Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Chế độ độc tài Putin lộ rõ nhược điểm sau vụ binh biến

Trên báo Le Figaro ngày b29/06/2023, tân tổng thống Latvia Edgars Rinkevics nhận xét : « Quyền lực Nga yếu hơn chúng ta vẫn tưởng », triết gia Ukraina Constantin Sigov khẳng định « Bây giờ người ta biết rằng Putin đã sợ hãi ». Cuộc nổi dậy bất thành của nhóm Wagner mang lại bài học cho phương Tây : đứng trước Putin, vũ lực là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình. Chẳng lẽ phương Tây không thể làm được như 25.000 lính đánh thuê Wagner ? 

Lính đánh thuê Wagner được triển khai gần Bộ chỉ huy Quân khu miền Nam tại thành phố Rostov trên sông Đông ở Nga, ngày 24/06/2023.
Lính đánh thuê Wagner được triển khai gần Bộ chỉ huy Quân khu miền Nam tại thành phố Rostov trên sông Đông ở Nga, ngày 24/06/2023. REUTERS - STRINGER
Quảng cáo

Ảo tưởng sức mạnh Nga

Trên Le Figaro, tân tổng thống Latvia Edgars Rinkevics nhận xét : « Quyền lực Nga yếu hơn chúng ta vẫn tưởng ». Rõ ràng vị thế của Vladimir Putin đã bị giảm sút, nhưng chưa rõ đến mức độ nào và hệ quả ra sao trên chính trường Nga. Putin sẽ gia tăng đàn áp trong nước, leo thang trên chiến trường Ukraina ? Sự hiện diện của lính đánh thuê Wagner ở Belarus sẽ ảnh hưởng đến an ninh khu vực, đối với các nước Baltic, Ba Lan và tất nhiên là Ukraina.

Ông Rinkevics cho rằng nếu cuộc phản công của Kiev thành công, chế độ Vladimir Putin có thể sụp đổ. Gần đây người ta đã thấy mối đe dọa cho Putin không phải từ giới tài phiệt hay tinh hoa, mà từ bộ máy an ninh của ông. Vụ nổi loạn chứng tỏ chính quyền Nga yếu hơn người ta nghĩ, nếu Ukraina thành công, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Hồi đầu thập niên 90, mọi người đều lo sợ Gorbatchev sụp đổ, nhưng rốt cuộc chuyện gì phải đến đã đến.

Theo tổng thống Latvia, chỉ có mỗi một kịch bản cho cuộc chiến Ukraina : tái lập toàn vẹn lãnh thổ cho nước này. Đó sẽ là dấu hiệu mạnh mẽ cho Nga và cả Trung Quốc. Matxcơva sẽ cố gắng kéo dài chiến tranh cho đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Không nên thúc đẩy Kiev ngồi vào bàn thương lượng, mà tiếp tục hỗ trợ về quân sự, chính trị và kinh tế cho đến khi nào còn cần đến.

Độc tài mới giữ được ổn định ?

Tương tự, Le Monde cho rằng « Các chế độ toàn trị không hề vững vàng ». Tờ báo dẫn ra ví dụ, sau những cuộc biểu tình quy mô ở Cairo, ngoại trưởng Mỹ thời đó là bà Hillary Clinton hôm 25/01/2011 vẫn tuyên bố tin vào chính phủ Ai Cập, nhưng chỉ 16 ngày sau chế độ Hosni Mubarak sụp đổ.

Xuất khẩu dầu khí của Nga đạt đến mức kỷ lục nhờ những nước vắng mặt trong những cuộc bỏ phiếu liên quan đến Ukraina ở Liên Hiệp Quốc như Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng phải bán đại hạ giá. Chế độ Putin không có một ý thức hệ để dựa vào như Iran, không có công cụ hỗ trợ là đảng cộng sản như Trung Quốc, và thái độ của xã hội là rất ấn tượng. Hôm 22/02, đám đông với cờ xí đã được đưa đến sân vận động Loujniki ở Matxcơva để hoan hô ông chủ điện Kremlin nhân kỷ niệm một năm « chiến dịch quân sự đặc biệt ». Bốn tháng sau, người dân không tỏ thái độ đối với vụ nổi loạn. Nhà sử học Anne Applebaum chuyên về Nga viết : « Nếu chẳng ai quan tâm đến điều gì cả, có nghĩa là họ không bận tâm về người lãnh đạo tối cao, đến ý tưởng và cuộc chiến tranh của ông ta ».

