Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Đối tác chiến lược toàn diện : Kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt-Mỹ

La Croix ngày 11/09/2023 nhận định « Joe Biden thăm Việt Nam để ngăn chận Trung Quốc ». Từ khi lập quan hệ ngoại giao năm 1995, hai mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc, tất cả tổng thống Mỹ đều đã đến Việt Nam, bắt đầu là tổng thống Bill Clinton năm 2000. Chuyến thăm lần này của tổng thống Joe Biden là một bước tiến lớn với việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.

Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (P) và tổng thống Mỹ Joe Biden (T) duyệt hàng quân danh dự tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, ngày 10/09/2023.
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (P) và tổng thống Mỹ Joe Biden (T) duyệt hàng quân danh dự tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, ngày 10/09/2023. AP - Luong Thai Linh
Quảng cáo

Bức hiếp láng giềng, Trung Quốc đẩy Việt Nam về phía Hoa Kỳ

Tiến sĩ Lê Thu Hường, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) khẳng định đây là một tiến triển quan trọng. « Sau khi đối địch trong một cuộc chiến đẫm máu, hai bên đã hòa giải để trở thành đối tác thân thiết ». Đối với cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, chuyến công du này « là một giai đoạn ngoạn mục ». Cho đến nay, Việt Nam chỉ dành cấp độ cao nhất này cho Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc, và chính là Trung Quốc mà Joe Biden nhắm đến trong chuyến đi.

Ông Biden tiến hành những hoạt động ngoại giao dồn dập trên khắp châu Á nhằm đối đầu với cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới. Tuy vậy, nhà nghiên cứu Hạnh Nguyễn ở Úc cho rằng đây không phải là một « liên minh » nhằm khống chế Trung Quốc, vì cũng đang có những cuộc thảo luận để tăng cường quan hệ với Singapore và Indonesia. Cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường nói với AFP, Việt Nam « luôn nói rằng không đứng về bên nào, không chọn lựa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Người Mỹ biết rõ điều này ». 

Nhưng tổng thống Mỹ tin rằng Việt Nam vẫn hướng về phía Washington, vào lúc những yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông là nguồn gốc gây căng thẳng thường xuyên cho khu vực.Bà Lê Thu Hường nhấn mạnh « Tôi tin rằng sự cưỡng bức của Trung Quốc là yếu tố đẩy nhanh sự xích gần lại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ». Một đại lộ đã mở ra giữa đôi bên trong việc hợp tác về quốc phòng, chiến hạm quá cảnh, huấn luyện và cả tập trận chung. Joe Biden đang vận động tái tranh cử, cũng nghĩ về kinh tế. Ông muốn lập một chu trình kỹ nghệ thế giới ít lệ thuộc vào Trung Quốc và như vậy Biden cần Việt Nam, quốc gia đang tìm kiếm đối tác và vốn đầu tư để nâng cấp về công nghệ.

Kinh tế Việt Nam đang bùng nổ, mỗi ngày có thêm những món đầu tư mới mà thường thì dành cho Hoa lục. Joe Biden cho biết sẽ nêu ra vấn đề gai góc là tự do tín ngưỡng.Trên The Diplomat, giáo sư Jonathan London nhận thấy trong cả lĩnh vực kinh tế và an ninh, lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ và Việt Nam gắn kết vô cùng chặt chẽ với nhau. Nhà nghiên cứu gọi đây là một « kỷ nguyên mới » mang ý nghĩa sâu sắc, không chỉ cho Hoa Kỳ, Việt Nam mà còn cho khu vực và thế giới. Giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ-Việt sẽ tăng thêm sức mạnh cho các nỗ lực đa phương nhằm thúc đẩy một trật tự Ấn Độ-Thái Bình Dương dựa trên luật pháp. 

Elon Musk, nhân tố thất thường trong chiến tranh Ukraina

Le Monde chạy tựa trang nhất « Elon Musk, nhân tố thất thường trong cuộc chiến tranh Ukraina ». Nhà tỉ phú Mỹ hồi năm 2022 đã từ chối kích hoạt mạng lưới liên lạc vệ tinh Starlink, trước một cuộc tấn công quan trọng của Ukraina vào Crimée. Vụ này được nhà báo Mỹ Walter Isaacson tiết lộ trong cuốn tiểu sử ra mắt vào ngày 12/09, được ông chủ SpaceX cho phép.

