Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Tưởng niệm danh ca Nam Phi Johnny Clegg

Đăng ngày:

Nam ca sĩ Johnny Clegg đã qua đời hôm 16/07/2019 tại Johannesburg sau 4 năm chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến tụy. Ra đi ở tuổi 66, ông đã để lại một di sản âm nhạc gắn liền với lịch sử Nam Phi, Johnny Clegg từng nổi tiếng trên thế giới nhờ dấn thân đấu tranh chống chính sách kỳ thị chủng tộc apartheid.

Ca sĩ Johnny Clegg nhân đợt biểu diễn tại Paris, 05/2010
Ca sĩ Johnny Clegg nhân đợt biểu diễn tại Paris, 05/2010 © RFI/Edmond Sadaka
Quảng cáo

Lúc sinh tiền, Johnny Clegg được mệnh danh là "Zulu da trắng", do ông luôn gợi hứng từ nền văn hóa cũng như ngôn ngữ bantou của người Zulu, để kết hợp với dòng nhạc pop rock của người Âu Mỹ. Johnny Clegg thấm nhuần dòng văn hóa châu Phi đến nổi, từ cách ăn mặc cho đến lối biểu diễn trên sân khấu, ông đều mang ít nhiều ảnh hưởng của người Zulu.

Về điểm này, nhà quản lý Rodd Quinn cho biết, Johnny Clegg điển hình cho người nghệ sĩ dung hòa nhiều nền văn hóa khác nhau mà không hề đánh mất bản sắc. Ông Rodd Quinn phát biểu về cái chết của người bạn đồng hành, trên đài truyền hình quốc gia Nam Phi (SABC), cũng như tất cả các phương tiện truyền thông Nam Phi thời bấy giờ, đã từng cấm phổ biến các bài hát của Johnny Clegg trong suốt giai đoạn chính sách apartheid còn hiện hành.

Sinh tại Anh quốc, rồi lớn lên tại Nam Phi, Johnny Clegg đã từng nhìn thấy tận mắt những bất công xã hội cũng như các vụ bạo hành dưới chế độ apartheid, khi gia đình ông đến Johannesburg định cư khi ông mới được 6 tuổi. Những năm tháng đầu đời, Johnny Clegg sống ở Vương quốc Anh, ông sinh trưởng (1953-2019) trong một gia đình nghệ sĩ gốc Do Thái ở vùng ngoại ô Manchester. Mẹ anh là một ca sĩ nhạc jazz và tùy theo hợp đồng biểu diễn, cậu bé theo mẹ thay đổi nhiều lần chỗ ở, từ Israel đến Zimbabwe và sau đó là Nam Phi.

Định cư tại Johannesburg từ thuở thiếu thời, Johnny Clegg khám phá nền văn hoá Zulu năm anh 15 tuổi, trong các buổi hội hè tại các nhà trọ tập thể dành cho công nhân da đen hay tại các khu phố nghèo township nơi mà chẳng có công dân da trắng nào dám bén mảng tới. Trong thời gian này, tay đàn Sipho Mchunu, sẽ dạy cho anh cách chơi đàn, cũng như ngôn ngữ và các điệu nhảy truyền thống của người Zulu.

Cùng nhau họ thành lập nhóm Juluka năm 1969 (có nghĩa là Mồ Hôi trong thổ ngữ Zulu), trên đĩa nhạc được phát hành mang tựa đề ‘‘Universal Men’’, họ chơi các nhịp điệu địa phương nhưng chủ yếu hát bằng tiếng Anh, kết hợp điệu nhảy Zulu với đàn ghi ta điện, pha trộn nền văn hóa châu Phi với nhạc pop rock phương Tây, tất cả chỉ để nói lên khát vọng nhìn thấy một thế giới không còn phân biệt chủng tộc màu da, dù không cùng một dòng máu nhưng anh em kết nghĩa vẫn có thể sống chung một nhà.

Với ban nhạc thứ nhì mang tên Savuka (có nghĩa là ‘‘Chúng ta đứng dậy’’ trong thổ ngữ Zulu) vào năm thành lập trong thời kỳ Nam Phi ban hành tình trạng thiết quân luật, Johnny Clegg lại đạt đến tầm vóc quốc tế, nhận được sự hưởng ứng của giới nghệ sĩ từ khắp nơi, cho dù các tác phẩm của nhóm Savuka hoàn toàn bị kiểm duyệt.

Tại Pháp nói riêng cũng như tại châu Âu thời bấy giờ (những năm 1985-1986) dòng nhạc world music (âm nhạc thế giới) vẫn chưa thật sự được phổ biến rộng rãi. Với album đầu tiên ghi âm với nhóm Savuka, mang tựa đề ‘‘Third World Child’’ (Đứa con của thế giới thứ ba), Johnny Clegg lập kỷ lục số bán với hơn hai triệu bản, ngoài ca khúc nổi tiếng là ‘‘Scatterlings of Africa’’ (Những kẻ bụi đời châu Phi), Johnny Clegg qua lời ca tiếng nhạc đưa cuộc đấu tranh chống apartheid đi vòng quanh thế giới với nhạc phẩm ‘‘Asimbonanga’’ viết cho ông Nelson Mandela, lãnh tụ Nam Phi đang bị cầm tù.

