Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ - TRUNG QUỐC - BIÊN GIỚI

Đọ sức Ấn-Trung ở biên giới : Ấn Độ có ưu thế nhờ một cú đánh phủ đầu?

Tình hình biên giới Ấn Độ Trung Quốc dọc theo dãy Himalaya nóng lên rõ rệt với truyền thông Ấn Độ liên tiếp báo động về các động thái hung hăng của Trung Quốc ở vùng tranh chấp, trong lúc báo chí Trung Quốc liên tục tung tin hù dọa nước láng giềng. Bắc Kinh đặc biệt tức tối sau khi bị Ấn Độ đánh một đòn phủ đầu tại vùng Ladakh.

Ảnh của chủ tịch Tập Cận Bình bị đốt trong một cuộc tập hợp phản đối Trung Quốc của những người ủng hộ đảng Nhân Dân Ấn Độ (Bharatiya Janata Party, BJP) ngày 01/07/2020, ở thành phố Jammu, Ấn Độ.
Ảnh của chủ tịch Tập Cận Bình bị đốt trong một cuộc tập hợp phản đối Trung Quốc của những người ủng hộ đảng Nhân Dân Ấn Độ (Bharatiya Janata Party, BJP) ngày 01/07/2020, ở thành phố Jammu, Ấn Độ. AP - Channi Anand
Quảng cáo

Hôm 08/09/2020, hai bên tố cáo lẫn nhau là đã nổ súng vào nhau trước trong khu vực gần hồ Pangong Tso, miền đông cao nguyên Ladakh, dọc theo Đường Kiểm Soát Thực Tế LAC (Lign of Actual Control), thường được coi là đường biên giới tạm thời giữa hai nước trên dãy Himalaya.

Nhật báo Ấn Độ Times of India ngày 10/09 đã báo động về tình hình quân đội Trung Quốc điều động xe tăng và binh lính đến vùng bờ hồ Pangong Tso, nơi có nhiều cao điểm đang do lực lượng Ấn Độ kiểm soát. Một quan chức cấp cao Ấn Độ được tờ báo trích dẫn, hôm 09/09 đã cảnh cáo là nếu quân đội Trung Quốc vượt “lằn ranh đỏ” ở khu vực tranh chấp, Ấn Độ sẵn sàng đáp trả. Quan chức này xác nhận là New Delhi đã tăng cường lực lượng ở các vị trí tiền tuyến để đối phó.

Trước đó, trang mạng báo Ấn Độ DNA, cũng cho biết là hôm 08/09, 40 binh sĩ Trung Quốc đã dùng 2 thuyền máy tìm cách xâm nhập vào vùng Ấn Độ kiểm soát bên hồ Pangong Tso, với ý đồ chiếm lĩnh cao điểm Finger 4 trong tay Ấn Độ, nhưng đã bị lực lượng Ấn Độ đẩy lùi.

Về phần Trung Quốc, báo chí đã liên tục lên tiếng hù dọa Ấn Độ, vừa tung tin và hình ảnh về việc Bắc Kinh điều lực lượng lên vùng gần biên giới tranh chấp, từ oanh tạc cơ chiến lược, chiến đấu cơ hiện đại, cho đến các đơn vị phòng không, lính nhảy dù, vừa lớn tiếng đe dọa là New Delhi sẽ đại bại nếu cứng rắn với Bắc Kinh, nhắc lại thất bại của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh năm 1962 với Trung Quốc.

Súng đã nổ trong khu vực lần đầu tiên từ năm 1975 đến nay

Giọng điệu của Trung Quốc lại càng gay gắt hơn sau sự cố xẩy ra trong đêm 07, rạng sáng 08/09 tại khu vực hồ Pangong Tso, với vụ nổ súng mà phía Bắc Kinh cho là rất nghiêm trọng vì xẩy ra lần đầu tiên từ năm 1975 đến nay trong khu vực.

Theo phát ngôn viên Quân Đội Trung Quốc, được Hoàn Cầu Thời Báo ngày 08/09 trích dẫn, trong đêm 07/09, khi đang “tuần tra” trong vùng, một nhóm binh sĩ Trung Quốc đã bị lính Ấn Độ bắn vào. Bắc Kinh đã tố cáo một “hành động leo thang nghiêm trọng”.

Ngược lại, phía Ấn Độ đã lên án Trung Quốc về hành vi nổ súng trước. Theo trang mạng báo India Today ngày 08/09, một nguồn tin chính phủ Ấn Độ cũng xác nhận có nổ súng giữa hai bên, nhưng nhấn mạnh rằng lính Ấn Độ chỉ bắn chỉ thiên cảnh cáo sau khi các vị trí của mình bị phía Trung Quốc nổ súng nhắm vào.

