Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Bị cắt viện trợ vì nhân viên tham gia vụ thảm sát ở Israel, URNWA chao đảo

Tại Trung Đông, sự kiện được các báo Pháp ngày 29/01/2024 chú ý nhiều nhất là việc Cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) phải sa thải lập tức 12 nhân viên bị cáo buộc đã tích cực tham gia vụ thảm sát Israel ngày 07/10,  giết hại gần 1.200 người một cách dã man. Những bằng chứng vững chắc đến nỗi 9 quốc gia đã ngưng ngay lập tức tài trợ.

Người Palestine nhận những bao bột mì do UNRWA phân phát tại Rafah, miền nam Dải Gaza ngày 21/11/2023.
Người Palestine nhận những bao bột mì do UNRWA phân phát tại Rafah, miền nam Dải Gaza ngày 21/11/2023. REUTERS - IBRAHEEM ABU MUSTAFA
Quảng cáo

Đòn nặng cho người Palestine vì nghi vấn đồng lõa

Les Echos nhận định cơ quan này đang chao đảo với những tiết lộ trên trong lúc chiến tranh đang tiếp diễn tại Gaza. Hai nhà tài trợ lớn nhất là Hoa Kỳ và Đức đã ngưng viện trợ sớm nhất, sau đó ít nhất 7 quốc gia khác (Anh, Ý, Canada, Úc, Phần Lan, Hà Lan, Nhật Bản) cũng theo chân trong cuối tuần qua. Đây là đòn hết sức nặng nề : UNRWA thu dụng nhiều nhân viên nhất ở Dải Gaza và Cisjordanie, ngoài khu vực nhà nước. Với ngân sách hàng năm 1 tỉ đô la, cơ quan này hoạt động tại 59 trại tị nạn ở Syrie, Liban, Jordanie và khu vực Ả Rập ở Jérusalem. Số 30.000 nhân viên làm việc trong lãnh vực giáo dục, y tế và phân phát thực phẩm.

Cuộc chiến ở Gaza làm sự lệ thuộc càng nặng nề hơn, nhất là viện trợ quốc tế những năm gần đây có xu hướng giảm dần. Sự nghi ngờ đồng lõa với Hamas khiến lý lẽ của Israel càng vững vàng hơn, Nhà nước Do Thái lâu nay vẫn muốn giải thể cơ quan Liên Hiệp Quốc được thành lập năm 1949 chỉ để phục vụ người Palestine, mà không có bất kỳ nhóm người tị nạn nào khác trên thế giới được thụ hưởng. Le Figaro nói thêm, đây là cơ quan lớn nhất của Liên Hiệp Quốc, phụ trách số người Palestine đã lên đến 6 triệu. Trả lời phỏng vấn nhật báo thiên tả Libération, chuyên gia Jean-Paul Chagnollaud cho rằng « làm yếu đi UNRWA là vô nghĩa và trầm trọng ».

Các viên chức ở Jerusalem cáo buộc sách giáo khoa trong các trường học của UNRWA gieo rắc « sự thù hận Israel », « cổ vũ khủng bố ». Từ đầu chiến dịch, Israel khẳng định Hamas thoải mái sử dụng các trường học, bệnh viện, trung tâm đào tạo do UNRWA kiểm soát để giấu vũ khí hay tung ra những cuộc tấn công vào các quân nhân Israel. UNRWA bác bỏ cáo buộc đó, nói rằng các nhân viên của họ đã phải trả giá đắt trong cuộc chiến. Chính phủ Israel muốn bảo đảm rằng UNRWA không được tham gia việc tìm kiếm giải pháp hậu chiến, kêu gọi cho ngưng mọi hoạt động của cơ quan này, thay vào đó là những tổ chức « thực sự phục vụ cho hòa bình và phát triển ».

Iran muốn gì khi khuấy động khắp nơi ?

Cũng liên quan đến Trung Đông, Les Echos đặt câu hỏi « Iran muốn gì ? ». Trước tình trạng loạn lạc trên thế giới, Teheran chứng tỏ khả năng lũng đoạn ở nhiều nơi. Iran không tự hài lòng với cuộc chiến tranh ủy nhiệm thông qua những lực lượng tay sai như Hamas, Hezbollah hay Houthi để chống lại « Đại Satan Mỹ » hay « định chế xi-ôn-nít ». Các hỏa tiễn của Teheran còn đánh vào Pakistan để trừng phạt những nhóm khủng bố đã ra tay trên đất Iran, hay bắc Irak để phá hủy nơi mà Teheran coi là « trung tâm gián điệp Israel ». Và các drone Iran hết sức hiệu quả trong cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraina.

Từ ngày 24/02/2022 và nhất là sau ngày 07/10/2023, Iran đóng vai trò ngày càng lớn, không chỉ tại Trung Đông, mà còn trên thế giới. Phải chăng Teheran đang lợi dụng sự bối rối của các cường quốc « cổ điển » như Hoa Kỳ và Nga ? Tuy nhiên, tờ báo nhắc nhở, thành công của chế độ chỉ ở bên ngoài. Trong đối nội, quyền lực của các giáo sĩ phải đối phó với hậu quả của xu hướng cực đoan, đàn áp, bất tài và tham nhũng. Đấu tranh cho người Palestine chỉ là « chiếc lá nho » che đậy.