Trong tiếng Zulu, tựa đề Asimbonanga có nghĩa là ‘‘Người đang ở đâu’’, một bài hát được xem như là bản tuyên ngôn dân chủ của Nam Phi, cộng đồng da màu xem đó như là bản quốc ca thứ nhì. Trong suốt sự nghiệp của mình, Johnny Clegg lúc nào cũng tự tin yêu đời, phản ánh một niềm lạc quan gần như là ngây thơ về tương lai của đất nước, trong khi nội dung các bài hát của ông lại biết phản ánh thực trạng phức tạp của xã hội Nam Phi.

Ông Nelson Mandela bị giam giữ trong 27 năm, kể từ năm 1962, việc nhắc đến tên của Nelson Mandela đã là một cái tội, có nguy cơ bị chính quyền Nam Phi bắt giam hay phạt án tù. Johnny Clegg dùng ngôn ngữ Zulu để thách thức và luồn lách kiểm duyệt của chính quyền Nam Phi, ông đưa nhạc rock vào những khu phố nghèo nơi người da trắng không được quyền đến, chỉ cần nhắc đến hàng chữ  "Asimbonanga", người nghe đều biết nhân vật ở trong bài hát là lãnh tụ đối lập Nam Phi.

Vài năm sau khi ông đoạt giải Nobel Hòa Bình, Nelson Mandela đã xuất hiện trong buổi biểu diễn của Johnny Clegg tại Frankfurt năm 1999 tức cách đây đúng 20 năm. Trên sân khấu ông Nelson Mandela, mà dânNam Phi gọi một cách trìu mến là Madiba tuyên bố rằng tâm hồn ông từng được xoa dịu bằng tiếng nhạc, nhờ âm nhạc mà ông có thể làm hòa với tất cả mọi người. Đối với Johnny Clegg, ủoôi biểu diễn ấy là đỉnh cao sự nghiệp trong đời một tác giả, khi bài hát và người được ngợi ca cuối cùng được hội tụ trên cùng một sân khấu.

Tuy Johnny Clegg từng bị cảnh sát bắt giữ hàng chục lần, nhưng chưa bao giờ chịu khuất phục, ông thà ngồi tù còn hơn là tự kiểm duyệt, không hát bài Asimbonanga. Tác phẩm này vì thế mà có ảnh hưởng lớn đến xã hội Nam Phi thời bấy giờ, nếu không nói là đã góp phần vào tiến trình dân chủ hóa đất nước Nam Phi.

Tuy nổi tiếng là một nghệ sĩ có tư tưởng dấn thân phản kháng, dòng nhạc của Johnny Clegg lại đánh mất dần vầng hào quang từ giữa những năm 1990 trở đi. Sau khi Nam Phi bãi bỏ chế độ apartheid vào năm 1991, Johnny Clegg chỉ ghi âm 5 album trong 25 năm gần đây trong sự nghiệp của ông. Cách đây hơn 4 năm, khi biết rằng ông lâm bệnh nặng, vô phương cứu chữa, Johnny Clegg đã đồng ý kể lại câu chuyện của mình trong bộ phim tài liệu ‘‘Johnny Clegg, White Zulu’’ của đạo diễn Amine Mestari cho đài truyền hình Arte.

Theo Johnny Clegg, tuy Nam Phi chủ trương hòa hợp hòa giải dân tộc, nhưng vòng ân oán không dễ gì tháo gỡ, người bạn đồng hành của ông Dudu Ndlovu đã bị sát hại tàn nhẫn trong các vụ xung đột sắc tộc. Ông viết tặng nhạc phẩm ‘‘The Crossing’’ cho bạn mình và theo ông ban nhạc Savuka không còn lý do để tồn tại. Một khi đã đạt mục tiêu, những người đấu tranh đầy nhiệt huyết thuở nào, như thể bị mất phương hướng, họ không biết sau đó sẽ phải làm gì.

Ít ra, trong những thập niên sau này, ban nhạc Johnny Clegg và Savuka đã mở đường cho âm nhạc thế giới chinh phục toàn cầu qua các nghệ sĩ như Youssou N’Dour, Angélique Kidjo, Cesaria Evora và gần đây hơn nữa có ban nhạc Week End Vampire hay là hiện tượng Wizkid đến từ Nigeria.

Theo lời Johnny Clegg, kể từ khi chế độ apartheid được bãi bỏ, trong mắt của công chúng Nam Phi, ông coi như là một nghệ sĩ đã đến tuổi về hưu nếu không nói là đã ‘‘hết thời’’. Cùng với con trai ruột là Jesse Clegg, ông vẫn tiếp tục đi biểu diễn để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc, chứ không còn thật sự tha thiết với làng giải trí. Thế giới con người là một thế giới xinh đẹp nhưng cũng không kém phần tàn nhẫn, điên cuồng, như lời một bài hát ông từng viết.

Khi căn bệnh ung thư tái phát, biết rằng kỳ này ông khó mà qua khỏi, Johnny Clegg gửi lời nhắn nhủ nhẹ nhàng đến với giới hâm mộ, chuyến phiêu lưu bắt đầu từ năm ông 14 tuổi, nay sắp sửa kết thúc. Nhưng ông không lo sợ gì và chấp nhận ra đi thanh thản nhẹ nhàng. Trong những năm tháng cuối cùng, dù phải trải qua bao thăng trầm, Johnny Clegg tựa như một vị thuyền trưởng vẫn biết làm chủ số phận, vững cầm tay lái linh hồn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.