Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

« Lính mới » Macron trên chính trường đối ngoại

Đăng ngày:

Sau ngày nhậm chức (14/05/2017), tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ phải đương đầu với một thế bất ổn và bất trắc. Chỉ vài ngày nữa thôi « gánh nặng ngàn cân » rơi xuống đôi vai của nhà lãnh đạo trẻ tuổi, không kinh nghiệm đối ngoại : Brexit, châu Âu, Trung Đông, Nga…Có đáng lo hay không ?

Tổng thống tân cử Pháp Emmanuel Macron trong lễ kỷ niệm ngày hủy bỏ chế độ nô lệ tại vườn Luxembourg, Paris, ngày 10/05/2017.
Tổng thống tân cử Pháp Emmanuel Macron trong lễ kỷ niệm ngày hủy bỏ chế độ nô lệ tại vườn Luxembourg, Paris, ngày 10/05/2017. REUTERS/Eric Feferberg/Pool
Quảng cáo

Nếu so sánh với Marine Le Pen chủ trương dứt khoát rời NATO và Liên Hiệp Châu Âu để tiến gần với Nga, chính sách ngoại giao của Emmanuel Macron chỉ mới ở giai đoạn phác họa. Phần lớn của cương lĩnh chính trị tập trung tháo gỡ những vấn nạn hay trì trệ của nước Pháp như kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế…

Thế nhưng vào ngày 14/05 tới đây, Emmanuel Macron bước vào điện Elysée vào thời điểm tình hình thế giới không thuận lợi. Liên Hiệp Châu Âu suy yếu vì Anh Quốc rút lui, bên trong thì khủng bố, bên ngoài thì biên giới phía đông bị nước Nga của Vladimir Putin đe dọa, ở phía nam thì Trung Đông rối loạn, bên kia Đại Tây Dương nước Mỹ co cụm còn ở châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc Tập Cận Bình dương oai diễu võ.

Theo nhà báo Isabelle Lasserre chuyên trách về chính trị quốc tế của Le Figaro, thách thức chờ đón tổng thống mới ngay tuần đầu tiên là phải đối phó với khủng hoảng trong Liên Hiệp Châu Âu mà ưu tiên số một là hồ sơ Brexit, phản ứng về chính sách bành trướng của Nga, tuyên bố lập trường về Trung Đông.

Là một người thân châu Âu, Emmanuel Macron đã đến Berlin tiếp xúc với thủ tướng Đức Angela Merkel trong giai đoạn tranh cử. Ông đã nhiều lần sang Trung Đông, ghé Liban và Jordani, tới Bắc Phi thăm Algéri, Tunisia nhưng chưa bao giờ đặt chân đến châu Phi da đen và… châu Á. Trong các cuộc tranh luận truyền hình, ông cũng ít đề cập đến các vấn đề quốc tế. Bởi vì chính trị quốc tế không phải là mối quan tâm của ông trong mùa bầu cử. Một nguồn tin của phong trào Tiến Bước! xác nhận thiếu sót này nhưng cho rằng đây là « hiện tượng chung của các nền dân chủ Tây phương, kể cả ở Mỹ ».

Chính sách ngoại giao của tổng thống tân cử chỉ mới được phác họa nhưng được dự báo tiếp nối đường lối của hai vị tiền nhiệm Nicolas Sarkozy và François Hollande. Emmanuel Macron chủ trương một « nhãn quan De Gaulle- Mitterrand ». Điều này chứng tỏ chính sách đối ngoại của Pháp không lệ thuộc vào cá tính của chủ nhân điện Elysée mà xuyên suốt phục vụ quyền lợi của Pháp. Tổng thống tân cử Emmanuel Macron có là một ngoại lệ ?

Giáo sư Lê Đình Thông, đại học Paris-Nanterre phân tích :

RFI : Chính sách ngoại giao của tân tổng thống Macron được xem là còn trong giai đoạn « phác họa ». Theo giáo sư, đâu là những nét chính ?

GS Lê Đình Thông : Theo Hiến Pháp đệ ngũ Cộng hòa Pháp, Tổng thống quyết định chính sách ngoại giao và quốc phòng. Có thể tóm tắt chính sách ngoại giao của tân tổng thống Macron tóm tắt bằng hai chữ : " Liên tục (continuité) và điều chỉnh (ajustement)", theo tinh thần thực tiễn. Ông Macron chủ trương một chính sách ngoại giao cương quyết. Cố vấn ngoại giao của ông là các bạn học Trường Quốc gia Hành chính (ENA), hiện làm việc tại bộ Ngoại Giao như Aurélien Lechevalier, Guillaume Ollagnier, Gérard Araud v.v.

Trên địa bàn châu Âu, tân tổng thống nhận định nuớc Pháp bị lấn lướt ở Bruxelles, vì vậy cần sửa đổi các định chế châu Âu.

Đối với tổng thống Putin, ông Macron chủ trương bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Nga nhưng vẫn tiếp tục các biện pháp trừng phạt cho đến khi điện Kremlin tôn trọng thỏa ước Minsk về vấn đề Ukraina.

