Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Luật nhập cư làm náo động chính trường Pháp

Hơn một ngày sau khi được Hạ Viện Pháp thông qua, luật nhập cư mới với mục tiêu kiểm soát tốt hơn tình trạng di dân tràn lan tới nước Pháp, vẫn tiếp tục là đề tài tranh cãi của các báo. Tâm điểm được nhắm tới hôm nay là tổng thống Pháp. Hình ảnh của ông Emmanuel Macron xuất hiện trên khắp trang nhất các tờ báo lớn ở Pháp cùng các tựa lớn cho thấy chính phủ Macron đang rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Blendecques, miền bắc Pháp, ngày 14/11/2023.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Blendecques, miền bắc Pháp, ngày 14/11/2023. © Aurélien Morissard / Reuters
Quảng cáo

Luật nhập cư và những hệ lụy trực tiếp đến chính trị nước Pháp là chủ đề được hầu hết các báo khai thác. Nhật báo le Monde chạy tựa bài xã luận : « Rạn nứt chính trị và đạo đức ». Tờ báo nhận thấy, đặt mục đích thông qua dự luật bằng mọi giá, chính phủ Pháp đã phải chấp nhận nhiều nhượng bộ chạy theo đường lối chính trị của cánh hữu, dẫn đến một số nội dung của văn bản luật đã đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của nền Cộng Hòa như các quyền bình đẳng xã hội, quyền dựa trên sinh quán...

Điểm chủ chốt khiến bộ luật gây phản ứng dữ dội, thậm chí ngay trong nội bộ đảng cầm quyền đó là bộ luật vừa được thông qua sự ủng hộ của đảng đối lập Tập Hợp Dân Tộc (RN), một đảng cực hữu vốn nổi tiếng về chủ trương cực đoan đối với người nhập cư.

Le Monde chỉ thẳng đây là « một đạo luật lấy cảm hứng từ phe cực hữu, được thông qua trong hoảng loạn » Tờ báo nhận định : « Từ 40 năm qua, vấn đề nhập cư vẫn choán chỗ trong các cuộc tranh luận chính trị, nhưng hiếm có chính phủ nào thể hiện mức độ thỏa hiệp như vậy với các thế lực đang coi người nước ngoài là vật tế thần. Chưa bao giờ một cơ quan hành pháp nào lại chấp nhận một dự luật về nhập cư do chính họ thai nghén để cố gắng tập hợp cánh tả và cánh hữu » lại đúng như chủ trương của đảng cưc hữu RN. Chưa bao giờ có một chính phủ nào và đất nước nào lại rơi vào tình trạng chạy theo đảng cực hữu RN như thế này, xã luận tờ báo viết.

Le Monde chỉ thẳng dự luật nhập cư này là « sự rạn vỡ cả về mặt chính trị cũng như đạo đức » và tờ báo kết luận : « Ông Emmanuel Macron, người hai lần được bầu với lời hứa ngăn chặn phe cực hữu... Liệu ông ta có còn đóng vai trò mà đất nước đang rất cần là đoàn kết và đấu tranh chống lại việc sử dụng chính sách bài ngoại ? »

Tổng thống nhận trách nhiệm « thỏa hiệp »

Các tờ báo khác tập trung khai thác các tuyên bố của tổng thống Pháp trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình France 5 ngày hôm qua. Le Figaro chạy tựa : « Macron nhận trách nhiệm trong « thỏa hiệp » về nhập cư, phe của ông đầy ngờ vực. »

Tờ báo trích dẫn các phát biểu của ông Macron trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm thứ Tư rằng luật nhập cư là « kết quả của sự thỏa hiệp » và nó là « lá chắn mà chúng ta thiếu »« cần phải chấp nhận những gì đã làm, cần phải loại bỏ rất nhiều điều phi sự thật, phải bình tĩnh... ». Ông tuyên bố: « Tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn khi nói rằng đồng bào của chúng ta đang chờ đợi luật này và nếu chúng ta muốn đảng RN không cầm quyền thì phải giải quyết vấn đề (nhập cư) ».

Nhưng các báo đều nhận thấy đằng sau những phát ngôn mạnh mẽ để biện hộ như vậy, luật nhập cư đang gây chia rẽ trong chính phủ của ông.  Nhiều tiếng nói vốn được cho là thân cận với tổng thống đã bắt đầu tỏ ra không đồng tình. Trong một bài viết khác, Le Figaro ghi nhận : « Ê-kíp chính phủ xáo động vì khủng hoảng. » Với chính phủ Macron, thông qua được luật nhập cư là một thắng lợi, nhưng không ai dám nhận về mình vì đã để cho đối thủ chính áp đặt khiến văn kiện phản bội lại chính những giá trị họ theo đuổi.

