Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - TRUNG QUỐC

Nhật Bản, Trung Quốc sẽ lập đường dây điện thoại « quân sự khẩn cấp »

Theo thông báo của tổng thư ký chính phủ Nhật Bản Hirokazu Matsuno hôm nay, 28/12/2021, được hãng tin Reuters trích dẫn, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã thỏa thuận với đồng nhiệm Trung Quốc về việc lập một đường dây điện thoại « quân sự khẩn cấp » vào năm 2022, để ngăn chặn các cuộc xung đột không đáng có giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Nubuo Kishi trong một cuộc họp báo tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 17/09/2021.
Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Nubuo Kishi trong một cuộc họp báo tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 17/09/2021. AP - Eugene Hoshiko
Quảng cáo

Hôm qua, trong cuộc hội đàm trực tuyến với bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo đã bày tỏ quan ngại sâu sắc với đồng nhiệm Trung Quốc về điều mà ông gọi là nỗ lực đơn phương của Bắc Kinh nhằm thay đổi bằng vũ lực hiện trạng của các vùng biển trong khu vực.

Theo đài NHK, ông Kishi đã bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông, bao gồm vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, mà chính phủ Tokyo vẫn khẳng định chủ quyền và xem là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Nhật Bản. Tuy nhiên, quần đảo này cũng đang bị Trung Quốc và Đài Loan đòi chủ quyền.

Ông Kishi lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc điều động quân lính và các chiến hạm tới khu vực này và thúc giục Bắc Kinh kiềm chế. Ông Kishi nói rằng hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan rất quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản và cộng đồng quốc tế và Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại đây.

Trong khi đó, theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nói với ông Kishi rằng Nhật Bản « nên đối mặt với sự thật và học hỏi từ lịch sử », rằng Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải của mình ở Biển Hoa Đông và quần đảo Senkaku, ngay sau khi báo chí Nhật Bản đưa tin nước này gần đây đã tiến hành một cuộc tập trận ở Senkaku với lý do « các thế lực từ bên ngoài » đã chiếm đóng quần đảo.

Các nhà phân tích Trung Quốc do Hoàn Cầu Thời Báo trích dẫn đánh giá cuộc tập trận nói trên « vạch trần tham vọng sở hữu quần đảo » của Nhật Bản và đây rõ ràng là « một hành động khiêu khích nhắm vào Trung Quốc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.