Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - ĐỨC - TỊ NẠN

Ray Wong : Lưu vong để tránh tù đày ở Hồng Kông vì đấu tranh dân chủ

Chính quyền Bắc Kinh viện dẫn luật an ninh quốc gia để dồn dập trấn áp những nhà đấu tranh bảo vệ dân chủ ở Hồng Kông, từ giới trẻ đến cả tỉ phú, buộc nhiều thanh niên phải bỏ trốn quê hương để tránh bị xét xử bất công.

Ray Wong, nhà đấu tranh vì dân chủ cho Hồng Kông, hiện sống tị nạn tại Đức.
Ray Wong, nhà đấu tranh vì dân chủ cho Hồng Kông, hiện sống tị nạn tại Đức. © Ray Wong
Quảng cáo

Trong vòng chưa đầy hai tháng (12/2020 - 01/2021) đã diễn ra hàng loạt vụ bắt giam, xét xử nhắm vào giới đấu tranh ủng hộ dân chủ của Hồng Kông : ba gương mặt tiêu biểu Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Chu Đình (Agnes Chow) và Lâm Lãng Ngạn (Ivan Lam) bị kết án tù ngày 02/12/2020 ; 53 nhà đấu tranh (từ 23 đến 64 tuổi) bị bắt ngày 06/01 với cáo buộc “nổi loạn” vì tự tổ chức bầu cử sơ bộ trong phe ủng hộ dân chủ ; 11 người từng giúp đỡ nhóm 22 thanh thiếu niên bỏ trốn sang Đài Loan bị bắt ngày 14/01.

Nếu tiếp tục ở lại Hồng Kông, các nhà đấu tranh sẽ phải đối mặt với luật an ninh quốc gia ngày càng bị lạm dụng. Trong bài phỏng vấn ngày 03/01/2021 với nhà báo Heike Schmidt của đài RFI, Ray Wong, nhà sáng lập đảng Hong Kong Indigenous (Người bản địa Hồng Kông), cho rằng khó tránh được một cuộc di dân quy mô lớn.

Đảng Hong Kong Indigenous từng đứng trên tuyến đầu trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ cho đặc khu hành chính. Ray Wong bị giằng xé khi quyết định sống lưu vong ở nước ngoài để tránh bị xử tù. Là người Hồng Kông đầu tiên được cấp quy chế tị nạn ở Đức và theo học tại thành phố Göttingen, nhà đấu tranh 27 tuổi tiếp tục giúp đỡ những người khác trốn khỏi quê hương để tránh bị trấn áp.

RFI : Anh là nhà đấu tranh Hồng Kông đầu tiên xin tị nạn tại Đức. Điều gì buộc anh phải ra đi ?

Ray Wong : Năm 2016, sau các cuộc biểu tình do đảng của tôi tổ chức, tôi bị truy tố vì xúi giục và tham gia các cuộc nổi dậy, cũng như tội tổ chức tập hợp bất hợp pháp. Tôi có nguy cơ lĩnh án 10 năm tù vì những tội này. Tôi biết là tôi sẽ không được xét xử một cách công bằng ở Hồng Kông. Vì thế tôi đã xin tị nạn tại Đức.

Tôi hoàn toàn tin rằng nước Đức rất chú tâm đến những giá trị như nhân quyền và tự do. Vì thế, tôi tin chắc là sẽ được cấp quy chế tị nạn. Chính quyền Trung Quốc từng tìm cách ngăn cản chính phủ Đức chấp nhận yêu cầu của tôi. Nhưng Berlin đã không lùi bước trước sức ép từ Bắc Kinh và đã đón tôi như một người tị nạn.

RFI : Hiện tại anh có cảm giác là vẫn bị Trung Quốc theo dõi không, dù anh được Đức bảo vệ khi cấp cho anh quy chế tị nạn chính trị từ năm 2018 ?

Ray Wong : Chắc chắn là có. Từ khi Ủy ban An ninh Quốc gia Hồng Kông đưa tên tôi vào danh sách những người bỏ trốn, tôi nhận thấy có nhiều hoạt động khả nghi trên điện thoại, tài khoản Telegram cũng như tài khoản thư điện tử của tôi. Từ đó, tôi nghi rằng chính phủ Trung Quốc đánh cắp tất cả những tài khoản của tôi.

RFI : Rời Hồng Kông đồng nghĩa với việc từ bỏ đảng Hong Kong Indigenous ủng hộ Hồng Kông dân chủ mà anh sáng lập và bị giải thể sau khi anh rời đảng. Đó có phải là một quyết định khó khăn đối với anh không ?

Ray Wong : Đó là quyết định khó khăn nhất của đời tôi. Trốn khỏi Hồng Kông đồng nghĩa với việc có thể tôi sẽ không bao giờ được trở về quê hương, không bao giờ gặp lại được những người bạn, cũng như nhiều người thân trong gia đình, như bà của tôi chẳng hạn giờ đã nhiều tuổi. Tôi đã bị giằng xé rất lâu. Trong giai đoạn phân vân đó, tôi không tài nào ăn được, ngủ được và tôi sụt cân rất nhiều.

Nhưng khi nói chuyện với rất nhiều người, kể cả những tổ chức phi chính phủ và chính trị gia, cuối cùng tôi đã quyết định ra đi. Để có thể tiếp tục cuộc chiến của mình, một trong số chúng tôi phải ra đi để kể lại câu chuyện của chúng tôi cho cả thế giới.

RFI : Từ Göttingen nơi anh đang học tập, anh có giúp những nhà đấu tranh Hồng Kông khác chuẩn bị để rời đặc khu hành chính không ?

Ray Wong : Có, tôi lập và duy trì trang tương trợ có tên Haven assistance. Mục tiêu của chúng tôi là thông tin cho những nhà đấu tranh Hồng Kông về quyền tị nạn tại nhiều nước trên thế giới. Từ khi lập trang thông tin này vào tháng 07/2020, chúng tôi đã nhận được vài nghìn yêu cầu. Việc nhiều người quan tâm như vậy khiến chúng tôi nghĩ rằng có rất nhiều người Hồng Kông, kể cả thanh niên, sẽ xin tị nạn ở nhiều nước phương Tây, ngay khi họ vượt qua được đại dịch Covid-19. Chính vì thế, tôi phối hợp chặt chẽ với tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch, có trụ sở tại Luân Đôn.

Chúng tôi cũng đề nghị Đức đơn giản hóa thủ tục cấp quy chế tị nạn cho công dân Hồng Kông. Chúng tôi cũng hy vọng nhiều nước thành viên khác của Liên Hiệp Châu Âu sẽ giảm nhẹ thủ tục xin tị nạn cho người Hồng Kông. Hai chính phủ Úc và Canada cũng đã mở cửa cho chúng tôi. Chúng tôi hy vọng Liên Hiệp Châu Âu sẽ đi theo hướng này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.