Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Ukraina: Nhà máy điện hạt nhân không được thiết kế để chống hành động chiến tranh

Các tờ báo Pháp hôm nay 19/08/2022 quan tâm đến nhiều chủ đề khác nhau. 

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở thành phố Enerhodar (Ukraina) bị Nga kiểm soát.  Ảnh chụp ngày 04/08/2022.

REUTERS - Alexander ErmochenkoAugust 4, 2022.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở thành phố Enerhodar (Ukraina) bị Nga kiểm soát. Ảnh chụp ngày 04/08/2022. REUTERS - Alexander ErmochenkoAugust 4, 2022. REUTERS - Alexander Ermochenko
Quảng cáo

Nhật báo kinh tế Les Echos có bài phỏng vấn Olivier Gupta, chủ tịch Hiệp Hội Hạt Nhân Dân Sự Châu Âu. Ông Gupta giải mã những rủi ro treo lơ lửng trên các nhà máy điện hạt nhân của Ukraina bị « mắc kẹt » trong chiến tranh và những băn khoăn về điều kiện hoạt động của nhà máy Zaporijjia, nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu, hiện đang do lực lượng Nga kiểm soát. 

Khi được hỏi về tình hình hiện tại ở các nhà máy điện hạt nhân của Ukraina, ông Gupta nhận định rằng an toàn của các cơ sở hạt nhân ở Ukraina đã bị suy yếu, mặc dù hiện này vẫn chưa xảy ra một vụ tai nạn hoặc « tiền tai nạn » nào. Sau mỗi sự kiện có thể ảnh hưởng đến an toàn của nhà máy, các chuyên gia sẽ phân tích tình hình trong khuôn khổ Hiệp hội các cơ quan có thẩm quyền về an toàn hạt nhân của các nước Tây Âu. 

Đã có những thiệt hại ở khu vực lân cận của các trạm phát điện. Các đường dây điện cung cấp cho nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu với 6 lò phản ứng đang hoạt động, đã bị ảnh hưởng. Đây là một vấn đề không nhỏ, bởi một nhà máy điện hạt nhân cần liên tục được cung cấp nước và điện để làm mát, ngay cả lúc lò phản ứng không hoạt động. 

Zaporijjia vẫn chưa bị ngắt hoàn toàn khỏi mạng lưới điện, và còn có các máy phát điện khẩn cấp chạy bằng dầu diesel. Tuy nhiên, đây là những sự kiện làm suy yếu sự an toàn của nhà máy. Ở giai đoạn này, không có hiện tượng phóng xạ bất thường nào được phát hiện bởi các máy cảm biến ở Ukraina hay các nơi khác ở châu Âu. Nếu có một hiện tượng phóng xạ dù chỉ là nhỏ, chúng ta sẽ biết rất nhanh. 

Theo ông Gupta, ngoài thiệt hại về vật chất, chiến tranh có khả năng làm mất ổn định chuỗi cung ứng, có thể gây ra hậu quả đối với an toàn hạt nhân. Điều cần phải làm bấy giờ là tăng cường nhân công từ nước ngoài để có đủ nhân lực làm công tác bảo trì nhà máy, cũng như nhập các vật tư tiêu hao cần thiết phục vụ việc duy trì hoạt động nhà máy. Chuỗi hậu cần hiện đang bị gián đoạn ở nhà máy Zaporijjia, nhưng các chuyên gia vẫn chưa xác định được ở mức độ nào. 

Mức độ an toàn của nhà máy Zaporijjia có thể sánh ngang với các nhà máy điện khác của châu Âu. Đây là một nhà máy do Nga thiết kế, nhưng Ukraina cũng đã nhiều lần sửa chữa. Ở đây có 6 lò phản ứng nước áp lực, cùng loại với những lò phản ứng ở những nơi khác ở châu Âu, và không sử dụng công nghệ RBMK như ở Tchernobyl. Zaporijjia, giống như tất cả các nhà máy điện ở châu Âu, đã trải qua các cuộc kiểm tra khắt khe sau khi xảy ra sự cố nhà máy Fukushima ở Nhật. Nhà máy Zaporijjia đã có các cải tiến, đặc biệt là với việc bổ sung máy phát điện diesel và các phương tiện khẩn cấp di động khác nhau. Hơn nữa, Hiệp hội các cơ quan có thẩm quyền về an toàn hạt nhân đã soạn thảo các thông số kỹ thuật cho các thử nghiệm khắt khe này. 

Các nhà máy điện hạt nhân là một trong những hệ thống công nghiệp vững chắc nhất, chúng được thiết kế để chống lại sét, gió mạnh hay động đất. Tường của các nhà máy hạt nhân được xây bằng bê tông dày, và chúng cũng sở hữu nhiều hệ thống an ninh khác. Tuy nhiên, các nhà máy không được thiết kế để chống chọi với những hành động chiến tranh và đây là điều cần phải lưu ý. 