Belarus, chư hầu Nga tiếp nhận Wagner

Nhìn sang « Belarus, chư hầu của Nga », Le Monde nhận thấy tổng thống Alexandre Lukachenko khi tiếp nhận nhóm Wagner đã dấn sâu hơn vào quỹ đạo của Matxcơva. Việc Yevgeny Prigozhin « dọn nhà » sang Belarus, coi như Matxcơva đã giao lại cho Minsk một số hoạt động trong cuộc chiến tranh đa diện. Thủ lãnh đối lập Belarus lưu vong không loại trừ khả năng Yevgeny Prigozhin tham gia một cuộc tấn công mới vào Ukraina, và bản thân ông chủ Wagner cũng là mối đe dọa cho Lukashenko.

Điều mỉa mai của lịch sử là tháng 7/2020, chưa đầy hai tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Belarus, lực lượng an ninh của Alexandre Lukachenko đã bắt giữ 33 lính đánh thuê Wagner vì « làm tình hình bất ổn trong chiến dịch tranh cử ». Giờ đây nhà độc tài - lệ thuộc Vladimir Putin hơn bao giờ hết - lại mở rộng vòng tay cho tổ chức này.

Tổng thống Nga đã run sợ

Trả lời phỏng vấn của Libération, triết gia Ukraina Constantin Sigov khẳng định « Bây giờ người ta biết rằng Putin đã sợ hãi ». Cuộc nổi loạn bất thành của nhóm Wagner đã bộc lộ nhược điểm của tổng thống Nga. Thật ra đây không hoàn toàn là bất ngờ, vì ai cũng đã biết những rạn nứt giữa nhóm lính đánh thuê và quân đội Nga. Yevgeny Prigozhin là kẻ sát nhân đã công khai tuyển mộ những tội phạm đang ở tù, chính nhân vật thô bạo này thách thức chế độ, mà người dân không hề kháng cự. Mọi người đều thấy cái gọi là « bàn tay sắt » của nhà độc tài không vận dụng được nữa. Việc chạy trốn của Putin cũng là bước đầu tiên hướng về tòa án La Haye trong tương lai.

Điều cần nhấn mạnh là cuộc tiến quân về Matxcơva hôm thứ Bảy được Yevgeny Prigozhin gọi là « hành quân vì công lý ». Trong tuyên bố đầu tiên hôm thứ Sáu 23/06, ông nhân danh « công lý » này, trực tiếp tố cáo chế độ đã can thiệp quân sự vào Ukraina với những cái cớ phi lý, chẳng liên quan gì đến NATO cũng như sự nguy hiểm của Ukraina. Ông đả kích : « Chiến tranh cần cho một nhóm những tên khốn được thăng tiến ». Chín năm sau khi chiếm Crimée, Yevgeny Prigozhinchỉ ra những dối trá để có được tính chính danh. Ông đã tiết lộ mắt xích yếu trong hệ thống Putin : nỗi sợ sự thật.

Sự nứt vỡ vừa trong ý thức của các thành viên quân đội, bán quân sự và dân chúng. Khế ước xã hội bị phá hủy. Không còn ai được an toàn, bắt đầu từ giới tài phiệt : Putin không thể bảo vệ được tài sản và cuộc sống của họ. Giờ đây đã có lời đáp cho câu hỏi « Có nên sỉ nhục Putin hay không ? ». Emmanuel Macron nói rằng không, kể cả sau vụ thảm sát Bucha. Cuối tuần qua, chúng ta chứng kiến một sự lăng nhục trầm trọng Vladimir Putin, và phản ứng của ông ta rất đáng chú ý. Putin không đưa phi cơ và hỏa tiễn tầm xa đến đánh lại Prigojine, đọc một bài diễn văn đáng xấu hổ, chấp nhận một sự trao đổi.

Sức mạnh là cách duy nhất để đối phó với Putin

Đó là bài học cho các nhà lãnh đạo phương Tây : đứng trước Putin, vũ lực là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình.Như ông Petr Pavel, tổng thống Cộng hòa Sec đã nói, cần giao cho Kiev tất cả những vũ khí cần thiết để chận lại chế độ khủng bố của Putin. Câu hỏi rất đơn giản : phương Tây có mạnh hơn Yevgeny Prigozhin hay không ? Có thể làm tốt hơn Wagner với 25.000 lính đánh thuê không ? 