Từ khóa để hiểu được Iran Hồi giáo năm 2024 là nỗi sợ : sợ đối lập lớn mạnh, sợ nguy cơ chiến tranh với Israel và Hoa Kỳ, sợ không hoàn thành được quả bom nguyên tử, và sợ những gì sẽ xảy ra nếu Teheran đạt được mục đích. Về mặt kỹ thuật, Iran sắp chế tạo được quả bom, tuy nhiên Teheran lại muốn tránh chiến tranh dẫn đến sự sụp đổ của chế độ. Bên cạnh đó, thái độ của Trung Quốc rất đáng lo. Người ta chờ đợi Bắc Kinh làm áp lực để ngưng các hành động của phe Houthi ở Hồng Hải, nơi hàng hóa Trung Quốc đi qua, nhưng ngược lại, Trung Quốc ưu tiên cho việc phá hoại lợi ích của Mỹ.

Kim Jong Un khiêu khích, dân Hàn Quốc thờ ơ

Tại châu Á, Les Echos nhận thấy từ một tháng qua Kim Jong Un liên tục khiêu khích về quân sự với những tuyên bố hung hăng. Thứ Năm tuần trước, Bắc Triều Tiên khẳng định đã thử nghiệm một thế hệ hỏa tiễn hành trình chiến lược mới, loại « Pulhwasal-3-31 ». Cuối 2023, Bình Nhưỡng phóng thành công vệ tinh do thám đầu tiên vào quỹ đạo, đến giữa tháng Giêng bắn đi một hỏa tiễn siêu thanh, bắn đạn thật gần biên giới trên biển với Hàn Quốc. Tuần trước, Bắc Triều Tiên nói rằng đã thử nghiệm một « hệ thống vũ khí nguyên tử dưới biển » có thể trả đũa các cuộc tập trận hải quân của Hàn Quốc.

Hai chuyên gia Robert Carlin và Siegfried Hecker hôm 11/01 báo động rằng Kim Jong Un đã « có quyết định chiến lược là khởi động chiến tranh ». Tuy nhiên, cựu đại sứ Anh tại Bắc Triều Tiên, Alastair Morgan cho rằng Kim gây căng thẳng với hy vọng Donald Trump sẽ quay lại nắm quyền, vì hiểu rằng sẽ không có bất cứ nhượng bộ nào từ chính quyền Biden. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng lo ngại một sự cố ngoài ý muốn, do tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol không hề tỏ ra khoan nhượng. La Croix nhận thấy tuy tình hình căng thẳng, nhưng dư luận Hàn Quốc lại không mấy lo lắng.

Nông dân hướng về Paris, nhưng  chìa khóa nằm ở Bruxelles

Tại Pháp, hình ảnh những chiếc xe máy cày và nông dân chiếm trang nhất các báo hôm nay. Le Monde ghi nhận « Attal nhượng bộ, cơn phẫn nộ vẫn mạnh mẽ », Les Echos nhận thấy « Nguy cơ leo thang », Le Figaro đưa tít « Căng thẳng tăng lên giữa nông dân và chính quyền ». Libération chơi chữ « Cánh đồng sa lầy ? » (Les champs enlisés) ám chỉ Phủ tổng thống Champs-Élisées, La Croix cho rằng đây là « Cơn giận trước châu Âu ».

Trong bài xã luận « Chính sách nông nghiệp chung, một sự chuyển đổi tốn kém », La Croix nhận xét nông dân đang tiến về Paris, nhưng đó có phải là hướng đi đúng ? Thủ tướng đã nhìn nhận là « không thể đáp ứng tất cả », bởi vì chiếc chìa khóa hiện nay không chỉ ở thủ đô nước Pháp, mà chủ yếu tại Bruxelles. Sự giận dữ đã có từ 18 tháng qua, tại ít nhất 16 nước châu Âu, từ Hà Lan, Rumani tới Ba Lan đều có những cuộc biểu tình của nông dân.

Lý dó là Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã thông qua Chính sách nông nghiệp chung (PAC) chịu trách nhiệm hơn 50 % thu nhập của nhà nông ở châu Âu. Thế nhưng, chính sách mới đã kèm theo các quy định bảo vệ môi trường và giảm trợ cấp trực tiếp. Châu Âu đánh cược rằng người tiêu thụ sẽ chấp nhận trả cái giá cao hơn cho thực phẩm, nhưng thực tế đã diễn ra ngược lại. Với lạm phát và lương thấp, người ta chọn ăn uống chất lượng kém hơn nhưng rẻ. Thêm vào đó là chính sách thương mại như hiệp ước Mercosur và Ukraina không có lợi cho lãnh vực nông nghiệp.

