Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - AUNG SAN SUU KYI

Miến Điện : Phiên xử đầu tiên nhắm vào bà Aung San Suu Kyi

Hôm nay, 14/06/2021, tập đoàn quân sự Miến Điện mở phiên xử đầu tiên nhắm vào cựu lãnh đạo Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc nhiều tội danh sau cuộc đảo chính hồi đầu tháng 2/2021.

Bà Aung San Suu Kyi (T), cựu tổng thống Win Myint (G) và bác sĩ Myo Aung tại tòa án ở Naypyitaw, Miến Điện, ngày 24/05/2021. MRTV via REUTERS - REUTERS TV
Bà Aung San Suu Kyi (T), cựu tổng thống Win Myint (G) và bác sĩ Myo Aung tại tòa án ở Naypyitaw, Miến Điện, ngày 24/05/2021. MRTV via REUTERS - REUTERS TV MRTV via REUTERS - REUTERS TV
Quảng cáo

Theo AFP, một tòa án đặc biệt, được canh gác chặt chẽ, đã được lập ra tại Naypiydaw, thủ đô do chế độ tập đoàn quân sự xây dựng trong những năm 1990. Trong buổi đầu tiên, bà Aung San Suu Kyi phải đối chất với những cáo buộc liên quan đến việc nhập khẩu trái phép các bộ điện đàm, không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh và vi phạm một đạo luật về viễn thông.

Một trong số các luật sư biện hộ cho AFP biết là bà Aung San Suu Kyi – giải Nobel Hòa Bình năm 1991 – bị bắt từ hôm 01/02 và bị quản thúc tại gia, tình trạng sức khỏe vẫn tốt. Cũng theo các luật sư bào chữa, trong ngày hôm nay « tòa sẽ nghe các lời chứng cáo buộc. Bà Aung San Suu Kyi chưa được trình bày. » Trong phiên xử thứ hai, kể từ ngày mai, thứ Ba 15/6, cựu lãnh đạo Miến Điện, cùng với ông Win Myint cựu tổng thống Cộng hòa, bị đưa ra xét xử vì tội « phản loạn ».

Bà Aung San Suu Kyi, 75 tuổi, còn bị buộc tội vi phạm luật về bí mật quốc gia có từ thời thuộc địa và tội tham nhũng.

Ngày 10/06, báo chí Miến Điện đưa tin, bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc thêm tội đã nhận hối lộ hơn nửa triệu đô la và một chục kí lô vàng.

Với hai tội danh này, tập đoàn quân sự chưa cho biết rõ ngày giờ mở phiên xử cụ thể.

Hãng tin Pháp nhận định, nếu bà Aung San Suu Kyi bị kết tội, bà có nguy cơ lãnh án nhiều năm tù dài. Bà Debbie Stothard, điều phối viên của mạng lưới Alternative ASEAN lấy làm quan ngại cho rằng « lãnh đạo tập đoàn quân sự Min Aung Hlaing quyết tâm muốn bà Aung San Suu Kyi kết thúc quãng đời còn lại trong trại giam ». Theo bà Stothard, thế giới « sẽ phải chứng kiến một phiên xử nặng tính trình diễn được thôi thúc bởi những lý do chính trị ».

Quân đội cáo buộc phe nổi dậy hạ sát công nhân

Còn theo hãng tin Reuters, tập đoàn quân sự Miến Điện hôm nay, 14/06/2021, thông qua tờ Global New Light of Myanmar – cơ quan truyền thông do quân đội kiểm soát, cáo buộc phe nổi dậy đã giết hại 25 công nhân tại một công trường xây dựng ở miền đông Miến Điện, sau khi đã bắt cóc 47 người hồi tháng 05/2021.

Hãng tin Anh cho biết chưa thể liên lạc được với Tổ chức Quốc Phòng Karen (KNDO) để bình luận về những cáo buộc trên. Tương tự, phát ngôn viên của quân đội cũng không trả lời các cuộc gọi của hãng tin để cung cấp thêm chi tiết. Reuters khẳng định chưa thể thẩm định độc lập các chi tiết của sự cố hay danh tính của những người được cho là đã thiệt mạng này.

Đối lập ủng hộ người Rohingya trên mạng xã hội

AFP, hôm qua, 13/06/2021, phong trào phản đối tập đoàn quân sự Miến Điện đăng đầy những tấm ảnh bày tỏ tình liên đới với người Rohingya, một nhóm sắc tộc thiểu số theo Hồi Giáo. Kể từ khi giới quân sự lật đổ chính phủ dân sự do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, phong trào phản kháng chống quân đội đảo chính, kêu gọi tái lập nền dân chủ, còn đưa thêm những đòi hỏi, kêu gọi đấu tranh cho các quyền của những sắc tộc thiểu số.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.