Vào nội dung chính
THỂ THAO - TỘI PHẠM

Điều tra FIFA như đánh vào Mafia

Vụ điều tra tham nhũng trong Liên đoàn bóng đá thế giới mới chỉ bắt đầu được ít ngày nhưng đã mang hơi hướng của một chiến dịch đánh án vào một tổ chức mafia với những tình tiết như nội gián chỉ điểm, chuyển ngân với khối lượng lớn, hoạt động tẩy tiền trong một đường dây có tổ chức. Giới quan sát ngay từ lúc này đã nhìn thấy mẻ lưới lớn của tư pháp Mỹ sẽ còn tóm được nhiều con cá lớn trong FIFA.

REUTERS/Pawel Kopczynski TPX IMAGES OF THE DAY
Quảng cáo

Khi công bố bản cáo trạng dày 165 trang hôm thứ Tư tuần trước (27/5), đích thân bà Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch đã tuyên bố “Chúng tôi mới chỉ ở điểm khởi đầu của vụ án”. Bình luận về sự kiện này, ông John Lauro, cựu công tố của quận Brooklyn, New York, địa phương thụ lý khởi tố 14 quan chức và đối tác của FIFA trong nghi án tham nhũng này, đã nhận xét: “Đọc cáo trạng thì rõ ràng các nhân vật cao cấp nhất (của Fifa) rơi vào tầm ngắm”. Vụ án mới chỉ bung ra được ít ngày, nhưng người ta đã nhận thấy toàn bộ cuộc điều tra đều tập trung vào “mục đích cuối cùng” là đánh vào các nhân vật đầu não.

Một ngày sau khi cánh tay phải Jerôme Valcke, Tổng thư ký của tổ chức bị cáo giác có dính líu, ông Sepp Blatter (2/6) bất ngờ thông báo từ chức Chủ tịch FIFA vừa được bầu cách đó có 4 hôm. Sự việc này càng củng cố nhận định của cựu công tố viên của New York. Diễn biến mới đó còn cho thấy dường như lãnh đạo FIFA đã nhận được tín hiệu từ các nhà điều tra Mỹ cho thấy ông cũng đang là mục tiêu của vụ án.

Khi công bố cáo trạng, bà bộ trưởng tư pháp Mỹ đã đánh giá tham nhũng ở tổ chức quản lý bóng đá thế giới như là “bệnh dịch đã ăn sâu cắm rễ” từ lâu nay. Tư pháp Mỹ còn khẳng định đã quan sát theo dõi rất kỹ những gì diễn ra tại FIFA, đồng thời kêu gọi những ai còn chưa bị trực tiếp nhắm tới thì tốt hơn hết hãy hợp tác, nếu không thì họ cũng sẽ bị lần tới.

Luật sư David Weinstein, cựu Công tố viên của Miami nhận định các nhà điều tra “đang tập hợp các dữ liệu tại Mỹ cũng như ở nhiều nước khác để xác minh các cáo buộc và họ đang tiến dần lên phía chóp bu”. Ông cũng nhận thấy nghi án tham nhũng FIFA lần này có cái gì đó giống như vụ điều tra nhằm vào các băng đảng tội phạm có tổ chức, do Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Robert Kenedy chỉ đạo tiến hành hồi cuối những năm 1960.

Trên kênh truyền hình Mỹ CBS, cách đây ít hôm, một cựu thành viên ban chấp hành FIFA, Alexandra Wrage đã tiết lộ rằng trong nội bộ của tổ chức Sepp Blatter vẫn được mọi người đặt cho húy danh là “Don Mafia” bởi tính cách ngạo mạn, cậy quyền có kiểu cách lãnh đạo hệt như của một “bố già”.

Trong cuộc điều tra của FBI, những quan chức FIFA, có người đã nhận tội, những người đã bị bắt tại Hoa Kỳ cũng đang hợp tác với cơ quan tư pháp, trong khi 7 quan chức vừa bị bắt tại Thụy Sĩ đang chờ được dẫn độ về Mỹ để điều tra xét xử. Gọng kìm của tư pháp Mỹ ngày thêm siết chặt. Hai đầu mối quan trọng của vụ án giờ đây là Jack Warner, cựu phó chủ tịch FIFA, cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Bắc Trung Mỹ và Caribe (Concacaf) và Charles Blazer, cựu Tổng thư ký Concacaf, một người nổi tiếng trong thế giới quản lý bóng đá với tên gọi là “Ông 10%” vì hay đòi tiền “lại quả” trong các vụ việc ở FIFA.

Chuyên gia Andy Spalding, Giáo sư luật thuộc Đại học Richmond (Virginia) nhận định, với việc ông Blazer nhận có hối lộ trong vụ trao quyền đăng cai Cúp thế giới 1998 và 2010, “tất cả các quân cờ domino sẽ đổ nhanh chóng”. Chuyên gia nghiên cứu tham nhũng thế giới này còn nhận thấy : “giờ đây một số người đã nhận tội và hợp tác, có lẽ không thể tránh được sẽ đến lượt Sepp Blatter cũng dính” vào vụ án. Kênh truyền hình Mỹ ABC New, còn dẫn nhiều nguồn thạo tin khẳng định cuộc điều tra của FBI lần này là nhằm trực tiếp vào ông Blatter.

Vấn đề tiếp theo sẽ là : liệu ông Chủ tịch vừa từ chức này có chịu hợp tác với cơ quan điều tra hay không? Nếu như ông hợp tác, tất cả sẽ đổ như hiệu ứng domino, như nhận định của giới quan sát.

Cũng giống như các vụ án đánh vào các tổ chức Mafia, bao giờ đích cuối của các nhà làm án cũng là tóm được “bố già” của tổ chức để đưa ra trước pháp luật.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.