Vào nội dung chính
THỜI TRANG - PHÁP

Thời trang Jean Paul Gaultier dựng trên sân khấu

Vào năm 2015, cuộc triển lãm thành công nhất tại Pháp đã không vinh danh một họa sĩ mà lại đề cao tài năng của một nhà thiết kế. Triển lãm ‘‘Jean Paul Gaultier’’ đã thu hút trong một năm hơn 2,5 triệu lượt người xem. Trên đà thành công này, vở nhạc kịch về Jean Paul Gaultier được cho ra mắt khán giả Pháp kể từ đầu tháng 10/2018.

"Fashion Freak Show" dựng lại trên sân khấu nhà hát Folies Bergères sự nghiệp thời trang của Jean Paul Gaultier
"Fashion Freak Show" dựng lại trên sân khấu nhà hát Folies Bergères sự nghiệp thời trang của Jean Paul Gaultier Alain Jocard / AFP
Quảng cáo

Mang tựa đề ‘‘Fashion Freak Show’’, vở nhạc kịch được diễn trên sân khấu nhà hát Folies Bergères ở Paris quận 9 từ đây cho tới 30/12/2018. Tác phẩm này quy tụ 17 nghệ sĩ trên sân khấu, dựng lại cuộc đời của Jean Paul Gaultier thông qua 20 hoạt cảnh khác nhau. Từ hoạt cảnh đầu tiên, vở kịch cho thấy cậu bé Jean Paul Gaultier đã có tư chất và năng khiếu nghệ thuật.

Dù mới có 9 tuổi, nhưng trong tâm trí của cậu bé đã manh nha những ý tưởng táo bạo, may vá những bộ trang phục ngộ nghĩnh cho con gấu bông, để rồi vài năm sau đó, phá vỡ quy tắc khi may những bộ váy đầu tiên trong thể loại ‘‘âu phục’’ dành cho nam giới.

Vở nhạc kịch về Jean-Paul Gaultier được diễn cho tới 30/12/2018
Vở nhạc kịch về Jean-Paul Gaultier được diễn cho tới 30/12/2018 AFP PHOTO / Alain JOCARD

Theo lời kể của Jean Paul Gaultier, ông bị mê hoặc bởi y phục thời trang từ khi ông còn rất nhỏ, khi ông được xem trên truyền hình bộ phim Falbalas của đạo diễn Jacques Becker với Micheline Presle trong vai chính. Bộ phim tình cảm này lấy bối cảnh của ngành thời trang Paris và điều đó có thể giải thích vì sao Jean Paul Gaultier sau này rất thích thiết kế loại trang phục dành cho sân khấu.

Từ lúc mới vào nghề, tầm sư học đạo cho tới những giây phút đăng quang, đỉnh cao huy hoàng, nhà thiết kế Jean Paul Gaultier dường như lúc nào cũng giữ được cho mình nét trẻ trung trong tâm hồn, thời trang tựa như một sân chơi, sự tò mò thích thú sẽ là động lực thôi thúc trí sáng tạo. Khi đưa cuộc đời Jean Paul Gaultier lên sân khấu, nữ đạo diễn Tonie Marshall đã kết hợp cùng lúc nhiều bộ môn nghệ thuật : kịch câm, múa hiện đại, ca nhạc, màn ảnh video và dĩ nhiên là các màn catwalk tái tạo trên sân khấu các đợt biểu diễn thời trang.

Một kiểu áo Jean Paul Gaultier gợi hứng từ những năm 1960, thời tầm sư học đạo với Cardin
Một kiểu áo Jean Paul Gaultier gợi hứng từ những năm 1960, thời tầm sư học đạo với Cardin REUTERS / Gonzalo Fuentes

