Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Paris tìm cách hạn chế xe trượt

Tại Paris, một nửa các công ty cho thuê xe trượt chạy bằng điện buộc phải ngưng hoạt động, vì chi phí bảo trì và sửa chữa quá cao. Tình trạng này một phần cũng vì Paris đã bắt đầu áp dụng nhiều quy định khắt khe hơn, hầu hạn chế việc sử dụng tùy tiện xe trượt trong thành phố.

6 công ty thuê xe trượt ngưng hoạt động do chi phí sửa xe quá cao.
6 công ty thuê xe trượt ngưng hoạt động do chi phí sửa xe quá cao. Tuấn Thảo / RFI
Quảng cáo

Kể từ ngày 01/07/2019, thủ đô Paris áp dụng các quy định mới hạn chế việc sử dụng xe trượt chạy bằng điện (trottinette électrique). Lúc đầu, nhiều người dân Paris đã hưởng ứng phương tiện giao thông này, nhưng nhiều tai nạn xe trượt gần đây buộc hội đồng thành phố phải tăng cường các biện pháp kiểm soát.

Cách đây vài năm, chẳng có ai biết xe trượt là gì. Nhưng kể từ một năm nay, xe trượt đã xuất hiện ở khắp nơi, do không có trạm đậu xe cố định, cho nên các loại trottinette nằm ngổn ngang, la liệt trên vỉa hè, đôi khi đặt ở những chỗ gây cản trở lối đi, khiến cho người đi bộ phải than phiền, người lái xe cũng bực mình vì một số người đi xe trượt không tôn trọng luật giao thông.

Xe trượt "trottinette" đậu bừa bãi bị cho vào sọt rác ở Paris
Xe trượt "trottinette" đậu bừa bãi bị cho vào sọt rác ở Paris Tuấn Thảo / RFI

Theo số liệu của hội đồng thành phố, tính tới đầu tháng 7/2019, có khoảng 20.000 xe trượt chạy bằng điện trong Paris. Lime (với logo màu xanh quả chanh) là công ty đầu tiên được chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 6 năm 2018. Chỉ một năm sau, có tới hơn một chục hãng cho thuê xe trượt chen chân vào thị trường Paris, trong đó đa phần là các công ty khởi nghiệp (start-up). Nhưng sau ngày 01/07/2019, có ít nhất là 6 công ty thuê xe trượt Bold, Wind, Tier, Hive, Ufo và Voi buộc phải ‘‘bỏ cuộc’’.

Tuy vậy, với 6 công ty còn lại, số lượng xe trượt ở Paris vẫn còn cao hơn nhiều so với các thủ đô khác như Madrid, Lisboa hay Luân Đôn. Trong khi nhiều thành phố lớn đã đơn thuần cấm sử dụng loại xe trượt chạy bằng điện, như trường hợp của Barcelona (Tây Ban Nha), Seattle (Mỹ) hay là Villeurbanne (Pháp).

Theo thăm dò của báo Le Parisien, có khoảng từ 10% đến 15% dân Paris sử dụng xe trượt để di chuyển trong thành phố. Vậy thì xe trượt đặt ra những vấn đề nào khác so với xe đạp ? Theo ông Xavier Desjardins, giáo sư đại học Sorbonne chuyên về quy hoạch đô thị, cuộc tranh luận gần đây khiến cho mọi người có cảm tưởng là xe trượt tràn ngập Paris, nhưng thật ra phương tiện di chuyển này vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ tương đương với khoảng 4% các phương tiện giao thông nói chung. Hàng năm, có khoảng 6.500 vụ tai nạn xe hơi, trong khi tai nạn xe đạp là khoảng 600 vụ. Do vậy, xe trượt chưa thể được xem là nguy hiểm hơn xe đạp. Điểm khác biệt lớn nhất là vẫn còn thiếu những quy định rõ ràng về xe trượt.

