Vào nội dung chính
PHÁP - CANADA - VĂN HÓA

The Handmaid's Tale tập nhì ra mắt độc giả Pháp

Vào ngày 10/10/2019, phần thứ nhì quyển tiểu thuyết ăn khách "The Handmaid's Tale" (Chuyện kể về Nàng hầu) của tác giả người Canada Margaret Atwood được cho ra mắt độc giả Pháp. Đây là một trong những sự kiện quan trọng của ngành xuất bản. Giới hâm mộ đã chờ đợi hơn 30 năm để có được trong tay quyển ‘‘The Testaments’’ (Những bản di chúc).

Tác giả Margaret Atwood trong buổi ra mắt sách "The Testaments" tại Luân Đôn 10/09/2019
Tác giả Margaret Atwood trong buổi ra mắt sách "The Testaments" tại Luân Đôn 10/09/2019 REUTERS/Dylan Martinez
Quảng cáo

Phiên bản tiếng Pháp của tập nhì quyển tiểu thuyết "The Handmaid's Tale" do nhà xuất bản Robert Laffont phát hành một tháng sau nguyên tác tiếng Anh. Theo dự báo, tựa sách này có khá nhiều triển vọng lập kỷ lục số bán. Các hiệu sách đã được chuẩn bị kỹ càng với một trăm ngàn quyển tiểu thuyết bày bán trong đợt đầu. Đợt tái bản cũng đã được dự phóng vào những ngày lễ cuối năm.

Phần tiếp theo của cuốn tiểu thuyết ‘‘Chuyện kể về Nàng hầu’’ (The Handmaid's Tale) đã bán rất chạy tại Anh. Được phát hành trong tuần trước, quyển sách "Những bản di chúc" (The Testaments) đã bán được hơn 100.000 bản trong một thời gian ngắn. Theo tờ báo The Guardian, cuốn sách đã bán được 103.177 bản chỉ trong 5 ngày, tức là cứ 4 giây đồng hồ là có một quyển tiểu thuyết được bán ra. Thành công ngoạn mục này cũng kéo theo doanh thu của tập tiểu thuyết đầu tiên (The Handmaid's Tale), bởi vì cả hai tựa sách đều nằm trong danh sách các tác phẩm ăn khách nhất thị trường Anh.

Truyện phóng tác thành phim truyền hình đoạt 8 giải Emmy

Trong phần tiếp theo, nội dung câu chuyện diễn ra đúng 15 năm sau khi kết thúc cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Bối cảnh vẫn là một thế giới tương lai, nơi mà một chế độ cuồng tín thống trị nước Mỹ sau khi xẩy ra nội chiến. Mô hình xã hội Gilead chỉ coi trọng đàn ông, biến phụ nữ thành những nàng hầu, những ‘‘nô lệ’’ sinh dục chỉ với mục đích sinh sản nhằm duy trì giống nòi. Tập đầu kể lại câu chuyện của Offred (tên thật là June) một người đàn bà bị Gilead bắt giữ, cưỡng bức làm người hầu cho một gia đình.

Còn trong tập nhì, June sinh hai đứa con gái, nhưng cô không được quyền nuôi con cũng như không được sống gần với những đứa con của mình. Đứa bé gái đầu tiên được nuôi trong một gia đình theo giáo điều của chế độ Gilead, đứa bé này khi lớn lên phải chịu làm nàng hầu hay kết hôn theo ép buộc, trong khi đứa bé gái thứ hai đã được gửi sang Canada và được dạy dỗ một cách tự do hơn.

Tập truyện thứ hai, tuy chỉ mới được phát hành, nhưng đã được tuyển chọn vào các tựa sách tranh giải thưởng Booker Prize 2019, cốt truyện cũng tiếp tục được dự trù chuyển thể lên màn ảnh nhỏ thành phim truyền hình nhiều tập. Trên thị trường Hoa Kỳ, tác phẩm của tác giả người Canada Margaret Atwood càng thành công rực rỡ. Nửa triệu quyển sách bán chạy trong đợt phát hành đầu tiên, ngay cả nhà xuất bản cũng không ngờ tiểu thuyết này ăn khách đến như vậy, vì phần tiếp theo bộ tiểu thuyết của Margaret Atwood đã được tái bản hai lần, trong vòng chưa đầy một tháng.

Được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập, phần đầu của bộ tiểu thuyết ‘‘Chuyện kể về Nàng hầu’’ (The Handmaid's Tale) là một trong những serie đáng ghi nhớ nhất trong những năm gần đây, từng đem về cho các nhà sản xuất 8 giải Emmy, trong đó có giải kịch bản phóng tác và giải nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Elisabeth Moss (trong vai nàng hầu Offred /June). Một thành tích xứng đáng vì serie này có nhiều chuyển biến gay cấn bất ngờ, các nhân vật tuyến chính hay tuyến phụ đều có cá tính mạnh mẽ, với diễn biến tâm lý phức tạp.

‘‘The Handmaid's Tale’’ : bản tuyên ngôn về nữ quyền

Phần kế tiếp của tiểu thuyết ‘‘Chuyện kể về Nàng hầu’’ đã được độc giả hưởng ứng khá nhiệt tình. Điều này càng đáng ghi nhận do giới hâm mộ đã chờ đợi 34 năm và như vậy sự thất vọng của họ có thể càng lớn hơn nếu như nội dung tập nhì không được hay như tập đầu. Về điểm này, tờ báo The Washington Post nói về một trong những hồi truyện tiếp theo được chờ đợi nhất, không kém gì bộ tiểu thuyết "Harry Potter" của nhà văn Anh J. K. Rowling hay là phần kế tiếp của ‘‘To Kill a Mockingbird’’, bộ sách best seller của tác giả người Mỹ Harper Lee.

Thành công của tiểu thuyết ‘’The Handmaid's Tale’’ không chỉ về mặt sách truyện hay phim ảnh, mà còn tạo ra tiếng vang lớn về mặt xã hội. Qua hình tượng của những ‘‘Nàng hầu’’ choàng áo đỏ, đội nón trắng ‘’The Handmaid's Tale’’ đã trở thành một bản tuyên ngôn về nữ quyền của thời mạng xã hội, chính phục thêm nhiều độc giả trẻ ở Hoa Kỳ, Argentina, Ireland, Ba Lan, Hungary, Pháp ….. ‘‘Nàng hầu áo đỏ’’ cũng là biểu tượng đấu tranh đòi duy trì quyền phá thai, qua đó phụ nữ tự quyết định về tất cả những gì liên quan đến cơ thể của họ. ‘‘The Handmaid's Tale’’ cũng gây tiếng vang lớn vào cái thời của phong trào #MeToo, với nhiều vụ tai tiếng liên quan tới vấn đề sách nhiễu tình dục, mà nạn nhân vẫn là phụ nữ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.