Vào nội dung chính
HỒI ỨC

Napoleon và Châu Âu. Ước mơ và những chấn thương

Hai thế kỷ đã trôi qua, tại Châu Âu hình tượng Napoleon đệ nhất (1769-1821) vẫn còn là một chủ đề nhạy cảm. Tại trung tâm Nghệ thuật quốc gia (Bundes-kunst-halle) thành phố Bonn, cuộc trưng bày « Napoleon và Châu Âu. Ước mơ và những chấn thương » được mở cửa từ ngày 17/12 đến 25/4, có tham vọng mang lại một cái nhìn mới về nhân vật huyền thoại này.

Hàng trăm người hâm mô lịch sử đã đóng giả làm binh sĩ, trong một cuộc phục dựng lại trận chiến Austerlitz gần thành phố Slavkov (Cộng hòa Séc) (4/12/2010). Cách đây 205 năm, đội quân của Napoleon đã giành chiến thắng trước liên quân Áo - Nga
Hàng trăm người hâm mô lịch sử đã đóng giả làm binh sĩ, trong một cuộc phục dựng lại trận chiến Austerlitz gần thành phố Slavkov (Cộng hòa Séc) (4/12/2010). Cách đây 205 năm, đội quân của Napoleon đã giành chiến thắng trước liên quân Áo - Nga REUTERS/David W Cerny
Quảng cáo

Triển lãm tập hợp hơn 400 hiện vật, được 16 nước cho mượn, bao gồm các bức họa nổi tiếng, cũng như các đồ vật chưa từng xuất hiện trước công chúng.

Theo người phụ trách, đây là cuộc triển lãm lớn nhất về Napoleon kể từ cuộc trưng bày tại cung Grand Palais (Paris), năm 1969. Cuộc triển lãm vừa khai mạc tại Đức là thành quả của cả một thế hệ các nhà sử học trẻ, đã dày công khai thác các lĩnh vực mới về một trong những nhân vật chủ chốt trong bước ngoặt lớn lao của Châu Âu giữa hai thế kỷ, XVIII và XIX.

Mục tiêu chính của triển lãm là giới thiệu Châu Âu dưới sự thống trị của Napoleon qua các đề tài chiến tranh, chính trị, quản lý hành chính, hay các tác phẩm nghệ thuật bị cướp bóc. Triển lãm tập trung mô tả các xúc cảm đầy mâu thuẫn tại Châu Âu đối với vị hoàng đế người Pháp, người thoạt tiên rất được ngưỡng mộ, rồi lại bị căm ghét tột độ.

Một trong những nhân vật tiêu biểu của « thế hệ Bonaparte », nhạc sĩ thiên tài người Đức Beethoven, đã từng đề tặng bản giao hưởng Anh hùng, tức giao hưởng số 3, cho người hùng của cách mạng Pháp. Chính ông, sau đó, đã quyết định xóa bỏ lời đề tặng, khi thấy Bonaparte tự phong làm hoàng đế năm 1804.

Các cuộc chiến tranh do Napoleon tiến hành tại Châu Âu khiến 5 triệu người chết và 10 triệu người bị thương, nhưng đồng thời cũng mang đến những cách tân quan trọng trong y học. Triển lãm này cũng nhắc lại tham vọng của Napoleon đệ nhất xây dựng một đế chế quy mô toàn cầu, với việc đưa các thành viên của gia đình mình vào vị trí đứng đầu các vương triều châu Âu.

Triển lãm của trung tâm Nghệ thuật Quốc gia Bonn được thực hiện với sự cộng tác của Bảo tàng Quân đội Pháp. Sau khi kết thúc cuộc trưng bày tại Đức, triển lãm này sẽ tiếp tục được giới thiệu với công chúng tại Paris.

Theo một giảng viên người Pháp tại đại học Technische Universität ở Berlin, nếu như những hồi ức về hoàng đế người Pháp Napoleon đệ nhất vẫn là điều nhạy cảm tại Châu Âu, thì tại Pháp nó còn phức tạp hơn nhiều. Như vậy, việc một trưng bày đầy tham vọng của Đức mạnh dạn tấn công vào chủ đề này sẽ mang lại một cái nhìn từ bên ngoài, giúp cho xã hội Pháp xây dựng lại các hình ảnh về chính bản thân mình.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.