Vào nội dung chính
PHÁP - LỊCH SỬ

Người Pháp-người Anh bất đồng ý kiến về Napoléon

Hai trăm năm sau trận Waterloo, người dân Pháp vẫn bất đồng ý kiến với nhau về Hoàng đế Napoléon, thể hiện qua phóng sự sau đây của hãng tin AFP.

Mộ của Hoàng đế Napoléon tại điện Invalides, Paris
Mộ của Hoàng đế Napoléon tại điện Invalides, Paris
Quảng cáo

Dưới vòm của điện Invalides, nơi đặt linh cữu Napoléon, một số du khách Pháp phát biểu cảm nghĩ trái ngược của họ về vị Hoàng đế Pháp, 200 năm sau khi bại trận tại Waterloo.

Jean-Mari, một du khách Pháp, chỉ trích Napoléon là « một nhà độc tài, một kẻ xâm lăng », nhưng vợ ông, Claudine, lại cho rằng Napoléon « đã làm nhiều việc tốt, như ông đã ban hành Bộ luật Dân sự ». Một khách tham quan khác tố cáo « tham vọng quyền lực vô hạn » của vị Hoàng đế, còn bạn gái anh ta lại không cùng quan điểm. Theo cô, Napoléon đã « mang giá trị của cuộc Cách mạng Pháp ra ngoài lãnh thổ ».

Alaume Houdry, một sinh viên ngành sử học dẫn một người bạn Palestine tới thăm mộ Napoléon, nhận xét : « Với tôi, Napoléon vừa là hiện thân của điều tốt và điều xấu. Ông đã cho tiến hành nhiều cải cách quan trọng và biến nước Pháp thành một nước đầy quyền lực. Nhưng đồng thời, có rất nhiều người phải hy sinh thân mình để phục vụ những tham vọng đó ».

David Chanteranne, tổng biên tập hai tờ Revue du Souvenir napoléonien (Tạp chí Hồi tưởng Napoléon) và tạp chí Napoléon Ier (Napoléon Đệ nhất), nhận xét : « Tại Pháp, Napoléon là một chủ đề vừa lôi cuốn, vừa gây căm phẫn », khi vị Hoàng đế đã thiết lập lại chế độ nô lệ vào năm 1802 và khiến khoảng 600-700.000 người chết trận vì tham vọng bành trướng của mình.

Đối với nhà báo Chateranne, Đệ Nhị Thế Chiến đánh dấu « sự đoạn tuyệt ». Trước đây, người ta thường ca ngợi « một định mệnh phi thường », nhưng sau chiến tranh, người ta bắt đầu lầm khi coi ông là tiền thân của các chế độ độc tài trong thế kỷ XX, đồng thời so sánh vị hoàng đế Pháp với Hitler hay Staline.

Cũng như tại Nga, Trung Quốc, Ba Lan, hay với "kẻ thù Anh xưa kia", công chúng vẫn quan tâm tới hành động của Napoléon : con người, hình dáng, tính cách quyết đoán. Cuộc đời của vị hoàng đế, chết khi đi lưu đày ở đảo Sainte-Hélène (Anh), cùng với những mối tình với Joséphine (người vợ cũ) và người tình Marie Walewska…, luôn là nguồn cảm hứng cho các « huyền thoại ».

Những người hâm mộ Napoléon không ngần ngại sưu tầm những văn bản viết tay của vị hoàng đế, áo sơ mi và thậm chí cả bô vệ sinh. Huyền thoại Napoléon vượt ngoài biên giới Châu Âu : tháng 12/2014, một tỷ phú Hàn Quốc đã trả 1,8 triệu euro để mua chiếc mũ của Napoléon.

Nhà sử học Jean Tulard, giáo sư chuyên về Napoléon tại đại học Sorbonne từ 1967 đến 2002, nhận xét : « Từ khi mất, mỗi ngày có một cuốn sách hay một bài báo nói về vị hoàng đế này ». Trong ngành điện ảnh, hình ảnh Napoléon xuất hiện trong hơn 1.000 phim. Bốn cuộc triển lãm lớn về ông hiện đang được trưng bày tại Pháp.

Có thể chính vì những lý do này, Paris đặt nhiều tên đại lộ lớn gắn liền với những chiến thắng hào hùng của vị hoàng đế, nhưng không một đại lộ nào mang tên Napoléon, chỉ có một con phố nhỏ mang tên Bonaparte.

