Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ - TRUNG QUỐC

Ấn Độ phản đối mạnh mẽ Trung Quốc công bố bản đồ gộp phần lãnh thổ có tranh chấp

Hôm qua, 29/08/2023, New Dehli gởi công hàm « kịch liệt phản đối » Bắc Kinh công bố bản đồ cho năm 2023 gộp cả những vùng lãnh thổ mà Ấn Độ cho là thuộc chủ quyền của mình, kể cả vùng lãnh thổ gần với khu vực mà hai bên đã có « ẩu đả » nhau năm 2020.  

Một tấm biển ghi “Không bao giờ từ bỏ nơi đây” do quân đội Ấn Độ dựng lên gần hồ Pangong Tso, sát biên giới Ấn-Trung trong vùng Ladakh. Ảnh chụp ngày 14/09/2017.
Một tấm biển ghi “Không bao giờ từ bỏ nơi đây” do quân đội Ấn Độ dựng lên gần hồ Pangong Tso, sát biên giới Ấn-Trung trong vùng Ladakh. Ảnh chụp ngày 14/09/2017. AP - Manish Swarup
Quảng cáo

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ấn Độ, Arindam Bagchi, trong một thông cáo khẳng định New Dehli mạnh mẽ phản đối qua đường ngoại giao, liên quan đến điều gọi là « bản đồ chuẩn » 2023 của Trung Quốc. Ông cho rằng những xác quyết này của Trung Quốc là « không có cơ sở ». « Những biện pháp như thế do chính quyền Trung Quốc đưa ra chỉ gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp biên giới ». 

Theo tuyên bố của New Dehli, hai vùng nằm trong bản đồ mới là bang Arunachal Pradesh (đông bắc) và Aksai Chin, hành lang chiến lược nối Tây Tạng với phía tây Trung Quốc, đăng trên Global Times, cơ quan ngôn luận của Trung Quốc, là thuộc về Ấn Độ. 

Phản đối mạnh mẽ này của Ấn Độ được đưa ra vài ngày sau cuộc gặp trực diện hiếm hoi giữa thủ tướng Narendra Modi và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nam Phi, nhân kỳ thượng đỉnh lần thứ 15 của nhóm BRICS. Và nhất là trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa, New Dehli tổ chức thượng đỉnh G20 trong hai ngày 09-10/09/2023 với sự tham dự của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

AFP nhắc lại, cuộc đối đầu giữa lực lượng biên phòng hai nước hồi tháng 06/2020 tại thung lũng sông Galwan, sát cạnh bang Aksai Chin, đã làm thiệt mạng khoảng 20 binh sĩ Ấn và ít nhất 4 lính Trung Quốc. Bất chấp 19 vòng đàm phán giữa các quan chức quân sự cấp cao, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn dồn đóng hàng chục ngàn binh sĩ ở hai bên Lằn ranh Kiểm soát Thực tế (LAC). 

Ấn Độ cũng tỏ ra lo lắng trước đà bành trướng quân sự của Trung Quốc và đường biên giới chung dài hơn 3.500 km luôn là nguồn cội những căng thẳng giữa hai nước.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.