Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - BÀNH SÚY

Bị áp lực quốc tế, Trung Quốc để sao tennis Bành Súy "xuất hiện" trên mạng xã hội

Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA) gần như cùng lúc lên tiếng về vụ tay vợt nữ Trung Quốc Bành Súy (Peng Shuai) « bặt vô âm tín » từ gần ba tuần nay sau khi tố cáo bị cựu phó thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) ép quan hệ tình dục và làm người tình của ông. Như để trấn an công luận, truyền thông trực thuộc Nhà nước Trung Quốc bỗng liên tục đưa tin Bành Súy « an toàn »« sớm » trở lại với công chúng.

Ảnh ghép vận động viên quần vợt Trung Quốc Bành Súy (Peng Shuai) và cựu thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli).
Ảnh ghép vận động viên quần vợt Trung Quốc Bành Súy (Peng Shuai) và cựu thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli). © AP - RFI
Quảng cáo

Trên Twitter ngày 19/11/2021, tài khoản Shen Shiwei, được Twitter gán nhãn « cơ quan truyền thông trực thuộc Nhà nước Trung Quốc », đăng bình luận « khoảnh khắc vừa được đăng trên tài khoản WeChat của Bành Súy với 3 bức ảnh mới nhất và nói « Cuối tuần vui vẻ ». Bạn của cô đã chia sẻ ba bức ảnh và ảnh chụp màn hình các khoảnh khắc trên WeChat của Bành ».

Tuy nhiên, cả ba bức ảnh tay vợt 35 tuổi tươi cười chụp với mèo cưng hay với thú bông không có thông tin ngày chụp. Còn theo Reuters, tổng biên tập Hồ Tích Tiến của Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) khẳng định ngày 20/11 rằng Bành Súy ở nhà riêng « tự do » và sẽ « sớm » xuất hiện trước công chúng.

Những thông tin này như xác nhận việc Bành Súy đang bị « giam lỏng ». Việc công bố ba tấm ảnh như nhằm xoa dịu công luận quốc tế và giới quần vợt nhà nghề lo ngại cho số phận của Bành Súy.

Cộng đồng quốc tế yêu cầu « bằng chứng thực » về sức khỏe của Bành Súy

Ngày 19/11, cả Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ đều yêu cầu Trung Quốc đưa ra « bằng chứng thực » về an toàn của nhà vô địch đánh đôi giải Wimbledon 2013. Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, thông qua phát ngôn viên Liz Throssell, nhấn mạnh rằng « có được bằng chứng về nơi Bành Súy đang sống và tình trạng sức khỏe của cô » là việc « quan trọng ». Còn phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Hoa Kỳ « rất quan ngại » về số phận của tay vợt nữ Trung Quốc. 

Tương tự, bộ Ngoại Giao Pháp bày tỏ « quan ngại về việc thiếu thông tin về tình hình của tay vợt nữ Bành Súy ». Bà Roxana Maracineanu, bộ trưởng Thể Thao, nhắc lại Pháp luôn chú tâm đến việc tôn trọng nhân quyền và theo dõi sát sao hồ sơ này « cùng với các tổ chức quần vợt có thẩm quyền và bộ Ngoại Giao ».

Liên Hiệp Quốc còn yêu cầu « tiến hành một cuộc điều tra minh bạch về những cáo buộc tấn công tình dục ». Trước đó, để phản đối Trung Quốc vi phạm nhân quyền, tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang « cân nhắc » việc tẩy chay về mặt ngoại giao Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh diễn ra vào tháng 02/2022.

Về phản ứng của giới quần vợt nhà nghề, ngày 18/11, ông Steve Simon, tổng giám đốc Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA) tuyên bố sẵn sàng hủy các trận thi đấu được tổ chức ở Trung Quốc nếu không tìm thấy Bành Súy và những cáo buộc của cô không được điều tra thích đáng. WTA « sẽ chấp nhập mọi hệ quả liên quan đến một quyết định như vậy » vì theo AFP, Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng của WTA trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Từ nhiều ngày nay, hasgtag WhereIsPengShuai (Bành Súy ở đâu) được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội. Trước khi « mất tích », Bành Súy tố cáo trên tài khoản Weibo ngày 02/11 là đã bị cựu phó thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), một trong 7 chính trị gia có sức ảnh hưởng nhất Trung Quốc từ năm 2013-2018, cưỡng ép quan hệ tình dục và sau đó biến cô thành người tình. Tin nhắn đã bị xóa đi ngay lập tức, chỉ khoảng 30 phút sau đó.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.