Trung Quốc tức tối vì bị một đòn phủ đầu đau điếng

Một nguồn tin từ Quân Đội Ấn Độ còn khẳng định rằng trước đó, ngày 31/08, hai bên cũng đã dùng đến súng để cảnh cáo nhau, sau khi Ấn Độ tiến hành thành công một chiến dịch đánh phủ đầu giành quyền kiểm soát một số cao điểm trong vùng tranh chấp.

Trong một bài phân tích được đăng trên trang mạng báo Sunday Guardian tại Ấn Độ ngày 06/09, đại tá nghỉ hưu Danvir Singh từng chỉ huy lực lượng Ấn Độ ở vùng Chushul trên cao nguyên Ladakh, đã kể lại chi tiết chiến dịch chiếm các cao điểm bên hồ Pangong Tso đã khiến Bắc Kinh bực tức và phản ứng gay gắt từ lúc đó đến nay.

Theo chuyên gia này, kế hoạch chiếm các cao điểm đã được chuẩn bị tỉ mỉ từ tháng 5 vừa qua, do vậy khi được tiến hành, các lực lượng yểm trợ, từ pháo binh, xe thiết giáp cho đến phòng không, đều đã sẵn sàng can thiệp nếu có yêu cầu.

Vào đêm 31/08, đèn xanh đã được bật cho chiến dịch đánh chiếm thần tốc - trong vỏn vẹn 120 phút - các mục tiêu ở khu vực Spangur Bowl, nằm ở phía nam hồ Pangong Tso và phía đông thung lũng Chushul.

Lợi dụng màn đêm, các đơn vị Ấn Độ đã áp sát các mục tiêu, và khi lệnh tấn công được ban hành, những người lính này đã cấp tốc đột nhập vào các vùng mà Trung Quốc cho là của họ một cách nhanh chóng. Đơn vị biệt kích vùng núi gồm lính đặc nhiệm gốc Tây Tạng của Lực Lượng Biên Phòng Đặc Biệt đã chiếm đóng các vùng cao trong không đầy 120 phút.

Trước lúc bình minh, một lữ đoàn bộ binh hoàn chỉnh với hơn 2.000 quân đã nghiễm nhiên kiểm soát được các cao điểm nhìn xuống Spangur Bowl. Được trang bị tên lửa chống tăng Milan của Pháp và các giàn phóng pháo phản lực Carl Gustav, lực lượng Ấn Độ coi như đã vô hiệu hóa được các loại xe thiết giáp của Trung Quốc đồn trú tại căn cứ Moldo ở phía dưới. Bước qua ngày 31/08, lực lượng Trung Quốc đồn trú tại Moldo hầu như là đã bị bao vây.

Lần đầu tiên Ấn Độ chủ động tiến công ở vùng biên giới

Bị đòn phủ đầu bất ngờ, Trung Quốc đã tập hợp lực lượng trang bị gậy gộc giáo mác tiến lên các vị trí mà lính Ấn Độ vừa chiếm lĩnh. Và ở đấy, lính Trung Quốc đã bị thêm một cú sốc khác. Bất chấp những lời cảnh cáo, họ cứ tiếp tục tiến công, khiến lính Ấn Độ phải bắn chỉ thiên cảnh cáo. Kết quả là lực lượng Trung Quốc đã phải bỏ chạy, trước khi quay trở lại sau đó.

Lần này Trung Quốc điều động các loại xe chuyển quân bọc thép, sử dụng đường trải bê tông mà họ đã xây dựng để tiến từ căn cứ Moldo lên vùng cao diểm Rezang La. Cuộc tiến công này cũng bị chặn đứng và lực lượng Trung Quốc đã phải vội vã thối lui sau khi thấy lực lượng Ấn Độ được trang bị các loại tên lửa chống tăng và giàn phóng pháo phản lực.

Chuyên gia Ấn Độ đã nhận định lạc quan: Trung Quốc giờ đây đã nhận ra rằng họ không chỉ ít quân hơn mà còn bị hoàn toàn lép vế, với các vị trí mà họ đang  chiếm giữ bị đe dọa tiêu diệt nếu bùng lên xung đột võ trang.

Theo đại tá Danvir Singh, cách đối phó với lực lượng Trung Quốc tại vùng biên giới của Ấn Độ như vậy đã hoàn toàn thay đổi. Trong 5 thập niên qua, đây là chiến dịch tấn công đầu tiên được thực hiện chống lại Trung Quốc, giúp Ấn Độ giành được thế thượng phong. Hệ quả của thay đổi trên hiện trường này là sức mạnh đàm phán của Ấn Độ được nâng cao, và điều mà cho đến nay không ai có thể tưởng tượng được đã trở thành một thực tế mới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.