Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - TƯ PHÁP

Miến Điện : Tập đoàn quân sự mở phiên tòa thứ hai xử nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi

Ở Miến Điện, phiên tòa thứ hai xử nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, người bị quân đội lật đổ trong vụ đảo chính hồi đầu năm 2021, đã mở ra vào ngày 01/10/2021. Bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc tham nhũng, thế nhưng những người ủng hộ nhà lãnh đạo này xem đây là một phiên tòa mang tính chính trị.

(Ảnh minh họa) - Nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi, ngày 27/01/2021 đến thăm một bệnh viện tại Naypyitaw, vài ngày trước vụ đảo chính của quân đội.
(Ảnh minh họa) - Nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi, ngày 27/01/2021 đến thăm một bệnh viện tại Naypyitaw, vài ngày trước vụ đảo chính của quân đội. AP - Aung Shine Oo
Quảng cáo

Trong khi đất nước đang dần phục hồi sau khi bị làn sóng dịch Covid-19 thứ ba tàn phá, một số vùng lại lâm vào cảnh nội chiến. Những nỗ lực của phe đối lập với tập đoàn quân sự cầm quyền vẫn chưa mang lại nhiều kết quả cụ thể. 

Từ Rangoon, thông tín viên RFI Carol Isoux cho biết thêm chi tiết : 

« Quý bà Rangoon (biệt danh của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi) có nguy cơ phải ngồi tù 15 năm với lý do bà đã nhận hơn 500.000 euro tiền hối lộ và vàng miếng. Đối với những người thân cận của bà Aung San Suu Kyi, các cáo buộc này thật « nực cười ».

Trên thực tế, phiên tòa này dường như là nhằm mục đích loại trừ vĩnh viễn khỏi đời sống chính trị nhân vật trung tâm của phe đối lập với quân đội, bởi vì không có bà Aung San Suu Kyi, các đại diện của phe đối lập Miến Điện đã gặp nhiều khó khăn để tiếng nói của họ được lắng nghe. Họ vừa kêu gọi kháng chiến, nhấn chìm một số khu vực trong nước vào cuộc nội chiến, đặc biệt là ở vùng biên giới với Ấn Độ. Thế nhưng, họ dường như không thể thiết lập được các liên minh cần thiết với thủ lĩnh của các tộc người ở Miến Điện.  

May OO Mutraw, nhà khoa học chính trị đang sống lưu vong tại Thái Lan đặt nhiều hy vọng vào giới trẻ trong nước thay vì vào phe đối lập hiện đang trượt dốc. Bà nói : « Bạo lực đang bao trùm Miến Điện. Thật khó để giữ niềm hy vọng, thế nhưng điều đáng khích lệ là giới thanh niên đang tiếp tục chống chế độ độc tài và các vụ bạo lực … Nếu chúng ta tìm ra cách hỗ trợ giới trẻ thì chúng ta có thể mang lại một cơ hội cho nền dân chủ. » 

Phe đối lập Miến Điện cũng đang gặp khó khăn để được cộng đồng quốc tế công nhận. Theo dự kiến, một ủy ban của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong tuần qua lẽ ra đã phải quyết định chấp thuận để một đặc phái viên của tập đoàn quân sự hay một nhân vật thuộc phe đối lập đại diện cho Miến Điện tại định chế này. Thế nhưng, quyết định cho đến nay vẫn chưa được đưa ra »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.