Nhà sử học Mỹ Timothy Snyder giải thích bại trận ở Ukraina không phải là nguy hiểm chết người cho Putin. Rút toàn bộ quân khỏi Ukraina, trả lại tất cả những lãnh thổ chiếm đóng kể cả Crimée, rốt cuộc ít nghiêm trọng hơn là bị đội quân Wagner bao vây ở Matxcơva. Ông ta đe dọa, châu Âu đã sợ hãi, và nay thì rõ ràng Putin sợ hơn chúng ta nhiều. Châu Âu cần phải áp đặt việc kiểm soát quốc tế cho nhà máy điện nguyên tử Zaporijia, cuộc chiến có thể chấm dứt nhanh chóng hơn người ta tưởng.

Dân Nga hoàn toàn thờ ơ, không có ai ngay cả trên mạng xã hội lên tiếng bảo vệ chế độ Putin. Hoàn toàn tương phản với dòng người xung phong nhập ngũ khi bom đạn vừa rơi xuống Kiev. Người Ukraina đến mùa xuân trước mới thấy rằng kẻ xâm lăng chẳng hiểu gì về nước mình từ 30 năm qua, và nay thì thấy các nhà lãnh đạo Nga cũng chẳng biết gì về đất nước họ. Chế độ Putin sử dụng hai công cụ : dối trá và bạo lực. Đó là một con rắn tự ăn chiếc đuôi của nó, nhưng cái vòng lẩn quẩn có thể bị phá vỡ.

Tương lai người đứng đầu Kremlin

Thông tín viên Les Echos tại Matxcơva phân tích « Đối với Putin, trở lại bình thường là điều bất khả ». Một câu hỏi hiện chưa có lời đáp : liệu sự kiện chấn động vừa qua có làm rối loạn cuộc bầu cử tổng thống năm tới và tương lai của ông chủ điện Kremlin ?

Trong gần một phần tư thế kỷ nắm quyền, Vladimir Putin chưa bao giờ bị đe dọa trực tiếp như vậy. Ông ta đả kích một sự « phản bội » tổ quốc, nhưng vụ này mang tính cá nhân. Trong suốt nhiều năm, Putin chối bỏ mọi liên hệ với Wagner nhưng thực tế ông ta bảo trợ Yevgeny Prigozhin, và mới đây vừa nhìn nhận đã tài trợ cho đội quân tư nhân này gần 1 tỉ đô la.

Các nhà bình luận phương Tây chờ đợi những tuyên bố nảy lửa đã thất vọng với bài diễn văn chỉ dài hơn mươi phút trên truyền hình. Nhưng ông chủ điện Kremlin không nói với phương Tây mà với người Nga. Thông điệp rất rõ : cú sốc đã qua, giờ là lúc trở lại bình thường. Putin hy vọng khống chế được mọi thứ như cũ, với triển vọng về cuộc bầu cử tổng thống mùa xuân 2024.

Wagner 11 tỉ lượt xem : Dân Nga nay đã biết sự thật

Như một số người ở Matxcơva nói đùa, để « bầu ra Putin sau thời kỳ Putin ». Cuộc bầu cử này chỉ như một hoạt động truyền thông nhằm duy trì bề ngoài ổn định, chứng tỏ tính chính danh của tổng thống. Trong trò chơi này, Yevgeny Prigozhin lẽ ra phải đóng vai trò chủ chốt. Trước những thất bại quân sự ở Ukraina, phe dân tộc chủ nghĩa chê trách quân đội kém hiệu quả, Kremlin yếu đuối. Với những chiến thắng ngoài mặt trận và các phát biểu gây sốc, một Prigozhin dân túy biết cách nói chuyện với họ, giải tỏa các bất mãn nhưng vẫn chịu sự kiểm soát của Kremlin, đưa cử tri trở lại với hàng ngũ Putin.

Giờ đây phải làm gì, với Yevgeny Prigozhin đã trở nên quá nổi tiếng, và nói chuyện thế nào với phe dân tộc chủ nghĩa bất bình ? Vụ nổi dậy Wagner đã thu hút đến 11 tỉ lượt xem trên các kênh Telegram tiếng Nga chỉ trong vòng 24 giờ. Như vậy tất cả người Nga đều đã theo dõi. Khác xa với « sự bình thường » được tuyên truyền trên ti vi, và bài diễn văn về « đoàn kết » của Vladimir Putin.

