Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HÓA

Pháp: Lâu đài Fontainebleau thêm hấp dẫn nhờ Napoléon

Nhắc tới các lâu đài trên đất Pháp, du khách thường nghĩ đến ngay cung điện Versailles cực kỳ nổi tiếng, còn ở vùng sông Loire có Chenonceaux, Chambord, Chinon ….. Thế nhưng người ta lại ít nhắc tới Fontainebleau mặc dù lâu đài này chỉ cách Paris có 60km. Điều mà ít ai để ý tới chính là cái dấu ấn quan trọng do hoàng đế Napoléon để lại tại lâu đài này.

Cầu thang vành móng ngựa tại lâu đài Fontainebleau
Cầu thang vành móng ngựa tại lâu đài Fontainebleau Pierre Verdy / AFP
Quảng cáo

Xét về mặt lịch sử, Fontainebleau là một trong những lâu đài cổ kính, gắn liền với các dòng dõi vua chúa Pháp từ lâu đời, cho nên được xem là ‘‘dinh thự của hoàng gia’’ theo đúng nghĩa của từ. Vào năm 1268, tức cách đây 750 năm, Philippe le Bel là người lên ngôi vua đầu tiên sinh ra tại nơi này. Sau đó đã có 36 đời vua sinh sống tại chỗ từ François Đệ Nhất cho tới Henri IV hay là vua Louis XV. Trong vòng 8 thế kỷ, lâu đài Fontainebleau được truyền nối từ đời này qua đời nọ, cho dù trong một số giai đoạn lịch sử, cung điện này đã thiếu sự chăm sóc, bảo tồn.

Hình dáng của lâu đài Fontainebleau lưu lại cho tới tận ngày nay có lối kiến trúc Phục Hưng thời vua François Đệ Nhất (1494-1547), tiêu biểu qua các đài vọng lâu và cầu thang hình vành móng ngựa (kiệt tác của Jean Androuet du Cerceau được xây vào năm 1632). Lâu đài Fontainebleau đã lưu lại dấu ấn lịch sử của nhiều triều đại vua chúa, nhưng sâu đậm nhất vẫn là dấu ấn của hoàng đế Napoléon Đệ Nhất.

Trong thời kỳ Cách mạng Pháp kéo dài trong một thập niên (1789-1799), cung điện Fontainebleau có nhiều chỗ bị hư hỏng đập phá, đồ đạc bị đánh cắp, bàn ghế bị mang đi nơi khác. Vào năm 1804, hoàng đế Napoléon đã khôi phục vị thế của Fontainebleau, tân trang cung điện, trùng tu công viên, đồ đạc nguyên gốc rải rác ở nhiều nơi được đem về lại một chỗ nhờ giới sưu tầm. Quan trọng không kém, thư phòng cũng như phòng ngủ của Napoléon đã được trang trí theo phong cách Empire (Đế Chế).

Theo đề xướng của hai kiến trúc sư Charles Percier và Pierre Fontaine, lối trang trí nội thất này đã phát triển mạnh dưới thời Napoléon, rất dễ nhận ra nhờ các họa tiết gợi hứng từ thời cổ đại Hy La, cành cọ hay vòng nguyệt quế của ‘‘hoàng đế César’’, bàn ghế đồ đạc thường có đường nét vuông vức cân đối, đôi khi đồ sộ bề thế hầu khẳng định quyền thế, chỉ có các bức rèm nhung, gấm vóc lụa là mới đem lại nét đối trọng mềm mại .

Tại lâu đài Fontainebleau, ngoài việc tuân theo lối trang trí Empire, các gian phòng của hoàng đế được giữ nguyên y hệt như thời Napoléon Đệ Nhất còn sống. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều du khách nước ngoài đặc biệt quan tâm tới giai đoạn này, như thể đối với họ, Fontainebleau đi đôi với Napoléon tương tự như Versailles gắn liền với (Vua Mặt Trời) Louis XIV.

Theo ông Jean François Hebert, giám đốc lâu đài Fontainebleau, kể từ khi ban điều hành tập trung giới thiệu bộ sưu tập cổ vật thời Napoléon Đệ Nhất, số lượng khách thăm viếng đã gia tăng đều đặn. Hiện giờ, mỗi năm Fontainebleau thu hút nửa triệu lượt du khách, ban giám đốc hy vọng nhân lên gấp đôi từ 500.000 lên đến một triệu khách trong 5 năm tới (trong khi có từ 4 tới 5 triệu du khách thăm Versailles hàng năm).

Được xếp vào hàng Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1981, lâu đài Fontainebleau đã nhận được thêm trợ cấp của chính phủ Pháp, 10 triệu euro trong vòng 10 năm. Tuy nhiên mức vốn này vẫn chưa đủ cho kế hoạch trùng tu, Fontainebleau buộc phải huy động vốn tài trợ đến từ giới tư nhân và các công ty mạnh thường quân. Khá nhiều các cuộc triển lãm tại Fontainebleau đều xoay quanh thời kỳ Napoléon, vì một lần nữa hình ảnh của hoàng đế Pháp giúp cho lâu đài tạo thêm sức cuốn hút đối với du khách nước ngoài.

Chính tại lâu đài này, hoàng đế Napoléon Đệ Nhất vào năm 1814 đã tuyên bố thoái vị, bắt đàu cuộc sống lưu đày trên đảo Elba (Ý). Sự kiện này được mô tả lại qua bức tranh của Antoine Alphone Montfort, khi Napoléon bịn rịn xúc động ngỏ lời từ biệt đội vệ binh hoàng gia tụ tập ngoài sân, trước bậc thềm lâu đài. Vì thế cho nên một trong những dự án quan trọng nhất vẫn là kế hoạch trùng tu thềm thang vành móng ngựa, dự trù cho giai đoạn 2018-2019. Một thời điểm có nhiều ý nghĩa vì năm 2019 đánh dấu 250 năm ngày sinh của hoàng đế Napoléon.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.