Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HÓA

Thành phố Rượu vang, tủ kính trưng bày lý tưởng của Bordeaux

Được khánh thánh cách đây một năm tại thành phố Bordeaux, quần thể ‘‘Cité du Vin’’ (Thành phố Rượu vang) là một công trình kiến trúc táo bạo, phí tổn xây cất lên tới 81 triệu euro. Theo ban giám đốc, để thu hồi vốn đầu tư trong vòng mười năm, ‘‘Cité du Vin’’ tính trung bình phải thu hút hàng năm 400.000 lượt khách thăm viếng. Tính trong năm vừa qua, ‘‘Thành phố Rượu vang’’ đã thành công bước đầu với 425.000 lượt khách tham quan.

Phòng trữ rượu có tới 9752 hiệu rượu vang khác nhau từ hơn 80 nước trên thế giới
Phòng trữ rượu có tới 9752 hiệu rượu vang khác nhau từ hơn 80 nước trên thế giới REUTERS / Regis Duvignau
Quảng cáo

Theo ban điều hành, cứ trên 10 khách mua vé vào cửa, có khoảng 4 người (38%) là dân Pháp (đa phần là dân địa phương sống ở trung tâm thành phố Bordeaux hay các vùng ngoại thành). 6 người còn lại (62%) là du khách đến từ nhiều quốc gia trong đó có Anh, (14%) Mỹ (11%), Thụy Sĩ (9%), Tây Ban Nha (8%) rồi kế đến nữa có du khách Bỉ, Ý, Đức, Canada, Trung Quốc, Brazil ……

Nhờ vào số lượng khách mua vé vào cửa, ‘‘Cité du Vin’’ bảo đảm một nguồn thu nhập đều đặn khoảng 10 triệu euro một năm, phần còn lại được bổ sung bằng các dịch vụ mua sắm, ăn uống, hàng lưu niệm ..... Một trong những điểm mạnh của ‘‘Thành phố Rượu vang’’ chính là ban điều hành quần thể văn hóa giải trí này nắm bắt được tâm lý khách hàng, bất cứ ai đến thăm Bordeaux thì thế nào rồi cũng phải mua một vài chai rượu vang làm quà biếu cho người thân hay bạn bè. Nằm ở tầng một có các lớp hướng dẫn cách nếm rượu, hay là các quầy ẩm thực gọi là ‘‘accords mets & vins’’ để tìm hiểu và thưởng thức theo kiểu ‘’ăn món nào uống rượu nấy’’.

Quầy thưởng thức rượu vang nằm ở trên tầng cao nhất (tầng 7) cũng nhắm vào mục đích này, khách hàng nếm rượu cho dù không phải là dân sành điệu cũng sẽ phải xiêu lòng khi bước vào không gian với lối kiến trúc tân kỳ. Khách muốn mua rượu có thể ghé thăm cửa hàng nằm ở tầng trệt với lối dàn dựng ánh sáng lung linh lộng lẫy. Còn được gọi là Phòng trữ rượu (Vinothèque), không gian trưng bày này có tới gần mười ngàn hiệu rượu vang khác nhau (9752 loại) đến từ hơn 80 quốc gia trên thế giới.

Gọi là ‘‘Thành phố Rượu vang’’, nhưng thật ra ‘‘Cité du Vin’’ trong lối xây cất giống như một Cung triển lãm hiện đại có cả auditorium có thể được sử dụng như một nhà hát, phòng chiếu phim, phòng tổ chức hội thảo. Quần thể văn háo giải trí này có tổng cộng là 20 khu vực triển lãm trên tổng cộng 13.000 thước vuông xoay quanh chủ đề rượu vang. Nhưng Cité du Vin không phải là một viện bảo tàng theo đúng nghĩa của nó (không trưng bày đồ cổ hay bảo vật có liên quan tới ngành nghề chế biến rượu vang như Viện bảo tàng Rượu vang ở vùng Moulis-en-Médoc) mà lại tổ chức các sinh hoạt thương mại hay sự kiện văn hóa theo chủ đề, kết hợp với hình ảnh, âm thanh, phim video …..

Cuộc triển lãm hiện thời được dành cho nước Gruzia, kể lại lịch sử và quá trình hình thành nghề làm rượu vang tại quốc gia này, dĩ nhiên là các hiệu rượu vang nổi tiếng nhất của Gruzia (saperavi, tsinandali hay là khvanchkara) đều có thể được tìm thấy trong Phòng trữ rượu nằm ở tầng trệt. Trong thời gian sắp tới, các nước Nam Mỹ như Chi lê và Argentina sẽ là những khách mời danh dự xuyên qua các cuộc triển lãm hay sinh hoạt văn hoá.

Một khi được hoàn tất, ‘‘Thành phố Rượu vang’’ tuy được giao đúng thời hạn xây cất nhưng chi phí lại vượt qua ngân sách dự trù ban đầu tới gần 20 %. Trên 81 triệu euro, thành phố Bordeaux gánh hơn một phần ba phí tổn, phần còn lại được chia đều cho các đối tác cấp vùng, cũng như của các công ty sản xuất rượu vang, các nhà tài trợ.

Khác hẳn với một viện bảo tàng quốc gia hay một cơ quan văn hóa nhà nước, ‘‘Thành phố Rượu vang’’ ngay từ ban đầu khai thác mô hình kinh doanh giữa công viên giải trí và hội chợ triển lãm : có cả nội dung văn hóa lẫn hoạt động thương mại. Điều này hầu tránh cho "Thành phố Rượu vang" bị thất thu lỗ lã ít ra là trong thời gian đầu.

Tuy nhiên, đối với du khách Pháp hay nước ngoài, giá vé vào cửa vẫn còn hơi đắt (24€ một vé) chưa kể các phụ phí nào nếu phải mua sắm thêm, ăn uống tại chỗ khi du khách dành nửa buổi hay trọn ngày để tham quan. Còn đối với các nhà tài trợ, kể từ khi tuyến đường xe lửa cao tốc (TGV Atlantique) rút ngắn thời gian di chuyển Paris-Bordeaux từ hơn 3 tiếng xuống còn 2 tiếng đồng hồ, Cité du Vin lại càng là tủ kính trưng bày lý tưởng, cho thấy kinh thành Bordeaux xứng đáng với danh hiệu ‘‘Vương quốc của Rượu vang’’.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.