Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Tình ca Dalida, phiên bản mới

Đăng ngày:

"Dalida, những ca khúc huyền thoại" (Dalida : Les chansons de légende) là tựa đề tuyển tập được phát hành trong thời gian gần đây. Album này được trình làng trễ hơn dự kiến, gần một năm sau ngày ra mắt khán giả bộ phim tiểu sử cùng tên kể lại cuộc đời và sự nghiệp của thần tượng Dalida.

Các đĩa hát phát hành sau ngày Dalida qua đời, trong văn phòng của người em trai Orlando
Các đĩa hát phát hành sau ngày Dalida qua đời, trong văn phòng của người em trai Orlando AFP / FRANCOIS GUILLOT
Quảng cáo

Tuy được quảng cáo rầm rộ, nhưng bộ phim tiểu sử này đã không thành công rực rỡ như mong đợi, thu hút chưa đầy một triệu lượt khán giả Pháp vào rạp, trong khi bộ phim biopic về cuộc đời của Édith Piaf (La Môme / La Vie En Rose) lại lôi cuốn hơn 5 triệu lượt người xem. Bộ phim tiểu sử Dalida đã được phát hành cùng lúc với tuyển tập chính thức (với sự đồng ý của gia đình) mang tựa đề ‘‘Dalida, 30 ans déjà’’ nhân dịp tưởng niệm 30 năm ngày giỗ của diva người Pháp gốc Ý.

Có lẽ để tránh dẫm chân nhau mà ngày tung ra thị trường của bộ đĩa “Những ca khúc huyền thoại” đã được lùi lại, danh sách các bài hát cũng đã phần nào thay đổi cho dù đa số các khúc nhạc ở đây đều là những bản tình ca từng được Dalida ghi âm trong giai đoạn đầu sự nghiệp của mình.

Vào thời ấy, Dalida vừa đoạt vương miện hoa hậu Ai Cập, và khi chân ướt chân ráo đến Paris lập nghiệp, bà đã được lăng xê để cạnh tranh trực tiếp với ca sĩ Gloria Lasso, vào thời làng nhạc Pháp đang có cái mốt yêu chuộng các giọng ca ‘‘exotique’’mang nhiều âm hưởng của Ý, Tây Ban Nha hay Địa Trung Hải. Điều đó giải thích vì sao Bambino đã trở thành ca khúc gắn liền với tên tuổi của Dalida (signature song).

Cũng trong giai đoạn này, Dalida cũng đã ghi âm rất nhiều ca khúc ăn khách của Ý, đa số đều được chuyển ngữ sang tiếng Pháp chẳng hạn như Portofino, Come Prima hoặc là Romantica, ngoài ra còn có những bài hát cực kỳ nổi tiếng của Anh Mỹ, đặt thêm lời tiếng Ý : điển hình là nhạc phẩm Summer Wine, tựa tiếng Ý là Ci Sono Fiori (bài hát này từng được tác giả Nhật Ngân đặt lời Việt thành bài Men rượu Tình hè).

Lúc sinh tiền, Dalida hát trong 11 thứ tiếng khác nhau : ngoài tiếng Pháp, còn có tiếng Ý, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Ả rập (của Ai Cập và của Liban), Hy Lạp, Do Thái, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ. Số lượng ca khúc ghi âm lên tới hơn một ngàn bài, trong đó có khá nhiều trường hợp mỗi bài hát được ghi âm riêng cho từng thị trường, bài Summer Wine chẳng hạn được Dalida hát riêng cho thị trường Ý và không hề được khai thác tại Pháp (cho dù bài này từng được dịch sang tiếng Pháp thành nhạc phẩm Le Vin de l’Été). Một cách tương tự Tình khúc bán cổ điển Aranjuez (La Tua Voce) cũng được Dalida hát bằng tiếng Ý để tránh ‘‘đụng hàng’’ với phiên bản tiếng Pháp của Richard Anthony hay của Nana Mouskouri.

