Vào nội dung chính
DỊCH BỆNH - TRUNG QUỐC

Trung Quốc chấm dứt 3 năm cách ly với thế giới bên ngoài

Kể từ 0 giờ Chủ Nhật 08/01/2023 người dân Trung Quốc lại được quyền xuất ngoại. Hành khách nước ngoài vào Hoa Lục không còn bị cách ly. Các phi trường quốc tế tại Bắc Kinh, Thượng Hải dỡ bỏ hẳn hàng rào tuyệt đối ngăn cách các khu vực giữa các đường bay nội địa với các chuyến quốc tế.

Một gia đình hội ngộ tại sân bay quốc tế Bắc Kinh, ngày 08/01/2023, sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại.
Một gia đình hội ngộ tại sân bay quốc tế Bắc Kinh, ngày 08/01/2023, sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại. REUTERS - THOMAS PETER
Quảng cáo

Hãng tin Mỹ AP ghi nhận : trong ngày đầu tiên Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp bế quan tỏa cảng, tám chuyến bay quốc tế dự trù đáp xuống sân bay Bắc Kinh. Tại Thượng Hải, chuyến bay quốc tế đầu tiên đã hạ cánh vào lúc 6 giờ 30 sáng Chủ Nhật mồng 08/01/2023 và lần đầu tiên từ ba năm  nay, thông báo duy nhất là nhằm « hướng dẫn lối ra cho hành khách ». Chính quyền Thượng Hải quyết định sẽ « cấp và gia hạn trở lại visa » cho các công dân Trung Quốc muốn đi ra nước ngoài.

Riêng tại Hồng Kông, hãng tin Pháp AFP cho biết trong tám tuần lễ sắp tới có hơn 400.000 người dự trù sang Hoa Lục đặc biệt là vào dịp những ngày cuối năm trước Tết Nguyên Đán. Trong chiều ngược lại, khoảng 7.000 người từ Đại Lục đã đăng ký đến Hồng Kông. Trong ngày đầu tiên Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp cách ly với thế giới bên ngoài, thông tín viên đài RFI Florence de Changy đã có mặt tại cửa khẩu Lạc Mã Châu (Lok Ma Chau), sát Thẩm Quyến, cho biết không khí tại chỗ :

« Những gì trông thấy sáng nay cho thấy việc mở lại cửa khẩu, được chờ đợi rất lâu, đã diễn ra trong vòng trật tự. Thậm chí không khí rất yên ắng. Tôi đã đáp chuyến tàu đến tận cửa khẩu Lạc Mã Châu. Tàu không quá đông người. Lạc Mã Châu là một trong bảy cửa khẩu được mở cửa trở lại từ hôm nay và đây là nơi khoảng 70 % hành khách từ Hồng Kông vào Hoa Lục phải đi qua.

Đương nhiên là chúng ta nhận ra ngay những hành khách vào Trung Quốc lục địa. Vali của những người này thường to hơn và có bánh xe kéo. Họ cũng mặc áo ấm hơn là những hành khách ở lại Hồng Kông. Chủ yếu là những hành khách đi một mình, hoặc là có gia đình tháp tùng, thế nhưng chỉ có một người được phép đi qua cửa khẩu mà thôi.

Thế còn trên tuyến tàu từ Lạc Mã Châu trở về, tàu gần như vắng người. Thực ra từ sáng nay đã có 60.000 người được phép đi qua cửa khẩu tính cả hai chiều. Con số này cao hơn rất nhiều so với khoảng từ 2.000 đến 3.000 người cho đến tận hôm qua được phép đi qua cửa khẩu mỗi ngày. Nhưng còn xa với so với trước dịch Covid, khi mỗi ngày có khoảng nửa triệu người Hồng Kông và Hoa Lục đi về giữa hai vùng lãnh thổ này.

Về phía Trung Quốc nhiều người đợi thêm hai tuần nữa, tức là đúng vào dịp Tết Nguyên Đán mới sang Hồng Kông. Trái lại về phía Hồng Kông thì mọi người đợi Bắc Kinh nới lỏng thêm nữa các quy định đi lại để không phải đặt đăng ký trước trên mạng như hiện nay và nhất là mọi người chờ đợi nhà ga xe lửa với hệ thống tàu cao tốc hoạt động trở lại ».

Nhà văn gốc Hoa tại Mỹ lo dân châu Á bị kỳ thị

Trong một bài viết bày tỏ quan điểm trên New York Times, ngày 05/01/2023, bà Frankie Huang lo ngại việc Trung Quốc mở cửa biên giới và du khách nước này lại được phép nhập cảnh vào Mỹ dẫn tới nguy cơ ''cộng đồng người châu Á bị hành hung, chỉ vì màu da và nhất là bị đồng nhất với người Trung Quốc''. Tác giả nhắc lại việc tại Mỹ, cụm từ ''virus Trung Quốc'' mà cựu tổng thống Donald Trump sử dụng cách nay gần ba năm khi nói về virus corona, vẫn ám ảnh cộng đồng người châu Á.

Nhắc đến lo ngại người châu Á bị kỳ thị, nhưng mục tiêu chính của tác giả là chỉ trích chính sách của Mỹ và châu Âu siết chặt phòng dịch với khách từ Trung Quốc. Nhan đề bài viết của tác giả trên New York Times là ‘‘America’s Covid Test Requirement for Chinese Travelers Is a Farce’’ (Yêu cầu kiểm tra Covid của Mỹ đối với du khách Trung Quốc là một trò hề). Hình ảnh minh họa được sử dụng trong bài viết là khu vực xét nghiệm Covid tại sân bay Paris Charles de Gaulle (Pháp).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.