Theo đó, hồi tháng 9/2022 Ukraina định tấn công hạm đội Nga ở Hắc Hải bằng « sáu drone hải chiến chứa đầy chất nổ ». Được điều khiển từ xa bằng liên lạc vệ tinh, những drone này không bao giờ đạt đến mục tiêu vì bị ngắt kết nối Starlink khi tiến gần Crimée. Ông Isaacson cho biết trước đó Elon Musk đã trao đổi với đại sứ Nga ở Washington, ông này đe dọa sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Nhà tỉ phú bèn bí mật yêu cầu các kỹ sư, không được kích hoạt mạng lưới trong vòng bán kính 100 kilomet xung quanh Crimée. Musk cũng nói chuyện với tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, tướng Mark Milley và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan. Nhà Trắng không trả lời Le Monde về vấn đề này.

Elon Musk khẳng định chính quyền Ukraina đề nghị kích hoạt khẩn cấp Starlink đến tận Sébastopol, « rõ ràng định đánh đắm đa số hạm đội Nga », nhưng ông không muốn leo thang xung đột. Theo nhà báo Isaacson, Musk lo ngại Kiev tiến hành một vụ « Trân Châu cảng mini » và rồi Matxcơva trả đũa bằng nguyên tử. Khi thông tin trên vừa được đưa ra, Kiev cực lực tố cáo : « Khi không cho drone Ukraina phá hủy một bộ phận hạm đội Nga (…) Elon Musk đã để cho hạm đội này bắn hỏa tiễn hành trình Kalibr vào các thành phố Ukraina. Hậu quả là thường dân và trẻ em bị sát hại ». Một trong các cố vấn tổng thống, Mykhailo Podoliak nhận định : « Đó là cái giá của một hỗn hợp gồm sự thiếu hiểu biết và cái tôi quá lớn ». Cuốn sách tiểu sử cho thấy sự tự cao và tính cách thất thường của nhà tỉ phú.

Isabelle Dufour, giám đốc nghiên cứu chiến lược của Eurocrise nhận định, lệ thuộc vào một nhân tố bên ngoài rất dễ tổn thương, nhưng quân đội không thể làm được tất cả. « Một quân đội hoàn toàn tự chủ chưa bao giờ hiện hữu trong lịch sử cận đại ». Elon Musk khẳng định Starlink không được chế tạo để liên can đến chiến tranh. Tuy nhiên Le Monde lưu ý là SpaceX thường xuyên tham gia triển lãm các thiết bị Starlink tại các hội chợ vũ khí

Vì sao Bỉ không chuyển F-16 cho Kiev ?

Về quyết định của Bỉ không chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cho Ukraina, Le Monde cho biết nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi trước lý do được đưa ra là các phi cơ này đã quá cũ. Theo trung tướng Frédéric Goetynck, không thể đặt sinh mạng phi công Ukraina trong vòng nguy hiểm. Tuy nhiên các quân nhân Ukraina sẵn sàng tiếp nhận những máy bay đã ở cuối vòng đời, họ đang sử dụng nhưng chiếc Sukhoi, MiG cổ lỗ sĩ từ thời Liên Xô, và huy động kỹ nghệ để tu bổ những phi cơ được các nước khác giao cho.

Chuyên gia Joseph Henrotin nhấn mạnh những tiêu chí thải loại là do phương Tây đặt ra, nên để Ukraina tự ấn định tiêu chí riêng của họ. Hơn nữa, những chiếc F-16 nào quá cũ vẫn có thể tận dụng để lấy phụ tùng, thiết bị thay thế. Dân biểu đối lập Georges Dallemagne tỏ ý tiếc vì những F-16 vào cuối đời vẫn có thể bay thêm 1.000 giờ nữa, có nghĩa là kéo dài được 5 năm – theo Lockheed Martin. Được biết tất cả F-16 của Bỉ không thể bay kể từ 2028, trong khi F-35 được giao sớm nhất là 2030. Có ý kiến cho rằng thật ra chỉ vì chính quyền Bruxelles lo ngại các F-35 không đến kịp để thay thế.

