Vào nội dung chính
PHILIPPINES - TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG

Manila lại tố cáo gần 300 tàu Trung Quốc hiện diện trong vùng đặc quyền Philippines

Chính quyền Philippines vào hôm qua, 12/05/2021 một lần nữa lên tiếng tố cáo các hành vi “xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này” của 287 tàu dân quân biển Trung Quốc. Đây là một con số cao hơn nhiều so với số lượng gần 200 chiếc ghi nhận hồi tháng Ba ở khu vực Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

Tuần duyên Philippines trên tàu BRP Cabra theo dõi các tàu Trung Quốc thả neo tại Bãi Sa Bin (Sabina Shoal), Biển Đông. Ảnh chụp ngày 27/04/2021.
Tuần duyên Philippines trên tàu BRP Cabra theo dõi các tàu Trung Quốc thả neo tại Bãi Sa Bin (Sabina Shoal), Biển Đông. Ảnh chụp ngày 27/04/2021. AFP - HANDOUT
Quảng cáo

Theo hãng tin Anh Reuters, trong một bản thông cáo, Lực Lượng Đặc Nhiêm Biển Đông của Philippines cho biết: “Vụ việc này cùng với các hành vi tiếp tục xâm nhập trái phép của các tàu nước ngoài gần các đảo do Philippines quản lý đã được trình lên các cơ quan có liên quan để tiến hành các hành động ngoại giao cần thiết”.

Trả lời hãng tin Mỹ Bloomberg, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin xác nhận khả năng gởi một công hàm phản đối khác đến Bắc Kinh.

Trong những tuần lễ gần dây, bộ Ngoại Giao Philippines đã liên tục phản đối Trung Quốc về sự "hiện diện ồ ạt và mang tính chất đe dọa" của các tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và yêu cầu Bắc Kinh cho triệt thoái các tàu đó.

Trên hiện trường, Philippines đã tăng cường "các cuộc tuần tra bảo vệ chủ quyền" tại Biển Đông, trong một động thái thách thức Trung Quốc mà các nhà phân tích cho rằng đã thiếu vắng dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte bị một phần dư luận trong nước chỉ trích vì từ chối đối đầu với Bắc Kinh.

Vào tuần trước, ông Duterte lại khuấy động dư luận Philippines khi cho rằng phán quyết mang tính bước ngoặt năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, có lợi cho Philippines trong tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, chỉ là một "mảnh giấy lộn" mà ông có thể ném vào sọt rác. Theo phán quyết này, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông không có cơ sở pháp lý.

Đối với nhà phân tích quốc phòng và an ninh Jose Antonio Custodio, bình luận của ông Duterte đã “xóa nhòa” giá trị giọng điệu cứng rắn hơn đang được giới lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng Philippines thể hiện với Trung Quốc. Theo chuyên gia này, hiện tượng trống đánh xuôi kèn thổi ngược này chỉ có tác dụng “khuyến khích các hành động của Trung Quốc”.

Theo các chuyên gia, đội tàu đánh cá và tuần duyên là thành tố trọng tâm trong việc thực hiện tham vọng chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông. Sự hiện diện thường xuyên của các đội tàu này cho pháp Bắc Kinh quấy nhiễu và cản trở các hoạt động đánh bắt cá và khai thác dầu khí ngoài khơi xa của các quốc gia ven biển khác.

Cho đến nay, các quan chức Trung Quốc luôn phủ nhận là đội tàu cá của họ là tàu dân quân biển.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.