Từ thất bại đến khủng hoảng

Chuyển qua nhật báo công giáo La Croix, chiếm toàn bộ trang nhất của tờ báo là bức chân dung tổng thống Macron tay chống cằm suy tư dưới hàng tựa : Luật nhập cư, ván cược bị thua. Tờ báo nhận thấy, « một trong dự án chủ chốt của ông Emmanuel Macron trong nhiệm kỳ thứ tổng thống thứ 2, đã chuyển thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ».

Theo La Croix, việc luật nhập cư được thông qua ở Hạ Viện đã gây ra cuộc khủng hoảng trong phe cầm quyền, biểu hiện rõ nét là bộ trưởng Y Tế, Aurélien Rousseau hôm qua đã xin từ chức. Sóng sốc của sự kiện này đang vượt ra ngoài phạm vi chính giới, bộ luật mới đang gây phẫn nỗ trong các tổ chức xã hội dân sự, các đối tác xã hội và cả trong giới đại học. Xã luận La Croix với tiêu đề chỉ trích : « Nhập cư:một thỏa thuận gây hại cho hội nhập » của người nước ngoài tại Pháp.

Theo tờ báo, ngoài những mối lo có cơ sở của dân Pháp cũng như nhiều nước châu Âu khác về tình trạng mất an ninh do làn sóng nhập cư ồ ạt không kiểm soát thì có một thực tế là trong tình trạng dân số và kinh tế hiện nay, nước Pháp vẫn rất cần những lao động nước ngoài, hội nhập tốt. Tuy nhiên, văn kiện luật vừa được bỏ phiếu thông qua lại làm điều ngược lại và khiến cho việc hội nhập cần thiết đó vào cơ cấu kinh tế và xã hội của Pháp trở nên khó khăn hơn nhiều. Ba yếu tố tạo điều kiện cho người nước ngoài hội nhập là : giáo dục, việc làm và nhà ở. Ở cả ba lĩnh vực này, các điều kiện đã được thắt chặt bởi dự luật này. Vì thế, dự án này của chính phủ đã lỗi hẹn về mặt chính trị và nhân văn.

Cũng trong chủ đề bao trùm này, nhật báo thiên tả Libération chạy tựa lớn trang nhất tóm lược quan điểm của tờ báo « Luật nhập cư : sự phủ nhận lớn ». Bên các trang trong Libération đăng ý kiến của 5 lãnh đạo cơ sở đại học lớn ở Pháp bày tỏ những lo ngại luật nhập cư mới sẽ làm tổn hại đến tinh hoa nghiên cứu khoa học và sức hấp dẫn của đào tạo đại học ở Pháp.

Tờ báo cho biết thêm, năm qua, các trường đại học Pháp đón nhận 400 nghìn sinh viên nước ngoài. Luật mới đề ra hai điểm chủ chốt có liên quan đến các sinh viên nước ngoài : Phải nộp tiền bảo lãnh cho các chi phí học tập sinh hoạt trong thời gian ở Pháp. Điểm thứ 2 là tăng phí đăng ký nhập học đối với các sinh viên ngoài Liên Hiệp Châu Âu. Hai điều kiện này sẽ có nguy cơ ngăn cản số lượng lớn đến Pháp du học.

Xung đột Israel, không ai muốn kết thúc ?

Thời sự nóng ở Trung Đông dù bị che lấp bởi các chủ đề nội bộ nước Pháp, nhưng Le Figaro vẫn có bài phân tích đang chú ý : « Cuộc xung đột Israel-Hamas bị đe dọa sa lầy ».

Theo Le Figaro, Những lời kêu gọi liên tục về một lệnh ngừng bắn lâu dài tại Liên Hiệp Quốc và ở một số nước có thể sẽ không mang lại kết quả nào, bởi vì tất cả các bên liên quan đều thấy có lợi ích để tiếp tục chiến tranh. Trước tiên là với thủ tướng Israel, Benyamin Netanyahu. Việc « tiêu diệt » Hamas, thả các con tin và xóa bỏ vĩnh viễn các ý đồ khủng bố ở Gaza vẫn còn là những mục tiêu xa vời và chắc chắn một phần là không thể đạt được. Bất chấp các cuộc đàm phán đang diễn ra về một thỏa thuận ngừng bắn mới, ông Benyamin Netanyahu vẫn muốn kéo dài cuộc chiến càng lâu càng tốt. Ông ta đang muốn đánh cược sự sống còn chính trị của mình trong cuộc chiến này.

