Vào nội dung chính
PHÁP - NGOẠI GIAO

Pháp : Chính sách đối ngoại của Emmanuel Macron

Vị trí nào cho nước Pháp trên sân khấu quốc tế ? Một điều chắc chắn là ông Macron xem "mối quan hệ cân bằng trong trục Paris- Berlin" là một ưu tiên. Bang giao với Mỹ, với Nga và Trung Quốc đi về đâu ? Giới quan sát chưa tìm ra câu trả lời.

Châu Âu, điểm nhấn trong chính sách ngoại giao của Emmanuel Macron.
Châu Âu, điểm nhấn trong chính sách ngoại giao của Emmanuel Macron. PASCAL PAVANI / AFP
Quảng cáo

Trong bài báo ngày 08/05/2017, Jacques Hubert Rodier của Les Echos nhận định : tổng thống tân cử Emmanuel Macron cần nhanh chóng định hình chính sách ngoại giao cho nhiệm kỳ sắp mở ra.

Emmanuel Macron chuẩn bị bước vào dinh tổng thống vào thời điểm thế giới dường như là bất ổn hơn, kém an toàn hơn so với một vài năm trước đây. Ở Washington, chính quyền Mỹ đang trong tay một vị tổng thống Donald Trump có tính khí thất thường. Tại Matxcơva, nước Nga của Vladimir Putin đầy tham vọng với những ý đồ xâm lược.

Quân khủng bố Hồi giáo chưa đầu hàng và thậm chí còn gieo rắc kinh hoàng ngay tại những thủ đô lớn của phương Tây. Khu vực Cận Đông vẫn là một thùng thuốc súng. Nhìn xa hơn về phía Viễn Đông, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đang tăng nhanh. Hiếm thấy những ốc đảo bình yên trên thế giới.

Vậy thì chính sách ngoại giao của Paris trong 5 năm sắp tới sẽ đi về đâu ? Trong cuốn sách mang tựa đề "Cách mạng- Révolution" phát hành năm 2016, Emmanuel Macron đã rất ít đề cập đến vấn đề đối ngoại, ngoại trừ hai chương dành cho châu Âu.

Một sự tiếp nối từ thời de Gaulle-Mitterrand

Vậy liệu tổng thống Macron sẽ tiến hành một cuộc "cách mạng" về ngoại giao ? Theo nhà báo Rodier thì câu trả lời là không.

"Thái độ thực tiễn" sẽ là kim chỉ nam của nhiệm kỳ Macron, với khuynh hướng đi theo con đường đã được hai vị tổng thống để lại dấu ấn rất lớn trong nền đệ Ngũ Cộng Hòa là tướng Charles de Gaulle và tổng thống François Mitterrand đã vạch ra. Trong một chừng mực nào đó, tổng thống sắp tới của Pháp cũng sẽ nối gót theo Jacques Chirac, rút kinh nghiệm từ bài học khi nước Pháp từ chối hưởng ứng kêu gọi của Hoa Kỳ tham gia vào chiến tranh Irak năm 2003.

Dưới lăng kính của chuyên gia François Heisbourg, cố vấn đặc biệt cho Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS và cũng là cố vấn của tổng thống tân cử Emmanuel Macron về chống khủng bố và quốc phòng, trên tất cả những hồ sơ này, ông Macron đặt nước Pháp "bên trong Liên Hiệp Châu Âu", của "cặp bài trùng Pháp- Đức" mà ở đó "quan hệ giữa Paris và Berlin phải cân đối".

Thậm chí tổng thống Pháp tương lai, trong một cuộc phát biểu, đã từng tuyên bố ý muốn chính sách đối ngoại của Paris sẽ phải "độc lập hơn với Mỹ", như chủ trương của tướng de Gaulle xưa kia.

Tuy vậy, tác giả bài báo cho rằng, điều này sẽ không dễ, nhất là sau khi tổng thống Sarkozy vào năm 2009 đã quyết định đưa Pháp trở lại bộ chỉ huy của NATO - Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, sau gần 40 năm rút lui khỏi định chế này theo quyết định của tướng de Gaulle năm 1966.

Macron giữa Trump và Putin ?

Về quan hệ giữa Paris và Washington dưới thời Donald Trump, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài RFI Pháp ngữ gần đây, ông Emmanuel Macron cho biết mong muốn "đề nghị cùng nhau làm việc" .

Tổng thống Pháp tân cử xem bang giao giữa hai nước là "thiết yếu" bởi vì Pháp cần đến Mỹ trên nhiều hồ sơ, từ chống khủng bố, đến hợp tác quân sự. Dù vậy, nhà báo Rodier trên Les Echos lưu ý : Emmanuel Macron ý thức được mối liên hệ mật thiết giữa hai bờ Đại Tây Dương, nhưng trong trường hợp Washington "buông tay" với những khu vực có xung đột mang tính sống còn với nước Pháp thì Paris cần phải gánh lấy trách nhiệm đó. Dù vậy hành động của Pháp phải được đặt trong khuôn khổ của một Liên Hiệp Châu Âu vững mạnh.

Emmanuel Macron hứa tăng ngân sách quốc phòng thêm 10 tỷ euro từ nay đến 2022 và duy trì khả năng phòng thủ trong lĩnh vực hạt nhân.

Còn với Nga, đây sẽ là một hồ sơ "phức tạp" mà hai cái gai nổi cộm nhất là Ukraina và Syria. Về khủng hoảng Syria, đây là một vấn đề tế nhị với ông Macron trong thời gian vận động tranh cử.

Một mặt, ứng cử viên tổng thống En Marche ! khẳng định Bachar al Assad "phải ra đi". Mặt khác, dù ít kinh nghiệm ngoại giao, nhưng Emmanuel Macron cũng ý thức được rằng, chính quyền Damas đang nắm giữ một số chìa khóa để đạt được mục tiêu bài trừ khủng bố tận gốc rễ. Emmanuel Macron quan niệm "khủng hoảng Syria không thể do Nga, Iran giải quyết".

Dù vậy Pháp và châu Âu không thể nào cứ tiếp tục "hục hặc với Nga" như ông Macron từng giải thích trên nhật báo kinh tế La Tribune trong số ngày 04/05/2017. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đó, tổng thống Pháp tương lai nhấn mạnh, ông tin tưởng là "chỉ có thái độ cứng rắn và thống nhất giữa các thành viên Liên Hiệp Châu Âu mới cho phép chúng ta đối thoại một cách cởi mở với Matxcơva. Đó là điều hết sức cần thiết".

Liên quan đến trường hợp của Ukraina, Emmanuel Macron thiên về giải pháp duy trì các biện phát trừng phạt Nga cho đến khi thỏa thuận Minsk được các bên tôn trọng và Matxcơva ngừng hỗ trợ quân nổi dậy vũ trang ở miền đông Ukraina.

Trung Quốc và châu Á ?

Thế còn chính sách ngoại giao với Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á ? Đó còn là một ẩn số trọn vẹn ngay cả sau khi ứng cử viên Macron của phong trào Tiến Bước ! đã đắc cử, và En Marche ! đã được đổi tên thành đảng Cộng Hòa Tiến Bước – La République En Marche.

Trong mùa vận động tranh cử tổng thống Pháp 2017, cả 5 ứng cử viên có nhiều triển vọng nhất – Le Pen, Fillon, Macron, Mélenchon và Hamon, không một ai công du châu Á. Điều đó đủ cho thấy khu vực này nằm rất xa quan tâm hàng đầu của giới lãnh đạo Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.