Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC-MIẾN ĐIỆN

Trung Quốc- Miến Điện đoàn kết bất chấp khủng hoảng Rohingya

Ngày 18/01/2020, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến viếng thăm hai ngày tại Miến Điện sau khi gặp bà Aung San Suu Kyi, nhân vật trên thực tế là lãnh đạo chính phủ nước này, tại thủ đô Naypyidaw. Sau cuộc gặp giữa hai lãnh đạo, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định về xây dựng các dự án cơ sơ hạ tầng ở Miến Điện.

Lãnh đạo Miến Điện, Aung San Suu Kyi, tiếp chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình tại Naypyidaw. Ảnh ngày 18/01/2020.
Lãnh đạo Miến Điện, Aung San Suu Kyi, tiếp chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình tại Naypyidaw. Ảnh ngày 18/01/2020. Reuters
Quảng cáo

Chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra vào lúc các nhà đầu tư ngoại quốc tránh Miến Điện do khủng hoảng người Rohingya. Từ năm 2017, chính quyền Miến Điện đã mở chiến dịch đàn áp, mà Liên Hiệp Quốc xem là một cuộc diệt chủng, nhắm vào thiểu số Rohingya, đa số theo Hồi Giáo, khiến khoảng 740 ngàn người phải chạy sang Bangladesh lánh nạn.

Cho tới nay Bắc Kinh vẫn ủng hộ mạnh mẽ Miến Điện trong khi cộng đồng quốc tế lên án chính quyền Naypyidaw. Theo nhật báo Global New Light of Myanmar, hôm 17/01/2020, chủ tịch Tập Cận Bình đã xem chuyến viếng thăm lần này là một "thời điểm lịch sử" trong quan hệ giữa hai nước láng giềng này. Lãnh đạo Trung Quốc cũng đã nêu lên cái mà ông gọi là "sự bất công" trong quan hệ quốc tế, rõ ràng ám chỉ thái độ của Hoa Kỳ, do việc Washington trừng phạt tổng tư lệnh quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing.

Về phần Aung San Suu Kyi, bà tuyên bố Miến Điện lúc nào cũng sẽ sát cánh với Trung Quốc. Từng được trao giải Nobel Hòa bình, bà Aung San Suu Kyi nay bị phương Tây chỉ trích kịch liệt do bà đã bênh vực quân đội Miến Điện trong khủng hoảng Rohingya.

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Miến Điện. Hai nước đã ký các hiệp định về dự án xây một cảng nước sâu, nhiều đặc khu kinh tế, đường xe lửa cao tốc xuyên Miến Điện…

Nhưng nhiều người dân Miến Điện không tin là họ sẽ được hưởng những lợi ích kinh tế từ các dự án đó. Theo hãng tin AFP, tại Rangun, thủ đô kinh tế của Miến Điện, nhiều người xuống đường biểu tình phản đối việc khởi động lại dự án xây một đập thủy điện khổng lồ của Trung Quốc. Dự án đập thủy điện Myitsone với công suất 6.000 megawatt đã bị đình chỉ từ năm 2011 do gặp rất nhiều chỉ trích ở Miến Điện.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.