Nhà sử học Jean Tulard cho biết : « Tại Pháp, chưa bao giờ mọi người có chung ý kiến về Napoléon », ngay cả trong giới chính trị.
Quả thực, về phía cánh tả, trong cuốn tiểu luận Le Mal Napoléonien, cựu Thủ tướng Xã hội, Lionel Jospin, khắt khe lên án chính quyền của vị Hoàng đế. Theo ông, « Napoléon đã biến thể những tư tưởng cách mạng », đồng thời đã phát triển « hình thức cai trị cực đoan », « chủ nghĩa chuyên chế »« nhà nước cảnh sát trị ».

Ngược lại, một phần cánh hữu lại bảo vệ di sản Bonaparte. Vào năm 1958, Đệ Ngũ Cộng hòa được thành lập với việc mở rộng quyền lực của tổng thống và tiếp tục đề cao việc tiếp xúc trực tiếp giữa người đứng đầu nhà nước và quần chúng. Ngoài ra, còn phải nói tới cựu thủ tướng Dominique de Villepin, một người say mê Napoléon. Trong vòng 30 năm, ngoài sưu tập nhiều văn bản viết tay và các tác phẩm về vị Hoàng đế Pháp, ông còn nghiên cứu và biên soạn nhiều tác phẩm về « con người đặc biệt này ».

Người Anh vẫn không ngừng lên án Napoléon

200 sau khi thắng trận tại Waterloo, người Anh tiếp tục "tuyên chiến" với Napoléon. Dù khâm phục hay nghi ngờ về tài năng quân sự, song người Anh vẫn coi Hoàng đế người Pháp là một tên bạo chúa khát máu và sẵn sàng so sánh ông với Hitler hay Staline.

Nhà sử học Andrew Roberts cho biết Hoàng đế Pháp vẫn tiếp tục khiến người Anh lo sợ. Ông nói đùa, sau Đệ Nhị Thế Giới, nhiều bà mẹ bất lực trước những đứa con nghịch ngợm, thường quát rằng : « Ngồi yên hay để Napo tới trị ! »

Cuốn tiểu sử dài 900 trang mới được ông xuất bản khiến người Anh phải chau mày : « Napoléon, Le Grand ! » (« Napoléon cao lớn », hoặc « Napoléon Vĩ đại »). Người Anh thường nói "Little Boney" (viết tắt của Bonaparte) để chế nhạo chiều cao của nhà lãnh đạo người Pháp. Nhà sử học nhận xét : « Napoléon không gặp may vì ông trị vì đúng giai đoạn mà nước Anh có nhiều họa sĩ biếm họa nổi tiếng. Họ luôn vẽ ông là một tên lùn khát máu ».

Đầu năm 2015, Bảo tàng Anh ở Luân Đôn đã tổ chức một cuộc triển lãm những bức vẽ miêu tả "thằng lùn", "dịch hạch đảo Corse" hay "con quỷ Belzébuth". Một nhà sử học khác, Tim Clayton, nhận xét : « Chưa bao giờ có nhân vật nào trong lịch sử lại bị phỉ báng và chế giễu như Napoléon ».

Theo ông Roberts, phe bảo thủ ở Anh vẫn duy trì huyền thoại về « con quỷ và nhà độc tài nham hiểm ». Trừ cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill, đánh giá Napoléon là « nhà lãnh đạo kiên quyết nhất từ thời Cesar ».
Ông Roberts giải thích : « Đó là một người đi chinh phục. Dĩ nhiên là ông ta phải nhẫn tâm… Thế nhưng, nên đặt mọi việc vào bối cảnh cuộc chiến kéo dài tới 22 năm tại thời điểm đó. Nhìn theo quan điểm lịch sử, rất sai lầm nếu kết tội ông ta là nguyên nhân của mọi khổ đau, và phải chịu trách nhiệm về 6 triệu người chết, cả dân sự và quân sự, tại Châu Âu ».

Để đáp trả một số đồng nghiệp, như Adam Zamoyski luôn cho rằng Napoléon là « một người mắc bệnh hoang tưởng » bất tài và « cướp quyền », ông nhắc lại rằng Napoléon thường bị tấn công hơn là kẻ đi tấn công người khác. Ví dụ, những cuộc chiến đầu tiên xảy ra vào năm 1792 là do người Anh, người Áo và người Phổ khai mào, trong khi đó, Napoléon mới chỉ là một trung úy pháo binh.

Ngược lại, người ta có thể chỉ trích vị Hoàng đế Pháp đã lợi dụng cơ hội tấn công Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vào các năm 1807 và 1808, cũng như xâm chiếm nước Nga vào năm 1812.

Napoléon đã bại trận tại Waterloo, nhưng trong tổng số 60 trận đánh, Hoàng đế Pháp đã thắng 47 trận và 7 trận thắng bại không rõ ràng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.