Vào nội dung chính
ASEAN - MIẾN ĐIỆN

Tập đoàn quân sự Miến Điện cho phép đặc sứ ASEAN gặp thành viên đảng của bà Aung San Suu Kyi

Lãnh đạo tập đoàn quân sự tại Miến Điện Min Aung Hlaing đã đồng ý bố trí cho một đặc phái viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp xúc với một số thành viên đảng cầm quyền đã bị lật đổ của bà Aung San Suu Kyi trong một chuyến thăm trong tương lai. Theo một quan chức cấp cao Cam Bốt vào hôm qua, 07/02/2022, cam kết được đưa ra trong cuộc gọi video ngày 26/01 với thủ tướng Cam Bốt Hun Sen. 

Ảnh tư liệu: Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (P) trên cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN gặp lãnh đạo chính quyền quân sự Miến Điện Min Aung Hlaing, 07/01/2022, Naypyitaw, Miến Điện.
Ảnh tư liệu: Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (P) trên cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN gặp lãnh đạo chính quyền quân sự Miến Điện Min Aung Hlaing, 07/01/2022, Naypyitaw, Miến Điện. AP
Quảng cáo

Theo hãng tin Anh Reuters, ông Kao Kim Hourn, bộ trưởng trong nội các của thủ tướng Hun Sen, một nhân vật có tham gia cuộc họp trực tuyến, đã cho biết như trên nhưng nói thêm là phía Miến Điện không xác định là thành viên nào của đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ có thể có mặt. 

Quyết định nói trên thể hiện một nhượng bộ nhỏ của chính quyền quân sự Miến Điện đối với ASEAN kể từ khi quân đội Miến Điện làm đảo chánh lật đổ chính phủ được bầu của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi. 

Miến Điện đã rơi vào khủng hoảng kể từ cuộc đảo chánh vào tháng 2 năm ngoái 2021, với khoảng 1.500 thường dân bị thiệt mạng trong các vụ đàn áp của quân đội nhắm vào những người chống lại chính quyền quân sự. 

Việc mở đối thoại giữa tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng Miến Điện là cốt lõi của kế hoạch hòa bình ASEAN được toàn khối thông qua vào năm ngoái, bên cạnh một số yêu cầu khác như chấm dứt bạo lực và chấp nhận một đặc phái viên ASEAN. 

Kao Kim Hourn thừa nhận rằng trong chuyến đi đầu tiên của mình, tân đặc phái viên ASEAN, ngoại trưởng Cam Bốt Prak Sokhonn, khó có thể gặp bà Aung San Suu Kyi, người đã bị chính quyền quân sự Miến Điện giam giữ kể từ cuộc đảo chính và đang đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự với mức án tù lên tới gần 150 năm. 

Ngoài bà Aung San Suu Kyi, hàng chục thành viên đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ cũng đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 năm 2021. 

Ông Nay Phone Latt, phát ngôn viên của ban lãnh đạo còn của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ, hiện đang lưu vong, đã cho rằng bất kỳ cuộc gặp nào với đặc phái viên ASEAN phải được họ đồng ý. 

Đối với Reuters lời cam kết của ông Min Aung Hlaing không đủ để cho phép Cam Bốt mời đại diện chính quyền quân sự Miến Điện tham dự cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN vào tuần tới. 

Cam Bốt, chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay, vào tuần trước đã yêu cầu Miến Điện chỉ định một đại diện phi chính trị, tiếp tục duy trì chủ trương loại các quan chức quân đội Miến Điện ra khỏi các hội nghị cấp cao thường niên, điều đã được áp dụng từ thượng đỉnh ASEAN năm ngoái. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.