Đối với nước Mỹ, theo ông Macron, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thiếu quân bình trong các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, Pháp cần sự cộng tác của Washington trong các quan hệ giữa hai bên bờ Đại Tây Dương.

Về vấn đề Syria, theo ông, nước Pháp sẽ không đánh giá khả năng lãnh đạo của Bachar Al Assad, nhưng chú trọng đến việc tái lập hòa bình tại khu vực này bằng cách dẹp tan Nhà Nước Hồi Giáo Daech.

Về các khu vực khác trên thế giới, như Đông Nam Á và Việt Nam, ông Macron triển khai chính sách ngoại giao tùy thời (diplomatie de l’opportunité) : ‘‘gặp thời thế thế thời phải thế’’, kết hợp giữa chủ trương Gaullisme và Mitterrandisme. Chính sách này từng được triển khai, định đoạt việc bức tường Bá Linh và khối cộng sản Đông Âu sụp đổ

RFI : Những hồ sơ lớn và thuộc loại nghìn cân và khủng hoảng đang chờ tân tổng thống ....

GS Lê Đình Thông : Sau khi nhậm chức, tổng thống Macron sẽ phải đối đầu với tình trạng hỗn loạn trên thế giới. Các cuộc khủng hoảng quốc tế có hậu quả trực tiếp đối với Pháp. Theo Bruno Tertrais, chuyên gia địa lý chính trị và chiến lược, thực tế này đè nặng lên tổng thống tân nhiệm ngay tuần lễ đầu.

Chính sách đối ngoại vốn không phải là quan tâm hàng đầu của ứng cử viên Macron. Việc ông Macron đánh giá chính sách thực dân của Pháp là "tội chống nhân loại" là một bằng cớ. Sự việc này thường thấy trong các chế độ dân chủ phương Tây. Nhưng "nghề dạy nghề". Trước khi trở thành tổng thống, ông Hollande cũng không có kinh nghiệm ngoại giao, nhưng lãnh vực này lại trở nên điểm son trong nhiệm kỳ 5 năm.

Để bổ sung việc thiếu kinh nghiệm trong lãnh vực ngoại giao, ông bỏ thì giờ nghiền ngẫm tác phẩm của cựu ngoại trưởng Dominique de Villepin. Macron thông minh, sẽ mau chóng trở nên một vị tổng thống đa năng, đa hiệu. Ông am tường tiếng Anh, khác với hai tổng thống tiền nhiệm Sarkozy và Hollande.

RFI : Liệu những sáng kiến của tổng thống Emmanuel Macron đưa ra sau khi nhậm chức có thể ảnh hưởng đến lập trường chung của Liên Hiệp Châu Âu ?

GS Lê Đình Thông : Sau khi nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Pháp trở nên quốc gia duy nhất trong Liên Hiệp có vũ khí hạt nhân và là nước duy nhất trong Liên Hiệp là hội viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Ưu điểm này khiến tân tổng thống mạnh dạn ấn định nguyên tắc giới hạn thỏa hiệp với nước ngoài. Sau vụ điện Kremlin tấn công tin học chống lại phong trào En Marche, ông có lập trường cứng rắn với Putin. Nếu trước đây, ông cho rằng nước Nga là đối tác với Pháp để thảo luận về hồ sơ Syria, sau khi đắc cử, ông chủ trương duy trì trừng phạt nước Nga.

Những gánh nặng ngàn cân này là « thực tế » đang chờ vị tổng thống được 66% cử tri tin cậy, theo như nhận định của Bruno Tertrais, phó giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp ( FRS), thành viên của nhóm tham mưu trong phong trào Tiến Bước.

Năm năm trước đây, François Hollande cũng vào điện Elysée mà không có chút kinh nghiệm hay kiến thức về đối ngoại. Thế mà, đây chính là lãnh vực mà tổng thống mãn nhiệm năng nổ nhất và được khen ngợi nhiều nhất.
Nhưng theo chuyên gia Bruno Tertrais, thực tế sẽ làm Emmanuel Macron nhanh chóng hiểu ra « chính trị quốc tế không phải là thi ca ».

Giới thân cận của tổng thống tân cử tỏ ra lạc quan : Emmanuel Macron học nhanh, hiểu nhanh. Cụ thể là chỉ cần một đôi ngày là ông thay đổi lập trường, tỏ ra cứng rắn hơn với Nga, sau khi trang mạng của phong trào Tiến Bước! bị tin tặc tấn công. Chỉ một năm trước, ông còn xem Nga là « đối tác » và tính chuyện « đàm phán » trên hồ sơ Syria. Ngày nay, ông thẩm định nước Nga của Putin không chia sẻ giá trị và quyền lợi của Pháp.

Cho đến giờ, hình như người nắm vận mệnh nước Pháp trong 5 năm tới chưa ý thức sẽ phải tập trung 50% thời gian cho hồ sơ quốc tế.

Dù sao, chính sách đối ngoại của tổng thống mới cũng tùy thuộc vào các nhân vật cột trụ khác của chính phủ đã được hoặc đang được chọn lựa : Bộ trưởng Quốc Phòng, Ngoại Giao, các tướng lãnh tham mưu và những cố vấn thân cận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.