Taliban kỷ niệm 1 năm cầm quyền 

Nhìn sang Afghanistan, bài xã luận của nhật báo Công Giáo La Croix thì quan tâm đến việc Taliban tổ chức kỷ niệm một năm ngày lên nắm quyền ở Kabul hôm 15/08 vừa qua, nhưng đối với nhiều người ở Afghanistan, đó là một ngày buồn. Phong trào vũ trang này thúc đẩy việc thành lập « một Nhà nước cảnh sát » hoạt động theo luật lệ cực kỳ nghiêm ngặt của Sharia, luật Hồi Giáo. Họ loại trừ phụ nữ khỏi các hoạt động công cộng và hầu như không quan tâm đến sự phát triển của xã hội. Họ không có nhu cầu tạo dựng một Nhà nước tân tiến và hiện đại. Chế độ này phần lớn được lãnh đạo bởi người Pashtun. 

Ở các vùng nông thôn, sự trở lại của Taliban không hẳn đã thay đổi nhiều. An ninh nội bộ được bảo đảm tốt hơn và các phát ngôn thường theo hướng chủ nghĩa truyền thống, bảo thủ. Nhưng nạn nghèo đói thì đang tiếp tục lan rộng. Và ở các thành phố, phụ nữ phải lùi vào cuộc sống bên lề. Bị loại trừ khỏi nhiều công việc công cộng, giờ đây họ bị cấm đi lại một mình bên ngoài thành phố mà họ sinh sống. Các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông dành cho nữ sinh đã bị đóng cửa. Và giờ đây, phụ nữ lại bị bắt mang khăn trùm đầu. Việc xâm phạm quyền riêng tư phổ biến trở lại, bao gồm việc ép buộc các cô gái trẻ kết hôn với những người mà họ không có tình cảm. 

Chính sách này đang cô lập Afghanistan. Cộng đồng quốc tế vẫn duy trì những viện trợ nhân đạo, nhưng một cách có điều kiện. Theo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, những nước được viện trợ phải tôn trọng nhân quyền và phụ nữ. Điều kiện này hết sức quan trọng, bởi điều đó giúp duy trì việc phẩm giá của con người không bị xúc phạm. Taliban phải bị tẩy chay nếu họ không có chút tiến bộ nào, và những người bị buộc phải chạy trốn khỏi chế độ cần phải nhận được sự chào đón và hoan nghênh ở những nơi mà họ tới. 

Nguồn nước trên thế giới bị cạn dần 

Về lĩnh vực môi trường, bài xã luận của nhật báo thiên hữu Le Figaro quan tâm đến việc nguồn nước trên thế giới đang bị cạn dần do hạn hán và biến đổi khí hậu. Kể từ xa xưa, con người đã chiến đấu vì nước cũng như vì đất, ý thức rằng hai thứ phải luôn đi đôi cùng nhau. Sự thống trị của Đế chế La Mã được củng cố bởi khoa học với hệ thống dẫn nước của họ. Vào thế kỷ 15, những người nông dân vùng Valais ở Thụy Sĩ giết nhau để kiểm soát các ngọn núi. Vào năm 1503, Leonardo da Vinci thông đồng với Machiavelli để nắn nguồn sông Arno từ Pisa sang Florence và nước cũng là một vấn đề quan trọng trong chiến tranh 6 ngày vào năm 1967 giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập. 

Đã hàng thập kỷ kể từ khi các chuyên gia và báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố về “các cuộc chiến tranh về nước trong thế kỷ 21”. Nguồn năng lượng quan trọng này, có thể trở thành một vũ khí, thậm chí là một mục tiêu chiến lược khi nó cạn kiệt. Và nước đang thực sự bị thiếu hụt, thúc đẩy bởi hạn hán và biến đổi khí hậu. Gần một nửa nhân loại sống trong các khu vực phải đối mặt với tình trạng thiếu nước triền miên. Ở châu Phi, Trung Đông, Trung Á và thậm chí ở châu Mỹ, tình hình đang trở nên rất căng thẳng khi các lưu vực sông và các mực nước ngầm bị cạn kiệt. 

Giờ đây con người có các giải pháp về mặt kỹ thuật như tái lọc hay khử muối và những giải pháp chính trị như việc quản lý tài nguyên và điều tiết tiêu thụ. Từ sông Nile đến sông Tigris hay sông Euphrates, quyền lực, sức mạnh nằm ở thượng nguồn các con sông và quyền sử dụng nước thường được áp dụng theo luật của kẻ mạnh nhất. Hành tinh càng khát nước, căng thẳng càng gia tăng dẫn đến việc bất ổn trong xã hội gia tăng. 

