Vào nội dung chính
PHÁP - NGA - ÂM NHẠC

Kantorow, nghệ sĩ Pháp đoạt giải nhất Tchaikovsky

Lần đầu tiên, một nghệ sĩ dương cầm người Pháp Alexandre Kantorow đoạt giải quán quân Cuộc thi âm nhạc quốc tế Tchaikovsky. Được mệnh danh là ‘‘Thế vận hội nhạc cổ điển’’ do được tổ chức bốn năm một lần tại Nga, Cuộc thi Tchaikovsky vừa kết thúc hôm 01/07/2019 sau 14 ngày thi đấu.

Alexandre Kantorow biểu diễn tác phẩm của Saint-Saëns và Tchaikovsky tại liên hoan San Sebastian
Alexandre Kantorow biểu diễn tác phẩm của Saint-Saëns và Tchaikovsky tại liên hoan San Sebastian AFP/Joel Saget
Quảng cáo

Ban đầu bao gồm bốn bộ môn chính là dương cầm, vĩ cầm, cello và hát, cuộc thi lần thứ 14 (năm 2019) đã tạo thêm hai giải thưởng khác dành cho sáo và kèn đồng. Tuy năm nay chỉ mới 22 tuổi, nhưng Alexandre Kantorow lại là người đầu tiên đem về cho nước Pháp giải nhất Tchaikovsky, tính từ khi cuộc thi lừng danh thế giới này được thành lập vào năm 1958.

Giải quán quân này được xem là giải thưởng cao quý nhất trong lãnh vực âm nhạc cổ điển. Khi tham gia thi đấu, Alexandre Kantorow đã trình bày bản Concerto số 2 của Tchaikovsky và bản Concerto cho piano của Brahms với dàn nhạc giao hưởng Evgeny Svetlanov của Nga theo sự điều khiển của nhạc trưởng Vasily Petrenko.

Sinh tại thành phố Clermont-Ferrand, miền Trung nước Pháp, rồi lớn lên ở Paris, Alexandre Kantorow xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ. Từ nhỏ anh đã được nuôi dưỡng rồi thấm nhuần ảnh hưởng của song thân. Bố và mẹ của anh đều là nhạc sĩ vĩ cầm trứ danh. Ngoài ra, bố anh (Jean-Jacques Kantorow) còn là một nhạc trưởng nổi tiếng, ông từng sáng lập và điều khiển dàn nhạc giao hưởng vùng Auvergne.

Vậy thì tại sao Alexandre lại chọn đàn piano thay vì đàn violin như song thân ? Theo lời kể của mẹ anh, thời còn nhỏ, cậu bé rất thích xem phim hoạt hình ‘‘Tom and Jerry’’ và khi chú mèo Tom ‘‘đánh nện’’ khúc đàn Rhapsodie của Liszt làm cho chú chuột Jerry phải chau mày bực bội, đoạn phim ấy in đậm trong tâm trí của cậu bé. Đến khi vào nhạc viện thành phố Paris, Alexandre quyết định chọn piano làm môn học chính.

Trước khi tham gia cuộc thi quốc tế Tchaikovsky, Alexandre Kantorow đã trao dồi tay nghề qua các dự án hợp tác ghi âm cũng như qua các liên hoan cổ điển nổi tiếng ở châu Âu, từ liên hoan âm nhạc La Roque d’Anthéron cho tới các nhà hát lớn như Konzerthaus tại Berlin hay là Concertgebouw tại Amsterdam. Vào năm 17 tuổi, Alexandre Kantorow là nghệ sĩ trẻ tuổi nhất được mời biểu diễn trong đêm khai mạc mùa hoà tấu của dàn nhạc giao hưởng Philharmonie tại Paris.

Thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật của song thân, nhưng Alexandre Kantorow cần có thêm thời gian để thoát khỏi tầm ảnh hưởng khá lớn của ông bố là nhạc trưởng Jean-Jacques Kantorow. Hai cha con đã cùng nhau ghi âm vào năm 2014 các bản sonata của các nhà soạn nhạc Pháp của Camille Chevillard et Gabriel Fauré. Mãi đến 4 năm sau, khi Alexandre Kantorow một mình thu âm tuyển tập gồm tác phẩm của các nhà soạn nhạc Nga nổi tiếng (như Rachmaninov, Tchaikovsky, Stravinsky, Balakirev) và nhất là các bản concerto của Saint-Saëns trong đó có bản số 5 ‘‘l'Égyptien’’ (Người Ai Cập), thì lúc ấy, giới chuyên nghiệp thấy rõ là Alexandre Kantorow đã tìm được cho mình một hướng đi cho chính mình, và nhờ vậy, anh nhận được đề cử Nghệ sĩ độc tấu xuất sắc nhất nhân kỳ trao giải thưởng âm nhạc của Pháp Victoires de la Musique năm 2019.

Ngoài thân phụ, Alexandre còn đã tầm sư học đạo, và đã được nhiều thầy truyền nghề tận tình, trong đó có ông Igor Lazko và nhất là bà Rena Shereshevskaya, nổi tiếng là người chuyên đào tạo ‘‘luyện thi’’ cho các mầm non quốc tế. Trong lớp của bà, có Rémi Geniet, hạng nhì cuộc thi Nữ hoàng Élisabeth vương quốc Bỉ năm 2013, Lucas Debargue, hạng tư cuộc thi Tchaïkovski năm 2015, và giờ đây là Alexandre Kantorow, chẳng những đã đoạt giải nhất piano mà còn giành luôn giải thưởng lớn ‘‘Grand Prix’’ của cuộc thi Tchaikovsky. Điều đó có nghĩa là tài năng của Alexandre Kantorow không những được công nhận trong lãnh vực piano mà còn vượt lên trên tất cả các thí sinh trong số 6 bộ môn thi đấu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.