Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - TRANH CHẤP

Biển Đông: Trung Quốc trục vớt cổ vật để khẳng định chủ quyền

Lần đầu tiên Trung Quốc trục vớt cổ vật ở độ sâu 1.500 m. Khoảng 100.000 cổ vật thời Minh dự kiến được vớt lên, cho phép Bắc Kinh khẳng định Trung Quốc đã là chủ nhân của ‘‘Con đường Tơ Lụa’’ qua ngả Biển Đông từ thời xa xưa. Với Trung Quốc, có thể đây là các bằng chứng để khẳng định mạnh mẽ hơn các yêu sách chủ quyền đối với một phần lớn Biển Đông, vốn đã bị một tòa án Liên Hiệp Quốc bác bỏ hồi 2016.

Ảnh tư liệu của không quân Philippines chụp ngày 21/04/2017 : Một đảo trong khu vực Trường Sa, Biển Đông mà Trung Quốc bồi đắp và cải tạo thành cơ sở quân sự.
Ảnh tư liệu của không quân Philippines chụp ngày 21/04/2017 : Một đảo trong khu vực Trường Sa, Biển Đông mà Trung Quốc bồi đắp và cải tạo thành cơ sở quân sự. AP - Francis Malasig
Quảng cáo

Chiến dịch trục vớt 100.000 cổ vật nằm trong hai con tàu đắm của hải quân Trung Quốc thời Minh được khởi sự từ kỳ nghỉ cuối tuần này. Chiến dịch sẽ kéo dài một năm. Các cổ vật chủ yếu là đồ gốm sứ. Theo chính quyền Trung Quốc, phát hiện mới này sẽ tái khẳng định việc Trung Quốc đã phát triển và sử dụng Biển Đông làm ‘‘Con đường Tơ Lụa trên biển’’ từ xa xưa.

Trước vụ trục vớt này, Trung Quốc đã nhiều lần đưa tàu lặn đến các khu vực sâu hơn nhiều. Năm 2011, tàu ngầm Giao Long (Jiaolong) đã xuống độ sâu 5.000 mét. Năm 2018, tàu ngầm Càn Long III (Qianlong III) đã cho phép thăm dò các vùng đáy biển khơi. Năm 2020, tàu ngầm Fendouzhe xuống được điểm sâu nhất hành tinh, gần 11 km dưới mặt nước biển, ở Mariana Trench, vùng Thái Bình Dương.

Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ học Trung Quốc lặn xuống độ sâu đến 1.500 mét, độ sâu mà các nhà săn tìm cổ vật tư nhân không vươn tới được. Báo chí chính thức Trung Quốc nói đến một ‘‘chương mới trong việc khai thác đáy biển Trung Quốc’’. Tàu lặn Deep Sea Warrior tham gia vụ trục vớt 95% do Trung Quốc chế tạo, thiết kế, trong lúc tàu ngầm Giao Long có một nửa thiết bị và công nghệ là mua của nước ngoài.

Hai con tàu đắm nói trên được phát hiện vào cuối năm 2022. Thông tín viên Stéphane Lagarde dẫn lời phó giám đốc cơ quan du lịch tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), cho biết tại khu vực nằm trong ‘‘đường 9 đoạn’’ ở Biển Đông, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã phát hiện hơn 100 cổ vật được coi là có ý nghĩa ‘‘văn hóa’’ tại những vùng nước nông hơn ở Biển Đông.

‘‘Đường 9 đoạn’’ cũng thường được gọi là ‘‘Đường lưỡi bò’’, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam khẳng định chủ quyền nhưng nay đã bị Trung Quốc chiếm toàn bộ, và quần đảo Trường Sa, mà Việt Nam, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á tranh chấp chủ quyền.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.