Tờ báo trích dẫn một nhà ngoại giao thông thạo về hồ sơ nhận định : « Ông ta phải dành thời gian để xây dựng lại sự đoàn kết dân tộc. Nếu không, ông ta sẽ bị lật đổ khỏi quyền lực vì sự phá sản về an ninh, chính trị và đạo đức. Nhưng nếu ông ta kiên trì kéo dài cuộc chiến trong 6 tháng và thành công trong việc làm suy yếu Hamas, ông sẽ có cơ hội sống sót. »

Trong khu vực, hầu hết các quốc gia Ả Rập quan sát cuộc xung đột không khỏi lo lắng Vẫn theo một nhà ngoại giao châu Âu nhận định : « Cuộc xung đột đã ngăn cản Israel trở thành một cường quốc. Nếu giải quyết xong xung đột, Israel sẽ rộng đường trở thành cường quốc. Các nước Ả Rập khi đó sẽ trở nền hèn kém với Israel. »

Ngoài ra, cuộc chiến ở Gaza cũng phục vụ lợi ích của các cường quốc thách thức trật tự quốc tế mà phương Tây dẫn dắt. Nga và Iran hay thậm chí Trung Quốc đều có những tính toán lợi dụng hưởng lợi từ cuộc chiến nay. Với Iran thì cuộc chiến tranh Gaza đã giúp họ ngăn chặn con đường bình thường hóa Ả Rập - Israel. Với Nga, Gaza đã làm thế giới quên đi cuộc chiến tranh ở Ukraina, khiến phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, sẽ phải gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục viện trợ cho Ukraina.

Trung Quốc cũng tìm thấy mối lợi tương tự trong cuộc chiến ở Gaza. Cuộc chiến tranh Gaza có một lợi thế khác, đó là chuyển hướng mục tiêu của Mỹ trong việc xoay trục sang châu Á và che đậy, ít nhất là tạm thời, vấn đề Đài Loan.

Ứng viên Donald Trump bị bang Colorado bất ngờ tấn công

Liên quan đến thời sự quốc tế khác, các báo Pháp chú ý nhiều đến diễn biến mới liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới. Le Figaro ghi nhận, trước khi chính thức bắt đầu, chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2024 đã trở nên xáo động vào tối thứ Ba 19/12. Trong một quyết định chưa từng có, Tòa Án Tối Cao bang Colorado tuyên bố Donald Trump không đủ tư cách tranh cử trong cuộc bầu cử sơ bộ của bang theo Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ. Nguyên do là vì những trách nhiệm của ông Trump trong vụ người ủng hộ ông gây bạo động ở đồi Capitol hôm 06/01/2021.

Le Figaro ghi nhận đây là một quyết định lịch sử, hiếm khi Tu chính án có từ thời sau nội chiến được áp dụng và chưa bao giờ được áp dụng cho một ứng cử viên tổng thống hoặc cựu tổng thống.

​Còn với La Croix : Đây là một quyết định tư pháp chưa từng có ở Mỹ, và nó có thể kéo theo nhiều bang khác làm theo bang Colorado. Theo tờ báo, trong khi chờ đợi hiệu ứng vết dầu loang có thể xảy ra, quyết định của Tòa Án Tối Cao Colorado chỉ liên quan ở giai đoạn này, các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa, dự kiến ​​diễn ra vào đầu tháng 3 tới. Nhưng các luật sư của cựu tổng thống đã công bố ý định kháng cáo lên tòa án cao nhất nước này, vì vậy tên của Donald Trump vẫn có thể sẽ xuất hiện trên các lá phiếu ở Colorado. Tuy nhiên, quyết định của Colorado khẳng định tính chất đặc biệt và bất trắc của một chiến dịch tranh cử tổng thống hứa hẹn sẽ có nhiều biến động.

Tuy nhiên, các báo Pháp cũng nhận thấy, sự kiện vừa xảy ra chưa có nghĩa là cuộc đua trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump đã chấm dứt. Cũng không nên quên là ứng viên tổng thống Mỹ này hiện vẫn còn đang bị 4 vụ kiện cáo tư pháp đeo đuổi chưa có hồi kết và cho đến giờ sự ủng hộ của cử tri đối với vị cựu tổng thống Mỹ này dường như không suy suyển bao nhiêu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.