Sau ngày Dalida qua đời, các phiên bản ngoại ngữ đã được tập hợp lại thành nhiều album khác nhau. Trên các mạng trực tuyến, các fan được nghe các phiên bản hiếm hoặc là ít quen thuộc, do trước kia bài hát chỉ được phổ biến theo từng quốc gia hay từng châu lục. Hãng đĩa Barclay vừa tái bản bộ đĩa mang tựa đề ‘‘D’ici et d’ailleurs’’ (Nơi này và Chốn nọ) bao gồm 7 cuộn CD, mỗi đĩa hát được dành cho một ngôn ngữ : Ý, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Ả rập. Đĩa nhạc cuối cùng tập hợp các bài hát ghi âm trong các thứ tiếng còn lại (Hy Lạp, Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan và Nhật Bản).

Gần đây, hãng đĩa Barclay cũng đã giao cho nhạc sĩ kèn đồng Ibrahim Maalouf phần thực hiện dự án ghi âm một album tưởng niệm Dalida. Tập nhạc này quy tụ rất nhiều nghệ sĩ không có cùng thế giới âm nhạc với Dalida chẳng hạn như Melody Gardot, Ben l'Oncle Soul, Rokia Traoré hay là Mika ..... Lối tiếp cận của họ mang nhiều tính tìm tòi thử nghiệm, ‘‘phá cách’’ khác lạ, khiến cho nhiều khách hâm mộ không tránh khỏi cái cảm giác hoang mang, hụt hẫng.

Khi vĩnh viễn ra đi ở tuổi 54 vào mùa xuân năm 1987, Dalida đã để lại một khối lượng ghi âm khổng lồ. Tuy nhiên, về mặt sáng tác thì lại không có nhiều ca khúc mới, chủ yếu là những phiên bản của cùng một bài hát ghi âm trong nhiều thứ tiếng khác nhau. Mãi đến năm 1995, tức là gần một thập niên sau khi Dalida qua đời, nhờ vào công nghệ hiện đại (và nhất là nhờ vào kỹ thuật sampling), các bài hát của Dalida bắt đầu được khoác áo mới, có thêm lối phối khí ‘‘tân thời’’, hoặc được ghi âm dưới dạng song ca ảo.

Tính tổng cộng, có 6 tuyển tập remix đã lần lượt được phát hành (trong giai đoạn những năm 1995-2012). Điều đó giải thích vì sao 30 năm sau ngày qua đời, các đĩa hát của Dalida vẫn ăn khách. Tính từ đầu những năm 1950 cho tới nay, diva người Pháp gốc Ý đã bán hơn 140 triệu đĩa nhạc, trong đó có 20 triệu bản được bán ra thị trường, sau khi bà từ trần.

Bên cạnh đó, cón có khá nhiều nghệ sĩ trẻ vinh danh Dalida bằng cách ghi âm lại các bản tình ca nổi tiếng. Bộ đĩa mang tựa đề “Kể từ ngày thần tượng ra đi” (Depuis qu’elle est partie) là một trường hợp khá tiêu biểu. Các nghệ sĩ thuộc thế hệ sau như Amel Bent, Luz Casal, Lara Fabian (các giọng ca nữ) hay là Christophe Willem, Patrick Fiori, Dany Brillant (phái nam) đều hát lại nhạc của Dalida.

Một trong những ca khúc huyền thoại gắn liền với tên tuổi của Dalida vẫn là bài Chuyện Tình Yêu do bà là người đầu tiên thành công với ca khúc này trong tiếng Pháp. Gần đây, sau nhóm Les Stentors và Hélène Ségara, đến phiên Ishtar và Tony Carreirra ghi âm lại bài này dưới dạng song ca trong tiếng Pháp và tiếng Bồ Đào Nha, một cách để làm sống hoài sống mãi các bản tình ca, mà đằng sau vẫn thấp thoáng bóng hình Dalida.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.