Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

2018 : Cognac và rượu mạnh của Pháp bội thu

Bạn có biết là doanh thu xuất khẩu rượu Cognac lên tới 3 tỉ euro hàng năm, tương đương với 70% doanh thu của ngành sản xuất rượu mạnh ở Pháp (4,2 tỉ euro). Để dễ hình dung hơn nữa, cứ mỗi phút, tính trung bình có 6 chai rượu Cognac được bán ra trên thế giới.

Doanh thu xuất khẩu Cognac lên tới 3 tỉ euro hàng năm, tương đương với 70% của ngành rượu mạnh ở Pháp
Doanh thu xuất khẩu Cognac lên tới 3 tỉ euro hàng năm, tương đương với 70% của ngành rượu mạnh ở Pháp REUTERS /Mike Segar
Quảng cáo

Theo bản báo cáo gần đây của liên đoàn ngành sản xuất rượu mạnh FFS (Fédération Française des Spiritueux), sự thành công của Cognac là do lượng tiêu thụ toàn cầu gia tăng, nhất là tại châu Á và châu Âu, trong khi lượng rượu mạnh bán trên thị trường nội địa (Pháp) vẫn ở mức bão hòa. Người Pháp khi dùng rượu mạnh, lại thích uống các loại rượu pha (cocktail), trong khi họ hạn chế các loại rượu (digestif) uống sau bữa ăn. Xu hướng tiêu dùng này giải thích vì sao doanh thu của các loại rượu rhum và gin đã tăng thêm 10%, trong khi lượng tiêu thụ Cognac và Armagnac vẫn không thay đổi gì nhiều tại Pháp.

Xu hướng tiêu thụ các loại rượu pha (mojito, spritz, gin tonic, caipirinha ……) giúp cho một số loại rượu mạnh bán rất chạy trong các quán cà phê, khách sạn hay nhà hàng vào những giờ ‘‘happy hour’’, dành cho giới trẻ và giới trung niên sau giờ làm việc, họ nhâm nhi rượu pha chủ yếu là để khai vị trước bữa ăn tối. Điều đó không có nghĩa là tất cả các loại rượu mạh dùng để pha chế cocktail đều ăn khách, về điểm này rượu gin tăng thêm 18% trong khi các loại rượu mạnh có vị ngọt như liqueur chỉ tăng +6%, đổi lại tequila hay vodka lại không được nhiều thực khách ở Pháp yêu chuộng.

Riêng về thị trường Cognac, từ trước tới nay, người Pháp tuy có truyền thống uống rượu ‘‘tiêu hóa’’sau bữa ăn nhưng xét về mặt ẩm thực họ vẫn chuộng các loại rượu không có độ cồn quá cao (nhất là rượu vang và champagne). Vì thế cho nên, ngành sản xuất rượu mạnh ở Pháp chế biến Cognac chủ yếu là để xuất khẩu.

Ngành sản xuất rượu Cognac của Pháp đã phát triển từ thế kỷ XVI, nhờ có độ cồn cao mà rượu dễ tích trữ và dễ vận chuyển cho dù thời gian chuyên chở qua thuyền bè thời xưa có thể lên tới 3 tháng trời, thậm chí nửa năm. Mãi tới thời hoàng đến Napoléon Đệ tam, sau khi hiệp định thương mại giữa nước Pháp với các cường quốc hàng hải (Anh, Hà Lan) được ký kết, rượu Cognac mới bước vào thời ‘‘hoàng kim’’, chinh phục hầu như toàn thế giới.

Hiện nay, rượu Cognac được xuất khẩu sang 160 quốc gia trên toàn cầu, tính trung bình là 195 triệu chai mỗi năm. Châu Á là thị trường tiêu thụ Cognac nhiều nhất. Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam tính gộp lại các nước này chiếm tới 40% thị phần quốc tế. Nếu tính theo từng nước một, Hoa Kỳ vẫn đứng đầu các quóc gia nhập khẩu Cognac.

Theo số liệu của Văn phòng Quốc gia liên ngành sản xuất Cognac (BNIC), Mỹ trong năm qua đã nhập khẩu 82,6 triệu chai, tức cao hơn gấp ba lần so với Trung Quốc (25,5 triệu) và Singapore (24 triệu chai). Điều đó không có nghĩa là 5 triệu dân Singapore uống rượu Cognac không kém gì 1 tỉ dân Trung Quốc.

Theo ông Patrice Pinet, chủ tịch liên đoàn ngành sản xuất Cognac kiêm giám đốc công ty Courvoisier, Singapore ở đây đóng vị trí đầu cầu, rượu Cognac được chuyên chở từ Pháp tới cảng Singapore rồi sau đó được phân phối lại tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á.

Tăng trưởng kinh tế của các quốc gia đang trỗi dậy khiến cho Nam Phi, Ấn độ và Brazil trở thành những thị trường đầy hứa hẹn. Đây là một trong những mục tiêu xuất khẩu hàng đầu, mà vẫn ít rủi ro. Ngành chế biến rượu Cognac của Pháp hy vọng cán mốc kỷ lục 200 triệu chai xuất khẩu trong năm tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.