Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HÓA

Các chủ rừng tặng hàng ngàn cây sồi trăm năm tuổi cho Nhà Thờ Đức Bà Paris

Cả nước Pháp đang đồng lòng, chung sức để phục dựng lại Nhà Thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn hôm 15/04/2019. Trong ngày hôm nay 17/04, chính quyền thông báo các nhà hảo tâm đã đóng góp khoảng 900 triệu euro cho công tác tu sửa. Trong khi đó, các hiệp hội trồng và khai thác rừng, các chủ rừng tư nhân cũng tỏ ý sẵn sàng đóng góp hơn ngàn cây sồi trăm năm tuổi để phục dựng lại phần khung mái nhà thờ đã bị thiêu rụi.

Vụ hỏa hoạn ngày 15/04/2019 đã làm hỏng phần khung mái Nhà Thờ Đức Bà Paris dựng bằng 1.300 cây sồi hàng trăm năm tuổi.
Vụ hỏa hoạn ngày 15/04/2019 đã làm hỏng phần khung mái Nhà Thờ Đức Bà Paris dựng bằng 1.300 cây sồi hàng trăm năm tuổi. BERTRAND GUAY / AFP
Quảng cáo

Trước vụ hỏa hoạn, Nhà Thờ Đức Bà Paris, cùng với nhà thờ Saint-Pierre de Monmartre, là hai công trình ở Paris có bộ khung mái lâu đời nhất. Bộ khung dài 100m, rộng 13m, cao 10m, bằng gỗ sồi, đỡ cho phần mái nặng tổng cộng 210 tấn, lát bằng những tấm chì có độ dày 5mm. Đa phần trong số 1.300 cây sồi dùng làm khung mái Nhà Thờ Đức Bà Paris được khai thác ở độ tuổi 100-150 năm để bảo đảm chất gỗ nhẹ, nhưng đủ cứng, chắc để chống chọi với thời gian và khí hậu. Có những cây sồi được khai thác khi được 300-400 tuổi, tức là được trồng vào thế kỷ VIII-IX.

Lòng hảo tâm của các nhà trồng rừng

Ngày hôm qua 16/04, chỉ vài giờ sau khi lửa thiêu rụi bộ khung trên mái Nhà Thờ Đức Bà Paris, công ty bảo hiểm Pháp Groupama, cũng là doanh nghiệp sở hữu 1.000 ha đất rừng ở vùng Normandie, đã công bố tặng 1.300 cây sồi 100-150 tuổi được trồng ở vùng này, để dựng lại khung mái nhà thờ giống như bộ khung có từ thế kỷ XII.

Trong khi đó, tổ chức Fransylva, tập hợp 3,5 triệu chủ sở hữu tư nhân đất rừng của Pháp, đề nghị mỗi thành viên tặng 1 cây sồi để tu sửa mái nhà thờ. Còn ông Michel Druihr, chủ tịch nghiệp đoàn ngành rừng gồm các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân chuyên khai thác rừng (SBF) cam kết sẽ dành những cây sồi đẹp nhất để trùng tu kiệt tác kiến trúc thời Trung Cổ. SBF còn hứa hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật để dựng lại bộ khung gỗ sồi như cũ. Đây chỉ là một trong số rất nhiều đề nghị đóng góp của các nhà trồng rừng Pháp.

Ý kiến trái chiều

Tuy nhiên, hiện vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều, ngay trong giới chuyên gia lâm nghiệp. Chẳng hạn, ông Sylvain Charlois, chuyên gia về gỗ sồi, cho rằng để có được 1.300 cây sồi trăm năm có chất lượng đủ tốt và đồng đều để phục dựng lại bộ khung mái như cách nay 8 thế kỷ là không hề đơn giản, và cần rất nhiều năm chuẩn bị. Trong khi đó, theo đài BFMTV, ông Jean-Etienne Rime, chủ tịch tổ chức Fransylva khẳng định cho dù lượng cây sồi như trên không nhiều, nhưng Fransylva vẫn có đủ gỗ cho Nhà Thờ Đức Bà Paris.

Trong khi đó, nhiều người đang tự hỏi có nên phục dựng lại bộ khung bằng gỗ sồi không, hay nên thay thế bằng vật liệu khác như kim loại, bê tông, vừa chắc chắn, giảm nguy cơ hỏa hoạn, lại có giá thành thấp hơn. Chẳng hạn, đối với nhà thờ lớn Reims, một công trình cũng rất nổi tiếng ở Pháp, từng bị phá hủy 85% trong Đệ Nhất Thế Chiến, các kiến trúc sư chỉ đạo công tác phục dựng sau này đã quyết định làm lại khung mái bằng bê tông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.