Bầu cử ở Matxcơva : Tổng diễn tập cho Putin

Tại Nga cuối tuần qua diễn ra « những cuộc bầu cử, nhưng không một lời về chiến tranh ». Theo Les Echos, « Việc Sobianine được bầu lại ở Matxcơva là một cuộc tổng diễn tập trước cuộc bầu cử của Putin ở Kremlin ». Serguei Sobianine là đô trưởng Matxcơva liên tục từ 2010 tới nay. Với những đồng đô la từ dầu lửa, thủ đô nước Nga được đổ tiền vào hiện đại hóa đô thị, tạo tiện nghi cho cư dân. Là người thân cận của Kremlin, Sobianine giữ im lặng trong suốt 19 tháng chiến tranh với Ukraina, chỉ có những phát biểu tối thiểu khi drone Ukraina tấn công vào thủ đô nước Nga.

Để kích thích người dân đi bầu, Le Monde cho biết tòa đô chánh Matxcơva tiếp tục chiến dịch « Một triệu giải thưởng », coi bầu cử như một giải tombola, người tham gia có thể trúng thưởng. Có 2,4 triệu giải với phiếu mua hàng giá trị từ 1.000 đến 4.000 rúp (9,5 đến 38 euro).Các cuộc bỏ phiếu cũng được tổ chức tại bốn vùng đất của Ukraina bị Matxcơva sáp nhập bất hợp pháp, mà truyền hình Nga nói rằng « Cử tri những vùng đất mới đi bầu lần đầu tiên tại tổ quốc lịch sử, với trái tim đầy xúc động », tuy Liên Hiệp Châu Âu cảnh cáo về hậu quả.

Đồng minh truyền thống Armenia của Nga quay sang phương Tây

Trong khi đó « Armenia đứng ra xa khỏi Nga ». Le Figaro cho biết do cảm thấy không được đồng minh truyền thống bảo vệ trước Azerbaijan, Erevan quay sang với phương Tây – một sự kiện chưa từng thấy.

Những ngày gần đây, chính phủ Armenia loan báo ít nhất năm quyết định chứng tỏ muốn giữ khoảng cách với Nga, cựu thực dân đang là « đối tác chiến lược », nước duy nhất bảo đảm an ninh cho Armenia từ 1991. Đến nỗi nhiều quan sát viên tự hỏi phải chăng Matxcơva đang mất đi một trong những đồng minh thân cận nhất thuộc Liên Xô cũ, trong khi tuyên truyền Nga đả kích « sự phản bội ». Chỉ trong một tuần lễ, Erevan đã 1) Thông qua thủ tướng Nikol Pachinian, tuyên bố sự lệ thuộc của Armenia vào Matxcơva là một « sai lầm chiến lược » 2) Triệu hồi đại diện thường trực ở Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, một mini NATO do Nga thống trị 3) Loan báo tập trận chung với Hoa Kỳ từ 11 đến 20/09 4) Lần đầu tiên viện trợ nhân đạo cho Ukraina 5) Cho biết phu nhân thủ tướng sẽ tham gia « hội nghị thượng đỉnh các đệ nhất phu nhân » tại Kiev.

Một loạt các thông báo trên đây, đa số đã được chuẩn bị từ nhiều tháng, do « các dấu hiệu cho thấy Azerbaijan tập trung quân tại đường tiếp xúc ở Thượng Karabakh và biên giới Armenia » - theo ông Panichian. Erevan lo ngại chiến tranh tái diễn, Bakou dùng vũ lực chiếm Thượng Karabakh, vùng đất người Armenia sinh sống đã ly khai khỏi Azerbaijan sau khi Liên Xô sụp đổ, và Bakou tái chiếm một phần trong cuộc chiến mùa thu 2020. Tuy Nga đã đưa gần 2.000 quân sang sau khi ngưng bắn, nhưng lại không hành động gì khi Azerbaijan phong tỏa hành lang Latchine khiến 120.000 người Armenia tại đây có nguy cơ « hoặc chết đói, hoặc phải di tản ».

