Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HÓA

Triển lãm Paris : Marilyn trong mắt 4 nhà nhiếp ảnh

Sắc đẹp tuyệt trần của Marilyn Monroe càng lộng lẫy kiêu sa trước ống kính của bốn nhiếp ảnh gia tài ba. Lần đầu tiên tại Pháp, một cuộc triển lãm tập hợp các bức ảnh chụp ‘‘sáng giá’’ nhất của bốn nghệ sĩ quốc tế về thần tượng tóc vàng trong thời kỳ huy hoàng của làng điện ảnh Hollywood.

Triển lãm "Divine Marilyn" được khai trương hôm 12/07/2019 tại Paris.
Triển lãm "Divine Marilyn" được khai trương hôm 12/07/2019 tại Paris. FRANCOIS GUILLOT / AFP
Quảng cáo

Mang tựa đề ‘‘Divine Marilyn’’ (Marilyn tuyệt trần), cuộc triển lãm diễn ra từ đây cho tới 22/09/2019 tại phòng tranh Galerie Joseph, số 116 đường Turenne, Paris quận 3. Tính tổng cộng 240 bức ảnh chụp được trưng bày trên một diện tích lớn (1.000 m2). Ngoại trừ André de Dienes là người gốc Hungary, ba nghệ sĩ còn lại là Sam Shaw, Milton Greene và Bert Stern đều là người Mỹ.

Điểm chung của bốn nhà nhiếp ảnh này vẫn là họ đều quen thân với ngôi sao màn bạc Marilyn Monroe ở ngoài đời. Sau nhiều năm làm việc chung, quan hệ ban đầu đơn thuần nghề nghiệp đã dần dần nhường chỗ lại cho tình bạn. Họ có dịp gặp nhau trong những lúc nhàn rỗi, chứ không chỉ theo nhu cầu của công việc.

Theo ban tổ chức (cô Ghislaine Rayer và ông Patrice Gaulupeau), một cuộc triển lãm như vậy rất khó thực hiện tại Hoa Kỳ, vì vấn đề tác quyền khá phức tạp. Một sự kiện văn hóa ‘‘ở nước ngoài’’ với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ Mỹ dễ thực hiện hơn. Tuy nhiên, ban tổ chức vẫn phải thuyết phục phía gia đình, cũng như những người thừa hưởng tác quyền, tham gia vào cuộc triển lãm này.

Cuộc phiêu lưu ‘‘điện ảnh’’ của Marilyn bắt đầu trong thời kỳ hậu chiến. Vào năm 1945, André de Dienes được mời để chụp chân dung cho Marilyn năm cô 19 tuổi, đây là những bức ảnh đầu tiên của cô đào trẻ mới vào nghề, trước khi ký hợp đồng dài hạn với một hãng phim lớn (major). Ông hợp tác với Marilyn ít nhất là trong 5 năm đầu.

Vào năm 1951, cuộc gặp gỡ với Sam Shaw, phóng viên nhiếp ảnh của hãng Magnum tạo thêm cho Marilyn sức quyến rũ trong làng nghệ thuật thứ 7. Sam Shaw đã theo dõi và chụp hình cho Marilyn Monroe, hầu như trong suốt quá trình làm phim, từ giai đoạn đứng diễn trước ống kính quay phim, cho tới những lúc nghỉ xã hơi trong hậu trường. Sam Shaw lúc nào cũng muốn chụp Marilyn trong bối cảnh thực tế của đời sống cũng như công việc.

Nhà nhiếp ảnh Milton H. Greene cũng là một mối quan hệ quan trọng khác, đôi bên quen nhau từ năm 1953. Ngoài công việc chụp hình, ông Milton còn là một người bạn tận tình giúp đỡ Marilyn, dìu dắt hướng dẫn cô trong việc lập công ty sản xuất phim, vào thời cô buộc phải hủy hợp đồng với hãng phim 20th Century Fox. Theo lời kể của Joshua Greene, con trai của nhà nhiếp ảnh Milton H. Greene, bố mẹ ông quen Marilyn từ lúc ông mới lên ba. Trong số hơn 300.000 bức ảnh mà ông đã chụp trong đời, có ít nhất là vài ngàn tấm dành riêng cho Marilyn. Joshua nhớ mãi cái khoảnh khắc chơi đùa máy ảnh của bố, trong lúc Marilyn đang thử áo quá chật, khiến cho ngôi sao màn bạc cười ngất.

Còn nghệ sĩ Bert Stern là người chụp hình studio chuyên nghiệp, ông thực hiện bộ ảnh chụp khỏa thân nghệ thuật cuối cùng của Marilyn Monroe. Bộ ảnh chụp cho tạp chí thời trang Vogue gồm hơn 2.500 tấm hình thực hiện trong ba ngày, sau đó trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới do được thực hiện vài tuần lễ trước khi thần tượng điện ảnh người Mỹ qua đời.

Marilyn lộng lẫy sáng ngời trong bộ áo tắm màu trắng, cô đứng trên bãi biển, tóc vàng bay trong gió lộng. Marilyn nhí nhảnh khiêu gợi thời cô đóng phim ‘‘The Seven Year Itch’’ của đạo diễn Billy Wilder, với cảnh phim để đời với luồng gió thông xe điện ngầm thổi tung chiếc váy trắng của người từng được mệnh danh là ‘‘phụ nữ đẹp nhất thế giới’’. Marilyn hồn nhiên nhẹ nhàng trong chiếc áo đầm xanh da trời nhuộm phấn trắng, hay trong chiếc áo body màu lục bảo tựa như một nàng tiên cá.

Trong số 240 bức ảnh chụp, có khá nhiều tác phẩm rất nổi tiếng do đã từng được đăng trên trang bìa các tạp chí, hay được sử dụng thường xuyên trong dòng văn hoá phổ thông. Những bức ảnh quen thuộc với công chúng đến nỗi trở thành một phần của ký ức điện ảnh, để rồi đi vào lòng người hâm mộ nghệ thuật thứ bảy từ lúc nào không hay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.