Ông chủ Kremlin không có thói quen rút ra bài học từ những sai lầm, mà luôn đổ trách nhiệm cho các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Vụ nổi loạn đem lại ít nhất ba hậu quả : loại thủ lãnh Wagner ra khỏi trò chơi chính trị và có thể đổi lấy sự ra đi của bộ trưởng quốc phòng, còn tổng thống thì yếu đi. Trong những tòa tháp của Kremlin, vài kiến trúc sư « hậu Putin » đang chờ đợi hồi kế tiếp.

Kharkiv bắt đầu « phi Nga hóa »

Trong khi đó ở Ukraina, thông tín viên La Croix cho biết đang diễn ra quá trình « phi Nga hóa » ở Kharkiv để lật sang một trang mới. Bức tượng đồng của nhà thơ Nga Alexandre Pushkin trên tường trạm métro Pushkinska đang sống những ngày cuối cùng, cả trạm này cũng sẽ đổi tên. Còn đại lộ Matxcơva nay đã được đặt tên mới là « Những anh hùng Kharkiv ». Trong thành phố một triệu rưỡi dân đã quen nói tiếng Nga, có trên 500 con đường và cơ sở hạ tầng đô thị mang những tên gọi có liên hệ với văn hóa Nga. Việc đổi tên trạm métro và đường Pushkin cũng như công viên Gorki sẽ do một ủy ban khu phố quyết định.

Nằm cách biên giới khoảng 30 kilomet, thành phố lớn thứ hai của Ukraina xưa nay vẫn có mối liên kết văn hóa, lịch sử và kinh tế chặt chẽ với Nga, người dân Kharkiv có cảm tình với nước Nga. Nhưng cuộc xâm lăng ngày 24/02/2022 đã làm thay đổi tất cả. Nhà sử học Maria Takhtaulova giải thích, Pushkin được Matxcơva sử dụng như dấu ấn Nga. Tại Damas, một thành phố chẳng liên quan gì, tượng của nhà thơ đã được dựng lên sau khi Matxcơva can thiệp vào Syria.

Một nghiên cứu năm 2018 cho biết có đến 594 con đường mang tên Pushkin trên cả nước Ukraina, vượt cả số 587 địa điểm có tên nhà thơ nữ Lessia Oukrainka nổi tiếng của Kiev. Số phận những con đường nhằm vinh danh nhà khoa học Dmitri Mendeleiev chẳng hạn sẽ được quyết định bởi một ủy ban đặc biệt. Đối với bức tượng một người cô-dắc Ukraina và một tay súng Matxcơva tay trong tay, một nhà điêu khắc cho rằng nên giữ lại vì giá trị nghệ thuật, không phải cái gì cũng vứt bỏ. Dù sao đi nữa, quá trình phi Nga hóa đã bắt đầu trong trí óc người dân Kharkiv.

Bạo động bùng nổ : Tựa chính báo Pháp

Bạo động ở nhiều nơi tại Pháp sau vụ một thiếu niên 17 tuổi bị bắn chết ở Nanterre, ngoại ô Paris vì từ chối tuân thủ mệnh lệnh cảnh sát, là chủ đề bao trùm các báo Paris hôm nay. Nhật báo thiên tả Libération dành hồ sơ cho tình trạng « Cảnh sát chệch hướng », cho rằng đó là vì lâu nay chính quyền nhắm mắt làm ngơ trước bạo lực của lực lượng an ninh. La Croix chạy tựa « Phương pháp của cảnh sát bị đặt vấn đề» về việc huấn luyện và cách thức can thiệp của cảnh sát. Theo tờ báo, chỉ tư pháp mới có thể phát biểu và cũng phải dựa vào tư pháp để phán đoán sự việc.  

Le Figaro cánh hữu đưa tít « Sau vụ Nanterre, chính quyền tìm cách tránh lây lan », coi đây là « Bi kịch Pháp ». Những hình ảnh gây sốc, nhưng tư pháp không phải là ảnh chụp màn hình - Pháp là một Nhà nước pháp quyền. Nỗi xúc động rất lớn sau các vụ khủng bố, vụ cực đoan Hồi giáo chặt đầu thầy giáo Samuel Paty, vụ tấn công vào các em bé ở Annecy…nhưng không ai đi đốt xe hơi của hàng xóm, đốt các thùng rác, quăng bom xăng…

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.