Vào nội dung chính
PHÁP - ĐIỆN ẢNH

Liên Hoan Phim Quốc Tế Cannes 2018 có gì mới ?

Một dự án phim Việt được chọn trong chương trình của L’Atelier để tiếp cận với các nhà tài trợ. Lo lắng về sự vắng mặt của làng điện ảnh Mỹ. Cannes là cửa sổ mở ra thế giới cho những nhà làm phim bị cấm hoạt động trên chính quê hương họ.

Một phòng chiếu phim của Cung Liên Hoan Cannes, Pháp
Một phòng chiếu phim của Cung Liên Hoan Cannes, Pháp REUTERS/Regis Duvignau
Quảng cáo

Năm nay đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được mời đến Cannes trong khuôn khổ chương trình L’Atelier của Quỹ Cinéfondation. Dự án làm phim của Bùi Thạc Chuyên,  Tro Tàn Rực Rỡ được biết dưới cái tên tiếng Anh là Glorious Ashes, được coi là một trong số 15 dự án có triển vọng. Và trong một tuần lễ, từ ngày 10 đến 16/05/2018, Bùi Thạc Chuyên cùng với nhà sản xuất sẽ giới thiệu thêm về dự án này để thuyết phục các nhà đầu tư.

04:46

Thanh Hà (Cannes)

Mục tiêu hướng tới là Tàn Tro Rực Rỡ được thực sự chào đời. Cần nhắc lại là trong ấn bản Liên Hoan Cannes 2017, hai dự án là phim truyện đầu tay Cu Li Không Bao Giờ Khóc của Phạm Ngọc Lân và Vị của Lê Bảo đã được mời đến thành phố biển Cannes cũng trong khuôn khổ chương trình L’Atelier.

Sự trở lại của điện ảnh châu Á

Trở lại với phần chương trình quan trọng nhất của Liên Hoan : trong số 21 bộ phim được chọn để tranh Cành Cọ Vàng, có đến bốn phim châu Á. Hai phim Nhật, một của Trung Quốc và một của Hàn Quốc. Có thể nói 2018 đánh dấu sự trở lại của điện ảnh châu Á sau hai mùa liên tiếp ít được quan tâm. Ngược lại chỉ có hai phim đại diện cho điện ảnh Mỹ được đề cử ở hạng mục quan trọng nhất và đây là một điều bất ngờ khiến báo chí bình luận rất nhiều. Bởi bên cạnh yếu tố nghệ thuật và sức thu hút của các ngôi sao điện ảnh Hollywood còn phải tính đến yếu tố thương mại.

Bên cạnh sự vắng mặt của những tên tuổi của làng điện ảnh Hoa Kỳ như Terence Malick hay Martin Scorcese… ngay cả những bộ phim do các đạo diễn nước ngoài thực hiện, như là nhà làm phim còn trẻ tuổi Xavier Dolan, người Canada hay đạo diễn Pháp Jacques Audiard, nhưng do các nhà sản xuất Mỹ tài trợ, cũng không được đề cử tranh Cành Cọ Vàng.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng một số các ngôi sao trên bầu trời điện ảnh Mỹ bắt đầu lơ là với Liên Hoan Cannes, một trong các sự kiện được cho là thu hút chú ý của khán giả năm châu nhất sau cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp, cúp bóng đá thế giới và Thế Vận Hội Olympic ?

Sao điện ảnh Hollywood vắng bóng tại Cannes ?

Nhiều nguồn tin thông thạo cho rằng, một số các nhà làm phim ở Mỹ và bắc Mỹ có vẻ muốn “để dành” những tác phẩm lớn cho Liên Hoan Phim Venise hay Toronto. Lý do là cả hai liên hoan này cùng được tổ chức vào mùa thu, gần với mùa Oscar hơn là Cannes, diễn ra vào tháng 5. Bản thân một vài đạo diễn, như Xavier Dolan, cho rằng các nhà phê bình tại Cannes quá khắt khe và đôi khi gây bất lợi cho những bộ phim còn chưa được giới thiệu rộng rãi đến công chúng.

Không thể có lễ hội Điện Ảnh nếu vắng những ngôi sao, những bộ phim rất tốn kém về tài chính của Hollywood. Tuy chỉ có hai phim tranh Cành Cọ Vàng nhưng khán giả ở Cannes sẽ là những người đầu tiên được xem tập phim mới nhất của Star Wars dành để nói về nhân vật Han Solo trước khi tác phẩm này được công chiếu vào ngày 23/05.

Solo A Star Wars Story không tranh giải ở bất kỳ một hạng mục nào, nhưng đạo diễn Ron Howard và dàn diễn viên của ông thì chắc chắn là sẽ làm cả thành phố Cannes lên cơn sốt. Ngoài ra trong các chương trình dành cho công chúng như là Cannes Classics hay những buổi chiếu phim ngay trên bãi cát, Cinéma de la Plage, đều có những bộ phim Mỹ thuộc hàng kinh điển.

Cannes, cửa sổ mở ra thế giới của những nhà làm phim bị kiểm duyệt

Cannes nổi tiếng là “thích ăn Trái Cấm”. Năm nào cũng có những nhà làm phim bị truy bức được Liên Hoan Cannes vinh danh, vì tài năng, vì những đóng góp của họ cho Nghệ Thuật Thứ Bảy. Đó là trường hợp đạo diễn người Iran, Jafar Panahi. Ông không được hành nghề và không được ra nước ngoài. Dù vậy năm 2015 Panahi đã đoạt giải Gấu Vàng, phần thưởng cao quý nhất tại Liên Hoan Berlin, với Taxi Teheran. Lần này Panahi tranh giải ở hạng mục quan trọng nhất, với bộ phim Three Faces, nói về ba gương mặt phụ nữ tại một nước Iran đương đại.

Một nhà làm phim khác đang bị quản thúc tại gia là đạo diễn người Nga Kirill Serebrennikov. Phim và kịch của ông luôn đề cập đến những chủ đề nhậy cảm như là chính trị, tôn giáo, giới tính… và lập trường của Serebrennikov luôn đi ngược lại với quan điểm của điện Kremlin. Tuy chưa được xem và chưa có nhiều thông tin về bộ phim ông đem đến Cannes lần này dưới tên gọi Letto - Mùa Hạ, nhưng có lẽ một lần nữa Serebrennikov lại động đến một điều gì cấm kỵ !

Ngoài ra cũng phải nói là Liên Hoan Cannes có truyền thống dành một vị trí riêng biệt cho các nhà làm phim bị tước quyền tự do sáng tác hay bị kiểm duyệt. Lần đầu tiên điện ảnh Kenya được mời dự một liên hoan phim quốc tế có uy tín như Cannes ở hạng mục Un Certain Regard. Nhưng bộ phim Rafiki của nữ đạo diễn Wanuri Kahiu lại trong tầm ngắm của chính quyền Nairobi. Bởi tác phẩm này nói về một mối tình đồng tính giữa hai người đàn bà thuộc hai khuynh hướng chính trị hoàn toàn đối lập với nhau. Trong mắt các nhà kiểm duyệt ở Nairobi, bộ phim “đi ngược lại với đạo đức của người Kenya”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.