho là đã phải di tản vì các trận giao tranh trong vùng, vốn vẫn hứng chịu các cuộc đối đầu thường xuyên từ nhiều thập niên qua, đã chứng kiến vụ thảm sát và làn sóng di cư sang Bangladesh của cộng đồng thiểu số Rohingya theo Hồi Giáo năm 2017.

Tập đoàn quân sự hiện phải đối đầu với nhiều mặt trận được phối hợp với nhau ở miền bắc Miến Điện bởi vì từ hơn một tháng qua, các trận giao tranh diễn ra dữ dội ở khu vực đông bắc sát biên giới với Trung Quốc. Lực lượng Quân đội Arakan cũng tham gia các trận giao tranh này.  

Chiến lược của các nhóm vũ trang đối lập là bào mòn và phân tán lực lượng của tập đoàn quân sự. Họ cũng thông báo xích lại gần với chính phủ dân chủ Miến Điện lưu vong. Hiện giờ, những nhóm vũ trang này hành động chủ yếu trên danh nghĩa của họ, đòi tự chủ và quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên ở địa phương”.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi đối xử “nhân đạo” với lính Miến Điện bị bắt

Liên Hiệp Quốc, được AFP trích dẫn, cho biết theo dõi sát sao tình hình ở Miến Điện kể từ khi các lực lượng vũ trang gia tăng tấn công ở miền bắc nước này từ cuối tháng 10. Ngày 17/11, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu các quân nhân Miến Điện bị các lực lượng chống tập đoàn quân sự bắt giữ phải được đối xử “nhân đạo”.

Trước tình trạng diệt chủng người Rohingya, sáu nước Hà Lan, Canada, Đan Mạch, Pháp, Anh và Đức muốn có một chương trình hoạt động nhân đạo ở Miến Điện. Đề xuất của sáu nước được Tòa Án Hình Sự Quốc Tế La Haye nêu trong thông cáo ngày 16/11.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.