Trông cậy vào chuyển đổi sinh thái « low cost » là ảo tưởng. Cũng như lãnh vực nhà ở hay kỹ nghệ, việc thích ứng với các tiêu chí mới đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều cho nông nghiệp, mà nông dân với thu nhập ngày càng thấp không thể gánh được một mình. Sinh thái trước hết là vấn đề xã hội, cần một sự tương trợ trên cơ sở thương lượng dân chủ chứ không phải bằng xe máy cày. Ý thức được tình trạng này, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen vừa khởi động « đối thoại chiến lược » về nông nghiệp, mà La Croix cho rằng quá trễ. Vấn đề này sẽ là trung tâm cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu sắp tới.

Một tầng lớp nhiều thiệt thòi

Le Figaro coi cuộc diễu hành các xe máy cày ở Pháp là tập hợp nỗi lo trước mắt với những hóa đơn phải trả, và mối đe dọa tuyệt diệt. Nhà văn Houellebecq cách đây 5 năm đã viết, những gì đang diễn ra với nông nghiệp Pháp là « một kế hoạch sa thải vĩ đại nhưng vô hình, người ta biến mất một cách lặng lẽ trong góc nhỏ của mình ».

Những con người thầm lặng ấy nay xuất hiện trên xa lộ và màn hình. Họ không tạt súp vào những bức danh họa, không gây xúc cảm bằng những hành động khiêu khích trong thành phố để làm đầy những câu chuyện trên Instagram. Thực tại bị lý tưởng ảo bóp nghẹt đang đấu tranh trước mắt chúng ta, ý tưởng sinh thái không quan tâm đến tình hình cụ thể. Nông dân bị kẹt giữa một thị trường quốc tế phi quy tắc và một nền kinh tế quốc gia quá nhiều quy định.

Thủ tướng Gabriel Attal cần quay lại với nguyên nhân ban đầu là Thỏa thuận Xanh châu Âu, đạt được cho nông dân sự linh hoạt đã dành cho Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha về thị trường năng lượng, Đan Mạch về di dân. Chẳng phải với nông dân mà Gabriel Attal nói rằng nông nghiệp Pháp « đứng trên tất cả », mà với Bruxelles.

Vấn đề hóc búa cho tân thủ tướng trẻ tuổi

Libération nhận xét, thế là ông Gabriel Attal phải đối mặt với một vấn đề hóc búa, chỉ 20 ngày sau khi nhậm chức. Chừng như toàn bộ chính phủ đều ủng hộ ông, thủ tướng cần được tăng cường bởi các bộ trưởng Kinh Tế, Nông Nghiệp và nhất là Nội Vụ để tránh phong trào phản kháng của nông dân biến các cửa ngõ Paris thành chiến trường. Nông dân muốn « bao vây » thủ đô, trong khi thủ tướng ngày mai sẽ có bài phát biểu rất được chờ đợi.

Những người kiên quyết nhất hiểu rằng có được cơ hội hiếm thấy, trước Hội chợ Nông nghiệp vào tháng Hai và bầu cử châu Âu tháng Sáu. Từ tối Chủ nhật, cảnh sát đã được bố trí xung quanh Rungis, khu chợ bán sỉ nông sản lớn nhất châu Âu ở phía nam Paris, thậm chí người ta còn thấy xuất hiện một số xe thiết giáp hạng nhẹ.

Nhà nông mất đi tiếng nói trong xã hội Pháp

Les Echos lưu ý, ngày nay phân nửa các trang trại gia đình do một nông dân trên 55 tuổi điều hành, và 1/3 trong số đó không biết được mảnh đất của mình sẽ như thế nào. Le Monde cho biết thêm từ 1,6 triệu trang trại vào năm 1970, nay chỉ còn 380.000. Đến năm 2026, phân nửa chủ trang trại sẽ về hưu và nhiều người khó thể chuyển giao được sự nghiệp. Tiếng nói của nông gia không còn như trước : chỉ 12 % thị trưởng là xuất thân từ nông dân, 2 % dân biểu và 5 % thượng nghị sĩ. Họ phải sống chung với những tầng lớp có tầm nhìn khác hẳn. Đã là thiểu số, lại còn bị cáo buộc nhân danh bảo vệ môi trường, điều kiện sống thoải mái cho loài vật...

Xã hội cần phải chấp nhận rằng thực phẩm có cái giá phải trả, một gia đình nông dân cũng cần được đi nghỉ mát, không thể cả đời sống chỉ để trả số nợ ngày càng cao. Không có những trang trại, phong cảnh nông thôn sẽ tiêu điều, việc nhập khẩu những sản phẩm không hẳn tôn trọng các quy định sẽ tăng lên. Trong nhiều năm qua, Bruxelles cố thuyết phục các nước ấn định các tiêu chí môi trường quá phức tạp. Pháp đã có những nỗ lực tái kỹ nghệ hóa, nay cần tìm kiếm những chu trình nông nghiệp mới, thích ứng với nhu cầu đã thay đổi. Giải pháp chỉ có thể đến từ nhà nước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.