Phần biên đạo múa là của Marion Motin, người đã từng hợp tác với Madonna và Christine & the Queens. Phần âm nhạc bao gồm nhiều ca khúc nổi tiếng của những năm 1970/1980 do nhạc sĩ Nile Rodgers biên soạn (ông là thành viên sáng lập nhóm Chic và từng hợp tác gần đây với ban nhạc Daft Punk). Catherine Ringer thuộc nhóm Rita Mitsouko cũng góp phần ghi âm hai ca khúc qua video cho vở kịch này. Gọi là nhạc kịch nhưng thật ra trên sân khấu, các diễn viên, vũ công và nghệ sĩ gánh xiếc phối hợp thành những hoạt cảnh bắt mắt, tái tạo được các ý tưởng của một nhà thiết kế thời trang yêu chuộng nét ngoại khổ, lập dị, xóa mờ ranh giới giữa một bên là các thời đại và một bên là các giới tính.

Sự tham gia của các nghệ sĩ xuất thân từ ngành xiếc tạo ra được sự khác biệt so với cuộc triển lãm nghệ thuật thời trang Jean Paul Gaultier do Viện bảo tàng Grand Palais tổ chức vào năm 2015 tại Paris, cuộc triển lãm này sau đó đã được đưa sang trưng bày tại nhiều quốc gia khác. Vở nhạc kịch ‘‘Fashion Freak Show’’ xôm trò như một buổi dạ tiệc, vui nhộn như một lễ hội hoá trang, phản ánh những giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp của nhà thiết kế, từ những năm tháng đầu (1970) làm trợ lý cho nhà thiết kế Pierre Cardin, bộ sưu tập thời trang cá nhân đầu tiên vào năm 1976 cho tới cuối thập niên 1980, đầu những năm 1990, thời kỳ đăng quang của Jean Paul Gaultier.

Madonna hợp tác với Gaultier từ năm 1989, gần đây lại xuất hiện tại Met Gala 2018 cũng với trang phục Gaultier
Madonna hợp tác với Gaultier từ năm 1989, gần đây lại xuất hiện tại Met Gala 2018 cũng với trang phục Gaultier REUTERS/Eduardo Munoz

Ông trở thành một trong những tên tuổi lớn trong ngành may mặc và hợp tác với rất nhiều nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn trong làng nghệ thuật giải trí như Madonna, Kylie Minogue trong ca nhạc, Pedro Almodovar trong điện ảnh, Jean Baptiste Mondino trong nghệ thuật video hay là Régine Chopinot trên lãnh vực biên đạo múa, đưa làng thời trang vào dòng văn hóa đại chúng ……

Trong những năm gần đây, Jean Paul Gaultier đã từ bỏ hẳn ngành y phục may sẵn để dành trọn thời gian cho ngành haute couture (thời trang cao cấp). Nhà thiết kế người Pháp cho biết ông đã ấp ủ từ lâu ý tưởng dựng một vở nhạc kịch kết hợp ca nhạc, múa hiện đại, màn xiếc và biểu diễn thời trang. Dự án này đã manh nha từ thời ông làm việc với nhóm Rita Mitsouko, nhưng rốt cuộc lại không thành. Sự thành công của cuộc triển lãm năm 2015 đã làm sống lại một dự án tưởng chừng đã bị bỏ quên. Một cách cố ý, vở nhạc kịch này ít dùng lời thoại mà lại dùng ngôn ngữ của cơ thể, trong đó trang phục tựa như là một làn da thứ nhì.

Cuộc triển lãm Jean Paul Gaultier tại Bảo tàng Grand Palais 2015
Cuộc triển lãm Jean Paul Gaultier tại Bảo tàng Grand Palais 2015 Nina Carel / RFI

Theo ban tổ chức, sau khi ra mắt công chúng tại Paris, đoàn nghệ sĩ ‘‘Freak Fashion Show’’ có nhiều triển vọng đi biểu diễn tại Luân Đôn, Tokyo, Las Vegas và biết đâu chừng tại Manhattan, New York. Dĩ nhiên là một trong những giấc mơ lớn nhất của cậu bé Jean Paul Gaultier, thời còn chơi gấu bông, vẫn là nhìn thấy tên mình đăng thật lớn trên mặt tiền sân khấu Broadway, nhấp nháy ánh đèn muôn màu lộng lẫy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.