Vào nội dung chính
BÓNG ĐÁ - XÃ HỘI

Pháp vô địch : Những hiệu ứng xã hội tốt lành nào ?

Giờ phút vỡ òa trong niềm vui chiến thắng qua đi, thắng lợi tuyệt vời này để lại những hiệu ứng sâu xa nào ? Đây là điều mà chương trình đặc biệt của RFI sáng hôm nay, 16/07/2018, tìm cách làm sáng tỏ qua nhận xét của một số chuyên gia, nhà quan sát. Nếu như tác động kinh tế của sự kiện này được coi là tương đối nhỏ, thì những hiệu ứng tâm lý – xã hội, xúc cảm cộng đồng, rất được chú ý. Đặc biệt chiến thắng của một đội tuyển với dàn cầu thủ đủ loại mầu da là một cơ hội cho phép khẳng định sự thành công của mô hình hội nhập Pháp.

Tổng thống Emmanuel Macron ôm hôn tiền vệ Paul Pogba tại lễ trao Cúp vàng Vô địch Bóng đá 2018, tại sân vận động Luzhniki, Matxcơva, ngày 15/07/2018.
Tổng thống Emmanuel Macron ôm hôn tiền vệ Paul Pogba tại lễ trao Cúp vàng Vô địch Bóng đá 2018, tại sân vận động Luzhniki, Matxcơva, ngày 15/07/2018. REUTERS/Christian Hartmann
Quảng cáo

Đội áo Lam (Les Bleus) vào chung kết, rồi hạ đội Croatia trong một trận cầu đầy kịch tích, sôi động hiếm có, khiến người Pháp ngất ngây. Tuyển Pháp vô địch để lại những hiệu ứng xã hội tốt lành nào ? Ông Mathieu Djaballah, giảng viên Đại học Paris-Sud, chuyên ngành quản lý thể thao, đồng tác giả một cuốn sách sắp xuất bản mang tựa đề « Tác động xã hội của những hiện tượng thể thao lớn », trước hết cho biết các tác động về mặt kinh tế :

« Thông thường điều đầu tiên mà người ta nói đến là tác động về mặt kinh tế. Người ta chờ đợi là … các sự kiện thể thao được tổ chức tại đất nước mình sẽ mang lại các thành quả kinh tế. Tuy nhiên đây không phải là trường hợp của nước Pháp. Các hệ quả kinh tế trong trường hợp chiến thắng này sẽ là không đáng kể. Có thể hình dung là người tiêu dùng sẽ phấn chấn và sức tiêu thụ gia tăng, tuy nhiên, thời gian này sẽ rất ngắn ngủi. Bên cạnh đó là các tác động mà chúng tôi gọi là hiệu ứng chuyển tiếp. Ví dụ như bạn quyết định mua một chiếc màn hình, do cúp bóng đá thế giới, nhưng thời điểm mua sẽ là vào kỳ Noel chẳng hạn ».

Hiệu ứng lan tỏa có trở nên chuyện thường ngày ?

Chuyên gia ngành quản lý thể thao Mathieu Djaballah nhấn mạnh là không thể hy vọng chiến thắng này sẽ là một nhân tố trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó nhà báo Bruno Faure của RFI, người thực hiện một phóng sự sáng nay trên đường phố Paris về những dư âm trong dân chúng về sự kiện thể thao chấn động tối qua, thì đặc biệt lưu ý đến giá trị lan tỏa cảm xúc, khiến cho biết bao con người tưởng như xa lạ, trong chốc lát trở nên vô cùng thân thiện :

« Đúng vậy, lần gần đây nhất mà mọi người đổ xuống đường đông đảo là lúc nào nhỉ ? Đáng buồn là khi xảy ra khủng bố. Rồi sau đó là các cuộc bầu cử… Điểm đáng nói là dịp như thế này (tức cuộc ăn mừng chiến thắng Pháp vô địch) không có các tranh luận. Lần này cũng là một cuộc tập hợp mang tính chính trị, nhưng lại không phải là chuyện chính trị. Tất cả mọi người đều có thể tham gia mà chẳng cần làm quen (theo phép xã giao). Người tài xế tắc xi để cửa ngỏ, những hàng xóm xa lạ nhìn nhau thân thiện. Khung cảnh thật là dễ chịu biết bao. Ta tự hỏi, tại sao không khí như vậy lại không thể trở thành chuyện thường ngày ?...

Cũng có thể là khi chúng ta được nếm trải điều này nhiều lần, sẽ đến lúc chúng ta thân thiện, cảm thông hơn trong quan hệ với người khác, trong cuộc sống thường ngày. Làm được như thế thì hay, và đây cũng chính là một chiến thắng ! ».

Ông Olivier Pourriol, một nhà triết học, cũng là một cầu thủ của đội tuyển bóng đá các nhà văn Pháp, nêu thêm lý do khiến bóng đá có sức thu hút lạ kỳ :

« Bởi vì đây là một môn thể thao quốc tế đơn giản nhất. Người ta có thể tưởng tượng rằng mình có thể tham gia cuộc chơi, hiểu được những gì diễn ra… Bên cạnh đó, đây là một trò chơi tập thể, ai cũng có thể có được chỗ của mình. Môn bóng bầu dục cũng vậy, ai cũng có thể tìm được vị trí của mình…, nhưng vấn đề là luật chơi của môn này lại quá đỗi phức tạp. Với bóng đá thì khác. Đây là một môn thể thao của cảm xúc », một cuộc chơi vừa chứa đầy kịch tính, vừa mang tính trình diễn, khiến người xem dễ dàng nhập thân vào những buồn vui của trái bóng tròn.