Cứu trợ nạn nhân động đất, cơ hội hòa giải với Maroc ?

Báo chí Pháp hôm nay dành trọng tâm cho vụ động đất ở Maroc làm hơn 2.000 người chết. Le Figaro chạy tựa « Maroc : Xúc động và tương trợ sau động đất ». Libération đưa ảnh một nạn nhân với hàng tựa « Xin hãy giúp đỡ, kẻo chúng tôi sẽ chết đi trong im lặng ». Trang nhất La Croix đăng ảnh các nhân viên cứu hộ đang làm việc, chạy tít « Maroc, thời điểm cần cấp cứu ».Xã luận của La Croix kêu gọi « trợ giúp lâu dài », Libération nói về « Nỗi đau », Le Figaro nhận xét « Hòa giải trên những hoang tàn ».

Sự xúc động của người Pháp về tầm cỡ thảm họa ở Maroc và làn sóng tương trợ là điều dễ hiểu, khi hai nước có mối quan hệ lịch sử và văn hóa lâu đời. Pháp hiện có 1,5 triệu người Maroc cư ngụ, trong đó phân nửa mang hai quốc tịch, trên 50.000 công dân Pháp sinh sống ở Maroc, 4 triệu du khách Pháp sang du lịch mỗi năm. Nhưng mối quan hệ của các nhà lãnh đạo hai nước đang nguội lạnh. 

Kể từ xì-căng-đan Pegasus, tên một phần mềm Israel được tình báo Maroc cài vào điện thoại cá nhân của ông Emmanuel Macron, tổng thống Pháp và quốc vương Mohamed VI không còn nói chuyện với nhau suốt hai năm qua. Trước thiên tai, nguyên thủ Pháp đề nghị giúp đỡ nhưng vua Maroc chỉ chấp nhận nhỏ giọt, do bất đồng về đông Sahara và việc Paris xích gần lại với Algérie. Nhưng ngay cả đối thủ Alger của Maroc cũng đã lên tiếng muốn hỗ trợ « nước anh em »,Le Figaro cho rằng nếu những bàn tay chìa ra trên những đổ nát được nắm lấy, sẽ là khởi đầu cho quá trình hòa giải.

Chilê tiếp tục chia rẽ, 50 năm sau đảo chánh

La Croix nhận thấy nửa thế kỷ sau khi Dinh tổng thống bị dội bom, bóng ma của nhà độc tài Augusto Pinochet và tổng thống cánh tả Salvador Allende vẫn ám ảnh Santiago. Những cuốn sách viết về ông Allende bán rất chạy, trên truyền hình, những bộ phim nhiều tập và phim tư liệu về vụ đảo chánh của Pinochet liên tục được chiếu, với các cuộc tranh luận giữa những nhà sử học. Nhật báo thiên tả Libération dành nhiều trang cho sự kiện này, nhấn mạnh trước năm 2001, khi nói về « ngày 11 tháng Chín » là của năm 1973, về Chilê, cái chết bi kịch của Allende. Trước 2001, khi nói về « ngày 11 tháng Chín », Hoa Kỳ chưa phải là mục tiêu của khủng bố.

Ngày 11/09/1973, trú ẩn tại Moneda tức Dinh tổng thống nằm ở trung tâm Santiago bị không quân Chilê oanh tạc, Salvador Allende lên tiếng trong một bài diễn văn đầy xúc động trên Radio Magallanes : « Đây chắc chắn là cơ hội cuối cùng tôi nói chuyện với quý vị ». Tổng thống phe xã hội biết rằng thế là hết : tướng Augusto Pinochet đảo chánh, cảng chính Valparaiso trong tay quân nổi dậy, những đài phát thanh chủ chốt sẽ tắt tiếng. Ông quyết định tự sát trong dinh thự đang bị xe tăng và bộ binh bao vây, nhưng kêu gọi phe cấp tiến « giữ hy vọng ». Chilê bắt đầu chế độ độc tài đẫm máu, và 50 năm sau, tuy còn 1.200 người mất tích, nhưng đất nước này vẫn chia rẽ giữa những người ủng hộ và chống đối Pinochet.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.