Vào nội dung chính
NHẬT - PHÁP - VĂN HÓA

Chương trình 160 năm bang giao Pháp-Nhật tại Paris

Triển lãm, hội thảo, hòa nhạc, điện ảnh, ẩm thực, kịch kabuki, trống taiko cổ truyền, thời trang kimono, truyện tranh manga, nghệ thuật cắm hoa ikebana ….. Tính tổng cộng hơn 50 sinh hoạt đủ loại được tổ chức trong vòng 8 tháng tại Paris và vùng phụ cận, kể từ tháng 7/2018 cho tới đầu tháng 3/2019 hầu kỷ niệm 160 năm ngày hai nước Pháp-Nhật thành lập bang giao.

Lễ hội Kimono truyền thống ở Kyoto
Lễ hội Kimono truyền thống ở Kyoto © Reuters
Quảng cáo

Năm 2018 còn đánh dấu 150 năm thời đại Minh Trị (Meiji), giúp cho Nhật Bản sau một thời gian dài "bế quan tỏa cảng" mở rộng tầm ảnh hưởng ngoại giao và văn hóa với các nước Âu Mỹ kể từ năm 1868. Để kỷ niệm cùng lúc hai sinh nhật, sự kiện ‘‘Japonismes 2018’’ kết hợp cùng lúc chương trình sinh hoạt của Nhà Văn hóa Nhật Bản tại Paris (MCJP) với 30 cơ quan và định chế hàng đầu của Pháp.

Trong số này, có các Viện bảo tàng lớn như Trung tâm văn hóa Pompidou, Bảo tàng nghệ thuật đương đại Palais de Tokyo, Bảo tàng Nghệ thuật Trang trí (Arts Décoratifs) bên cạnh hai Viện bảo tàng nghệ thuật châu Á là Guimet và Cernuschi. Ngoài ra còn có sự tham gia của Nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris với trung tâm La Villette, Nhà hát kịch Chaillot, Nhà hát thành phố Théâtre de la Ville và hai liên hoan lớn vào mùa thu là Festival d’Automne tại Paris và liên hoan múa hai năm tổ chức một lần Biennale de Danse tại thành phố Lyon.

Nhìn vào chương trình sinh hoạt ‘‘Japonismes 2018’’, nổi bật hơn cả là cuộc triển lãm ở quy mô lớn với chủ đề ‘‘Minh Trị Duy Tân’’ (Meiji-Ishin) diễn ra tại Viện bảo tàng châu Á Guimet kể từ giữa tháng 10/2018 đến đầu tháng Giêng 2019. Cuộc triển lãm này có sự phối hợp với ba viện bảo tàng của Nhật làm giàu thêm bộ sưu tập các báu vật thời Minh Trị của Viện bảo tàng Guimet.

Trên lãnh vực sân khấu, nhà hát Chaillot lần đầu tiên tiếp đón nghệ thuật kịch múa truyền thống kabuki của Nhật Bản. Đây cũng là lần đầu tiên một vở kịch sẽ quy tụ cùng lúc gần 90 diễn viên trên cùng một sàn diễn. Trong khi đó sân khấu nhà hát Gennevilliers tiếp đón các đoàn kịch đương đại biểu diễn các tác phẩm mới như Dark Master hay là Avidya của đạo diễn Kuro Tanino.

Sân khấu nhà hát La Seine Musicale là nơi tổ chức biểu diễn trống wadaiko của đoàn nghệ sĩ Drum Tao. Bên cạnh đó, các đoàn múa ballet đương đại của Nhật Bản sẽ biểu diễn các sáng tác mới trong đó có vở múa About Kazuo Ohno tại nhà hát thành phố Théâtre de la Ville cũng như tại Trung tâm văn hóa thành phố Créteil.

Còn giới yêu chuộng nghệ thuật thứ 7 sẽ có nguyên một chương trình chiếu phim đặc biệt dành riêng cho họ. Kể từ tháng 9/2018 cho tới tháng 2/2019, Viện lưu trữ phim ảnh của Pháp Cinémathèque Française phối hợp với Nhà văn hóa Nhật Bản tổ chức sự kiện "100 năm điện ảnh Phù Tang", trình chiếu các tác phẩm diện ảnh tiêu biểu của xứ hoa anh đào. Ngoài ra, khách mời danh dự của trung tâm văn hóa Pompidou là nữ đạo diễn Naomi Kawase (từ tháng 11 cho tới tháng Giêng) đến giới thiệu tác phẩm mới của cô là ‘‘Vision’’.

Từ những bộ phim câm đầu tiên của Nhật từ thập niên 1920 cho tới tận ngày nay với những tác phẩm ra đời vào năm 2018, một thế kỷ phim ảnh xứ Phù Tang sẽ lần lượt được giới thiệu với công chúng. Nhân dịp này, 20 tác phẩm của thời hoàng kim của các đạo diễn bậc thầy như Ozu, Mizoguchi, Kurosawa đã được trùng tu, nhờ vào nỗ lực lưu trữ của Viện phim ảnh Pháp mà các thước phim nhựa cổ xưa đã được biến thành những hình ảnh 4K hoàn chỉnh theo công nghệ số hiện đại. Điện ảnh Nhật năm nay đặc biệt được đề cao tại Pháp nhất là sau khi đạo diễn Kore Eda đoạt Cành cọ vàng tại liên hoan Cannes.

Tuy chỉ bắt đầu vào tháng 7, nhưng chưa gì nhiều sinh hoạt bên lề đã báo hiệu cho chương trình kỷ niệm hoành tráng này. Tiêu biểu hơn cả là cuộc triển lãm tại Bảo tàng Giverny (nằm cách vài chục thước nhà riêng và xưởng vẽ trước đây của danh họa Claude Monet). Cuộc triển lãm đề tựa Japonismes / Impressionismes đối chiếu so sánh ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản, cho thấy trong chừng mực nào tranh khắc gỗ của các bậc thầy Nhật Bản đã giúp khai sáng ngành hội họa của Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đặc biệt là đối với các họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng. Trào lưu này ban đầu phát sinh trong ngành hội họa rồi sau đó đã lan tỏa sang nhiều lãnh vực nghệ thuật khác. Tuy không nêu đích danh, nhưng với một chương trình sinh hoạt dày đặc phong phú như vậy, có thể xem năm 2018 như là Năm Văn hóa Nhật Bản tại Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.