Người lái xe trượt bằng điện trên vỉa hè, bất kể đường cấm
Người lái xe trượt bằng điện trên vỉa hè, bất kể đường cấm Tuấn Thảo / RFI

Trước đây, dịch vụ cho thuê xe đạp Velib có đặt nhiều trạm đậu xe trong khắp thành phố, trong khi xe trượt được khai thác theo mô hình ‘‘free floating’’ tức là không có chỗ trả xe hay đậu xe cố định, chỉ cần dùng ứng dụng dựa theo GPS để tìm ra vị trí của mỗi chiếc xe. Do thiếu quy định, nên đội xe trượt bị thảy bừa bải trên vỉa hè, khiến cho dân thành phố có cảm tưởng thiếu an toàn, mất trật tự.

Kể từ nay, người đi xe trượt buộc phải tôn trọng nhiều giới hạn về mặt tốc độ. Các công ty cho thuê xe trượt buộc phải ‘‘kềm hãm động cơ’’, nén tốc độ xuống còn 20 cây số/giờ thay vì 30 20 cây số/giờ, còn trong những khu vực trung tâm dành cho người đi bộ, tốc độ bị giới hạn tối đa ở mức 8 cây số/giờ. Xe trượt cũng không được đậu hay chạy trên vỉa hè, mà phải dùng làn dành cho xe đạp.

Liệu những quy định mới sẽ được tôn trọng và hạn chế các tai nạn ? Theo ông Jean-Paul Lechevalier, phát ngôn viên của hiệp hội ‘‘60 Millions de Piétons’’ (60 triệu người đi bộ), chỉ riêng trong khu vực trung tâm Paris nơi có nhiều không gian dành cho khách bộ hành, cũng có gần 1.000 cây số vỉa hè. Quy định cấm các xe trượt chạy hay đậu trên vỉa hè không dễ áp dụng.

Không thể nào bố trí thêm cảnh sát ở mỗi ngã tư đường phố để kiểm soát giao thông. Chuyện phạt vạ chưa chắc gì là đủ, mà phải rút hẳn giấy phép hoạt động của các công ty khai thác nếu các hãng này không đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn. Vấn đề thứ hai là việc giáo dục sao cho những người đi xe trượt ý thức rằng, người đi bộ ít đề phòng khi đi trên vỉa hè, xe trượt chạy bằng điện lại ít có tiếng động, cho nên càng dễ gây ra tai nạn.

Khác với xe đạp Velib có trạm đậu xe khắp thành phố, xe trượt theo mô hình "free floating" không có chỗ trả xe hay đậu xe cố định
Khác với xe đạp Velib có trạm đậu xe khắp thành phố, xe trượt theo mô hình "free floating" không có chỗ trả xe hay đậu xe cố định Tuấn Thảo / RFI

Tuy vậy, theo ông Xavier Desjardins giáo sư đại học Sorbonne và là tác giả của quyển sách nghiên cứu ‘‘Urbanisme et mobilités’’ (Quy hoạch đô thị và các phương tiện di động), rất khó mà cấm hẳn việc sử dụng xe trượt như New York, Barcelona hay Valencia đã từng làm. Đối với các đô thị có chủ trương giảm ô nhiễm, xe trượt vẫn được xem là một phương tiện khá tốt để thay thế xe hơi.

Trong thành phố việc di chuyển thường là dưới 10 cây số, đi xe trượt thay vì lái xe hơi giúp giảm bớt nạn kẹt xe, cũng như tình trạng thiếu chỗ đậu xe. Điều đó có thể giải thích vì sao Paris, do có chủ trương hạn chế tối đa xe hơi, muốn tìm ra một giải pháp ổn thỏa cho các hình thức di chuyển mới.

Và dường như không phải chỉ có Paris, vì sau một thời gian cấm hẳn, New York, San Francisco cũng bắt đầu xem xét lại việc có nên triển khai hay không các loại xe trượt trong thành phố. Ngoài các quy định giao thông rõ ràng, các phương tiện di chuyển mới đòi hỏi nơi các chuyên viên quy hoạch đô thị một kế hoạch phát triển dài hạn và phân biệt đâu là những sáng kiến thực sự giúp cải thiện đời sống người dân trong thành phố.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.