Vào nội dung chính
SYRIA - LIÊN HIỆP QUỐC

Syria : Liên Hiệp Quốc chính thức cho điều tra về vũ khí hóa học

Quân đội Syria có sử dụng vũ khí hóa học để tấn công hay không ? Một câu hỏi mà nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc phải cố gắng tìm được lời đáp, sau quyết định được Hội đồng Bảo an nhất trí đưa ra hôm 07/08/2015. Sự đồng thuận này là khá bất thường, vì một trong 15 thành viên Hội đồng Bảo an là Nga lâu nay vẫn bênh vực chế độ Assad.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất trí lập ủy ban điều tra về vũ khí hóa học ở Syria, ngày 07/08/2015.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất trí lập ủy ban điều tra về vũ khí hóa học ở Syria, ngày 07/08/2015. REUTERS/Lucas Jackson
Quảng cáo

Một ủy ban sẽ được thành lập trong vòng 20 ngày tới để xác định xem chế độ của ông Bachar Al Assad đã tiến hành các cuộc tấn công bằng chất chlore ở Syria hay không. Bản báo cáo đầu tiên sẽ được trình sau ba tháng, bởi các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW). Nhiệm vụ này kéo dài một năm, và có thể được gia hạn.

Tuy nhiên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo rằng cuộc điều tra có thể « hết sức gay go » trong một đất nước đang có chiến tranh. Và ngay cả nếu chứng minh được chế độ Syria đã sử dụng khí chlore như Hoa Kỳ, Anh và Pháp khẳng định, Nga với tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an vẫn luôn có thể phản đối báo cáo của các chuyên gia hay từ chối gia hạn.

Hiện thời, việc nhất trí thông qua nghị quyết đã mang lại một hình ảnh đoàn kết tại Hội đồng Bảo an, vốn luôn chia rẽ trong hồ sơ Syria. Nga đã từng phủ quyết bốn nghị quyết của phương Tây từ đầu cuộc xung đột. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power bày tỏ hy vọng « sự đồng thuận này sẽ giúp nhanh chóng tìm được một giải pháp chính trị ».

Một tuyên bố ủng hộ bản kế hoạch hòa bình mới do nhà hòa giải Liên Hiệp Quốc tại Syria đang được thảo luận tại Hội đồng Bảo an, theo đại sứ Nga, có thể sẽ được thông qua vào đầu tuần tới, và như vậy sẽ là văn bản hoàn toàn mang tính chính trị được nhất trí đưa ra về cuộc khủng hoảng Syria.

Syria phải tiêu hủy toàn bộ số vũ khí hóa học, theo một thỏa thuận Nga-Mỹ hồi tháng 9/2013, giúp chế độ Assad tránh bị phương Tây oanh kích. Nhưng năm ngoái OPCW kết luận khí chlore vẫn thường xuyên được sử dụng tại đây. Theo OPCW, chlore được trực thăng thả xuống các khu vực do phe đối lập chiếm giữ, trong khi chỉ có quân đội Syria mới sở hữu các máy bay trực thăng. Tuy nhiên Tổ chức Cấm vũ khí hóa học chỉ đưa thông tin, chứ không có thói quen quy trách nhiệm.

Để xác định thủ phạm, Liên Hiệp Quốc trông cậy vào các chuyên gia đã từng điều tra về vụ thảm sát bằng hơi độc sarin đã làm cho 1.400 người chết ở gần Damas vào tháng 8/2013.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.