Niềm tự tin - tự hào dân tộc lành mạnh

Đồng tác giả cuốn « Tác động xã hội của những hiện tượng thể thao lớn », giảng viên Mathieu Djaballah thì nhấn mạnh đến việc chiến thắng của tuyển Pháp có thể củng cố niềm tự tin cho nhiều người Pháp, cũng như tình cảm tự hào dân tộc, vốn không phải là điều được một thể chế dân chủ, cộng hòa như nước Pháp khuyến khích, vì e ngại tiếp lửa cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bài ngoại trỗi dậy :

« Cho dù diễn ra trong một thời gian rất ngắn ngủi, nhưng những gì mà ta thấy được gọi là hiệu ứng hưng phấn, những mối quan hệ xã hội được thiết lập một cách tự nhiên, gây cảm giác rất hài lòng cho người trong cuộc…. Cũng có thể các tác động tinh thần khác nữa. Một số nghiên cứu cho thấy một chiến thắng như vậy có thể làm tăng thêm niềm tự tin. Ví dụ như với những người Pháp sống ở nước ngoài, trong các cuộc chuyện trò với đồng nghiệp, về chủ đề chiến thắng của Pháp tại World Cup chẳng hạn.

Và điều đặc biệt, khá nghịch lý là niềm tự hào dân tộc. Bởi vì, chúng ta có thể nói bóng đá là một trong các pháo đài cuối cùng của chủ nghĩa yêu nước được cho phép. Đây là một niềm tự hào dân tộc được đánh giá là tích cực, bởi niềm tự hào này không loại trừ ai. Đây là điều hoàn toàn ngược lại với chủ nghĩa dân tộc ».

Mô hình Pháp : Xã hội mở, hòa trộn màu da

Cũng theo vị giảng viên chuyên về tác động xã hội của thể thao, thì nếu như việc các chính trị gia, cụ thể như uy tín của tổng thống Emmanuel Macron khó mà nhận được các hệ quả tích cực, bền vững của sự kiện đội tuyển Pháp giành chức vô địch, thì điều quan trọng là, về mặt sâu xa, vinh quang của đội tuyển áo Lam lại là một bằng chứng đầy thuyết phục cho mô hình xã hội của nước Pháp : Một chế độ chính trị khuyến khích sự hội nhập của những con người từ nhiều miền đất trên địa cầu, không phân biệt màu da, nguồn gốc xuất thân. Đó là ý nghĩa thứ hai của chiến thắng của một đội tuyển gồm dàn cầu thủ đủ các mầu da, da đen, da trắng, da nâu (tức mầu da của người gốc Bắc Phi) :

« Đây cũng là một hiệu ứng thứ hai của đội tuyển Đen – Trắng – Bơ (Black-Blanc-Beur), mà ta ít biết đến. Chúng ta ít biết đến việc Pháp chính là quốc gia nơi đào tạo nên nhiều tuyển thủ thi đấu tại vòng chung kết bóng đá thế giới. Tổng cộng có 80 cầu thủ đã sinh ra tại một quốc gia khác với quốc gia mà cầu thủ ấy đại diện. Trong số 80 cầu thủ đó (thuộc tất cả các đội tham gia chung kết), thì có 50 cầu thủ sinh ra và lớn lên tại Pháp. Họ thi đấu trong các đội tuyển Maroc, Bồ Đào Nha, các đội bóng châu Phi, tất nhiên rồi.

Ba cầu thủ ghi bàn cho đội Pháp trong trận chung kết với Croatia, Matxcơva, ngày 15/07/2018. Trái qua phải : Antoine Griezmann, Paul Pogba và Kylian Mbappe.
Ba cầu thủ ghi bàn cho đội Pháp trong trận chung kết với Croatia, Matxcơva, ngày 15/07/2018. Trái qua phải : Antoine Griezmann, Paul Pogba và Kylian Mbappe. REUTERS/Kai Pfaffenbach

Điều này không chỉ liên quan đến bóng đá, mà còn gắn liền với mô hình xã hội hướng đến hội nhập của chúng ta. Nước Pháp luôn thu hút nhiều cầu thủ xuất thân là dân nhập cư, từ Kopa cho đến Zidane hay Platini. Chúng ta thấy trường hợp nước Đức, đã thu hút được các cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ, nhờ luật vào đầu năm 2000, cho phép người sinh ra trên đất Đức, được nhập quốc tịch Đức. Trong khi đó nước Ý vẫn không thừa nhận quyền này… Thực tế này khiến chúng ta có thể nói một cách tích cực về mô hình hội nhập của nền Cộng hòa Pháp, để phân biệt với việc bảo lưu văn hóa riêng của từng cộng đồng riêng rẽ trong các xã hội theo mô hình Anh – Mỹ (communautarisme). Đây là điều mà người ta đang nói nhiều hiện nay ».

Về các hiệu ứng của chiến thắng vang dội của đội tuyển Pháp tại World Cup, có một nghịch lý thú vị được một trong các vị khách mời nêu lên. Đó là chiến thắng ngoạn mục của đội tuyển áo Lam có thể cho phép giải quyết được nhiều vấn đề trong xã hội, mà vốn thông thường người ta không thể giải quyết được với nhau bằng lời nói.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.