Vào nội dung chính
SYRIA - LIÊN HIỆP QUỐC

Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết về giải pháp chính trị cho Syria

Sau cuộc thương lượng hết sức căng thẳng giữa 17 nước tham gia Nhóm ủng hộ Syria, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm qua 18/12/2015 đã nhất trí thông qua nghị quyết cổ vũ cho một giải pháp chính trị. Tuy nhiên nghị quyết này đã thận trọng tránh né những điểm nhạy cảm nhất.

Hội Đồng Bảo An thông qua Nghị quyết về Syria, ngày 18/12/2015.
Hội Đồng Bảo An thông qua Nghị quyết về Syria, ngày 18/12/2015. Reuters
Quảng cáo

Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau cho biết thêm chi tiết :

« Đây là lần đầu tiên sau bốn năm rưỡi chiến tranh ở Syria, Hội đồng Bảo an đạt được đồng thuận về một kế hoạch chuyển tiếp chính trị. Về mặt hình thức, nghị quyết này là một sự kiện lịch sử. Nhưng thực chất, văn bản chỉ dừng ở việc xác định lộ trình được đưa ra ở Vienna hồi tháng 10 và 11 vừa qua.

Đó là khởi động thương thảo giữa chính quyền Damas và phe đối lập kể từ đầu tháng Giêng, dẫn đến việc hình thành một chính phủ chuyển tiếp trong vòng sáu tháng và tổ chức bầu cử trong 18 tháng tới. Quy trình chuyển tiếp chính trị phải đi kèm với việc ngưng bắn trên toàn quốc, dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc.

Nhưng để nghị quyết đạt được sự đồng thuận, các Ngoại trưởng đã thận trọng tránh né các chủ đề gây tranh cãi. Nhất là số phận của ông Assad, cho dù Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định đã có được sự bảo đảm của Nga. Ông nói : « Khi tôi ở Matxcơva, Tổng thống Vladimir Putin tái khẳng định đã có được sự đồng ý của Tổng thống Bachar Al Assad về việc hợp tác để thiết lập quy trình chuyển đổi chính trị và nguyên tắc tổ chức bầu cử. Vì vậy chúng ta có thể bắt đầu một cách rõ ràng hơn ».

Dù vậy vẫn còn nhiều điểm phải gác lại, như danh sách các nhóm bị cho là khủng bố. Hoặc là những nhóm đối lập nào sẽ phụ trách thương lượng vào đầu tháng Giêng tới, vẫn chưa được thống nhất. Trong những điều kiện như thế, khó thể nhanh chóng vạch ra một kế hoạch hòa bình cho Syria ».

Theo các nguồn tin ngoại giao, việc ngưng bắn không áp dụng đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), Front Al Nosra và các nhóm vũ trang khác. Về danh sách các nhóm khủng bố, mỗi nước đưa ra một danh sách khác nhau từ 15 đến 20 nhóm.

Còn về số phận ông Assad, đối lập tuyên bố nhất quyết không chấp nhận việc Tổng thống Syria vẫn tại vị trong giai đoạn quá độ. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đòi hỏi phải có « những bảo đảm về sự ra đi của ông Assad ». Riêng Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp báo thường niên hôm qua nhắc lại rằng Syria không thể tìm lại được sự ổn định một khi Bachar Al Assad vẫn bám chặt chiếc ghế tổng thống."

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.