Việc biết chia sẻ nước là một vấn đề quan trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Thế giới cần một cấu trúc đa phương, nơi “ngoại giao nước” thực sự có thể được triển khai, để chống lại sự quản lý yếu kém, lường trước các cuộc khủng hoảng và chống lại nguy cơ chiến tranh. Tương lai của nhân loại gắn liền với số phận mà chúng ta sẽ dành cho “vàng xanh”, nguồn sống và điều kiện tồn tại trên hành tinh của chúng ta. 

Bệnh bại liệt trở lại ở Hoa Kỳ 

Về lĩnh vực sức khỏe, nhật báo Le Monde có bài viết « Vac-xin là thứ duy nhất ngăn chặn bệnh bại liệt ». Vào ngày 21/07 vừa qua, Hoa Kỳ đã báo cáo ca bệnh bại liệt đầu tiên sau gần 10 năm. Thanh niên 20 tuổi mắc bệnh sống ở Rockland County, cách New York 30 dặm. Anh đã đến bệnh viện sau khi chân bị liệt. Bệnh nhân này ngay sau đó được chẩn đoán là bị nhiễm virus bại liệt, tác nhân gây ra căn bệnh này. Cho đến nay, anh vẫn bị liệt bán phần. 

Các nước giàu dường như đã quên mất căn bệnh rất dễ lây lan này. Bệnh nhân mắc bệnh bởi một loại virus tấn công hệ thần kinh và có thể gây ra khuyết tật vận động vĩnh viễn. Phương thức lây truyền thông thường của nó là qua đường ăn uống, sau khi dùng nước hoặc thức ăn bị ô nhiễm. Trước khi phương Tây bắt đầu các chiến dịch tiêm chủng lớn vào giữa và cuối những năm 1950, căn bệnh này đã gieo rắc nỗi sợ hãi trong xã hội. Đặc biệt là trong số các bậc cha mẹ có con dưới 5 tuổi, những đối tượng dễ nhiễm virus nhất. Ở Pháp, từ năm 1943 đến năm 1988, bệnh bại liệt đã khiến gần 33.000 người bị liệt và giết chết 3.315 người. 

Kể từ năm 1988, số ca bại liệt đã giảm tới 99%. Một sự sụt giảm ngoạn mục, do việc triển khai Sáng kiến Xóa bỏ Bại liệt Toàn cầu, được khởi động bởi sự thúc đẩy của các chính phủ quốc gia, Tổ chức Y tế Thế giới, Rotary International, các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ và Unicef cùng với sự hỗ trợ của qũy Bill và Melinda Gates. Kết quả là vào năm 1988, khi trên thế giới ước tính có khoảng 350.000 ca nhiễm bệnh với việc virus có mặt ở hơn 125 quốc gia, thì vào năm 2021, chỉ còn vỏn vẹn 6 ca nhiễm được ghi nhận ở hai quốc gia là Afghanistan và Pakistan. 

Michel Zaffran, người đứng đầu Sáng kiến Xóa bỏ bệnh bại liệt toàn cầu từ năm 2016 đến năm 2021 cho biết : « Bất cứ ai bị bại liệt đều là một thảm kịch. Nhưng lý do chính khiến bệnh nhân ở New York bị bệnh là do anh ta không được tiêm chủng. » 

Ủy viên Y tế bang New York Mary Bassett cảnh báo hôm 04/08 rằng bệnh nhân này có thể đại diện cho "phần nổi của tảng băng về việc bệnh đã lây lan rộng". Rõ ràng, bệnh bại liệt là một mối nguy hiểm ở New York vào thời điểm hiện tại. 

Mối đe dọa trở nên rõ ràng hơn vào ngày 12/08 khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh xác nhận sự hiện diện của virus bại liệt trong 20 mẫu nước thải được thu thập từ tháng 5 đến tháng 7 ở hai quận lân cận của vùng Rockland và Orange và ở cả chính thành phố New York. 

Các nhà dịch tễ học đã có những tiến bộ khác khi họ phát hiện rằng tất cả các chủng virus được phát hiện trong cống rãnh ở bang New York đều giống loại virus gây ra chứng tê liệt của nam thanh niên nhiễm bệnh nói trên. Điều này khẳng định "sự cấp bách đối với người lớn và trẻ em ở New York trong việc tiêm chủng". Jay Varma, nhà dịch tễ học, cho biết thêm : “Trong trường hợp không có một chiến dịch tiêm chủng lớn, tôi nghĩ rằng rất có thể sẽ có nhiều trường hợp mắc bệnh”. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.