Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - TÊN LỬA

Bắc Triều Tiên thử thành công động cơ nhiên liệu "chiến lược" cho vũ khí hạt nhân

Theo hãng tin chính thức KCNA hôm nay, 16/12/2022, dưới sự giám sát của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, cuộc thử nghiệm « động cơ nhiên liệu rắn có lực đẩy lớn » hôm qua được Bình Nhưỡng tuyên bố thành công. Dù rất khó xác định thực hư, nhưng nếu Bắc Triều Tiên đạt được công nghệ này thì khả năng răn đe hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ gia tăng đáng kể. 

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un giám sát cuộc thử nghiệm "động cơ nhiên liệu rắn có lực đẩy lớn" tại khu thử vệ tinh Sohae, Bắc Triều Tiên, ngày 15/12/2022. Ảnh do KCNA cung cấp.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un giám sát cuộc thử nghiệm "động cơ nhiên liệu rắn có lực đẩy lớn" tại khu thử vệ tinh Sohae, Bắc Triều Tiên, ngày 15/12/2022. Ảnh do KCNA cung cấp. AP
Quảng cáo

KCNA cho biết cuộc thử nghiệm diễn ra tại Sohae, Tongchang-ri, phía bắc của Bắc Triều Tiên, « đã mang lại bảo đảm về khoa học và kỹ thuật ». 

AFP trích dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng các loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng thường khó sử dụng và cần nhiều thời gian chuẩn bị, đồng thời có tốc độ chậm hơn nên dễ bị phát hiện và bị đối thủ phá hủy. Sử dụng nhiên liệu rắn sẽ giúp tên lửa phóng nhanh hơn, dễ dàng di chuyển và che giấu tung tích. Theo giảng viên tại Đại học Ehwa của Hàn Quốc, ông Leif-Eric Easley, với loại công nghệ mới này, « kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ ngày càng nguy hiểm ».

Tuy nhiên, theo giới phân tích, rất khó để xác định Bắc Triều Tiên đã phát triển loại công nghệ này đến đâu và đánh giá sức mạnh của cuộc thử nghiệm vừa qua.

Bất chấp các trừng phạt quốc tế, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục tăng cường kho vũ khí. Năm 2022 là năm mà Bình Nhưỡng phá kỷ lục số lần bắn thử tên lửa. Cuộc thử nghiệm được cho là đáng lo ngại nhất là thử nghiệm tên lửa liên lục địa ICBM sử dụng nhiên liệu rắn, loại tối tân nhất hiện nay.

Theo NHK, cuộc thử nghiệm này diễn ra một ngày sau khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết đề nghị Triều Tiên trao trả công dân nước ngoài bị Bình Nhưỡng bắt cóc. Nghị quyết lên án mạnh mẽ những vi phạm nhân quyền có hệ thống của Bắc Triều Tiên đồng thời chỉ trích Bình Nhưỡng sử dụng nguồn lực quốc gia để phát triển tên lửa chứ không phục vụ lợi ích của người dân. Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song đã phản đối nghị quyết, cho đây là một hành động khiêu khích "có động cơ chính trị".  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.