Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ - TRUNG QUỐC - TRANH CHẤP BIÊN GIỚI

Ấn - Trung rút quân khỏi một khu vực tranh chấp chiến lược ở biên giới

Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục tiến trình đàm phán về việc triệt thoái quân đội khỏi một số điểm nóng tại khu vực biên giới tranh chấp ở vùng Ladakh (đông bắc Ấn Độ) giáp với Aksai Chin (đông nam, Trung Quốc). Đợt đàm phán thứ 10, ở cấp tư lệnh quân đoàn, kéo dài 16 giờ, bắt đầu vào 10 giờ sáng ngày 20/02/20201 và kết thúc lúc 2 giờ sáng hôm nay 21/02/2021.

Hồ Pangong, ở độ cao hơn 4.000 mét trên mặt biển, điểm tranh chấp chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ảnh chụp hồi tháng 7/2019.
Hồ Pangong, ở độ cao hơn 4.000 mét trên mặt biển, điểm tranh chấp chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ảnh chụp hồi tháng 7/2019. REUTERS - Mukesh Gupta
Quảng cáo

Theo báo chí Ấn Độ, vòng thứ 10 cuộc đàm phán diễn ra hơn một ngày sau khi hai bên hoàn thành việc rút quân ở khu vực hồ Pangong, « một địa điểm chiến lược ». Trả lời RFI, ông Jean-Luc Racine, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp, CNRS, chuyên gia về Ấn Độ và khu vực Nam Á nhận định bước đầu về ý đồ của Trung Quốc trong động thái hòa hoãn tại vùng biên giới tranh chấp với Ấn Độ hiện nay :

« Việc này đi liền với tiến trình xuống thang căng thẳng đang diễn ra, bởi vì, hôm nay (20/02/2021), cũng diễn ra cuộc gặp thứ 10 giữa tướng lĩnh cao cấp hai bên để tìm cách đưa tình hình trở lại bình thường tại khu vực dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) tại phần lãnh thổ tranh chấp này của dãy Himalaya. Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh chúng ta biết rằng khu vực « triệt thoái song phương », có nghĩa là nơi hai bên cam kết rút quân, hiện tại đã bao gồm cả khu vực xung quanh hồ Pangong, ở phía đông nam Đường Kiểm soát Thực tế. Và đây là một vị trí có tầm quan trọng chiến lược lớn.

Như vậy, có thể là - độc lập với những tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa lên án Ấn Độ xâm lược -, việc Bắc Kinh thừa nhận có một số binh sĩ chết trận về phía Trung Quốc, trên một mặt nhất định, cũng là một cách để chính quyền Trung Quốc khẳng định đang tham gia vào tiến trình bình thường hóa. Mặt khác, đây có thể cũng là một biện pháp của Bắc Kinh để giảm nhẹ căng thẳng nói chung, trong bối cảnh mà hình ảnh nổi bật của Trung Quốc là một cường quốc đang tìm cách bành trướng cùng một lúc trên Biển Đông, cũng như tại các đường biên giới ở Himalaya với Ấn Độ ».

Ngày 11/02/2021, Ấn Độ và Trung Quốc đạt thỏa thuận « triệt thoái » khỏi khu vực tranh chấp nói trên về nguyên tắc, để khép lại giai đoạn đối đầu kéo dài từ tháng 6/2020 đến này. Thỏa thuận đạt được tại vòng đàm phán thứ 9 giữa các đại diện cấp cao của quân đội hai bên. 

Sau khi đạt được thỏa thuận xuống thang căng thẳng với Ấn Độ, hôm 19/02, lần đầu tiên Bắc Kinh chính thức thừa nhận có 4 binh sĩ thiệt mạng trong các cuộc chạm trán với quân đội Ấn Độ, hồi tháng 6/2020, và công bố hình ảnh về một số đụng độ đẫm máu. Số thiệt hại nhân mạng về phía Trung Quốc có thể cao hơn nhiều. Vào thời điểm đó, phía Ấn Độ ngay lập tức thông báo 20 quân nhân tử vong trong các đụng độ với quân Trung Quốc.

Trong những tháng vừa qua, hai bên đã triển khai hàng chục nghìn binh sĩ tại vùng biên giới tranh chấp, cùng với nhiều vũ khí hạng nặng. Tình hình có lúc như bên bờ vực chiến tranh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.