Vào nội dung chính
TRÀO PHÚNG - PHÁP

Biếm họa : Một truyền thống Pháp

Nhân dịp báo Charlie Hebdo ra ấn bản mới đầu tiên, 14/01/2015, ngay sau vụ thảm sát man rợ của hai kẻ khủng bố cách nay một tuần, tạp chí Décryptage của RFI có cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu lịch sử về tranh biếm họa Pháp, Guillaume Doizy. Ông Guillaume Doizy điểm lại một số cội nguồn của nền hý họa Pháp, nét riêng của Charlie Hebdo cùng thách thức đối với tuần báo.

Bìa một số báo nổi tiếng của Charlie Hebdo ra năm 2006, để tỏ tình đoàn kết với một tờ báo Đan Mạch. Trong tranh, nhân vật tượng hình cho nhà tiên tri Mohammed nói : "được những kẻ ngu xuẩn yêu quý, sao khổ tôi quá !..." Tác giả bức họa là họa sĩ Cabu.
Bìa một số báo nổi tiếng của Charlie Hebdo ra năm 2006, để tỏ tình đoàn kết với một tờ báo Đan Mạch. Trong tranh, nhân vật tượng hình cho nhà tiên tri Mohammed nói : "được những kẻ ngu xuẩn yêu quý, sao khổ tôi quá !..." Tác giả bức họa là họa sĩ Cabu. DR
Quảng cáo

Sau đây là phần lược dịch cuộc trò chuyện của phóng viên RFI Nathalie Amar cùng nhà sử học (trong bài « Caricatures de presse, une tradition française »).

RFI : Biếm họa có phải bắt đầu từ thời Cách mạng Pháp ?

Không chỉ là truyền thống của Pháp. Biếm họa đã có từ trước Cách mạng Pháp rất lâu. Truyền thống biếm họa quyết liệt mang tính chính trị, như ở Charlie Hebdo, có thể ghi nhận từ thời Luther (nhà Cải cách Tin lành) hồi thế kỷ XVI. Lúc đó là thời điểm ra đời của nghề in. Các tiểu phẩm châm biếm được phổ biến rộng rãi. Nhiều tiểu phẩm đôi khi rất ghê gớm, mang tính miệt thị rất đậm nét, đặc biệt qua ngòi bút của Luther. Phong cách đó cũng được thể hiện trong một số tranh biếm họa. Vào thời điểm đó, số lượng tranh biếm họa cũng không nhiều do kỹ thuật in còn kém phát triển. Martin Luther cũng đã tìm được số họa sĩ, nghệ sĩ có thể thể hiện được các ý tưởng của ông.

Ví dụ, vào năm 1545, Martin Luther đã xuất bản một tiểu phẩm châm biếm, với 10 hình ảnh tục tĩu, hình những người phóng uế vào một chiếc vương miện, Giáo hoàng ngồi trên lưng heo nái tay ôm một "étron" (từ cũ dùng để chỉ "phân"), các tu sĩ bị treo cổ... Những hình ảnh hết sức bạo liệt. Phía đối phương cũng đáp trả với những biếm họa cũng bạo liệt không kém.

Trong thời kỳ này tại Châu Âu, diễn ra nhiều cuộc chiến tranh tôn giáo, căng thẳng giữa các quốc gia cũng được thể hiện qua những hình thức xung đột về hình ảnh, qua những bức tranh khắc, hay hình ảnh trên các huy chương.

Tại Pháp, chế độ cũ cấm đoán mọi hình thức phản kháng bằng hình ảnh, cũng như bằng văn bản. Cách mạng Pháp chính là lúc bùng nổ nhiều hình thức biếm họa. Vào thời điểm đó, do sợ hãi, người ta không ký tên vào các tranh vẽ, và phần nữa cũng vì những người vẽ không phải là các họa sĩ có tên tuổi.

RFI : Trong Cách mạng Pháp, biếm họa chế giễu những ai ?

Trong thời Cách mạng Pháp, trước hết người ta đả kích Giáo hội Công giáo, các linh mục, việc tôn giáo có mặt ở khắp mọi nơi, đả kích chế độ xã hội với tầng lớp quý tộc, đè nén người nông dân, đè nén tầng lớp thấp cổ bé họng, tầng lớp thị dân. Nhưng cũng nên biết rằng, lực lượng « phản cách mạng » bản thân họ cũng cho ra đời các biếm họa, mà đối tượng của chúng là các tư tưởng cách mạng, người yêu nước, những nhân vật cách mạng tiêu biểu.

Thoạt tiên, người ta không dám đả kích nhà vua, hiếm có ai không dám đụng chạm đến ông ta cho đến gần thời điểm vua Louis XVI bị tử hình.

RFI : Còn về biếm họa trong báo chí bình dân thế kỷ XIX thì như thế nào ?

Cần ghi nhận cái mốc 1830, tức là cuộc cách mạng Pháp lần thứ hai. Trước thời điểm này, các biếm họa được lưu truyền dưới hình thức các tờ tranh rời. Vào thời điểm này, biếm họa đã có cơ hội cộng tác với các ấn phẩm báo viết định kỳ, như các tuần báo, thậm chí nhật báo. Năm 1832, ra đời tại Pháp tờ báo trào phúng đầu tiên, tồn tại cả một thế kỷ (tờ Le Charivari).

Độc giả ngày càng thân thuộc với phong cách của báo viết và biếm họa trào phúng, châm biếm. Các quy tắc của nghệ thuật báo chí châm biếm, trào phúng được định hình rất nhanh, một phần trên cơ sở các truyền thống từ trước.

Các nhà vẽ tranh biếm họa phải đối mặt với hệ thống kiểm duyệt. Có những giai đoạn của thế kỷ XIX, hoàn toàn vắng bóng biếm họa chính trị, lúc đó chỉ có những biếm họa về phong tục, về đời sống xã hội đời thường, quan hệ con người, chuyện yêu đương… chỉ có vậy. Cho đến 1881, tự do trở lại, tất nhiên không hoàn toàn, tất nhiên là có những giới hạn. Ngay cả hiện tại, quyền tự do cũng không phải là tuyệt đối mà được chế định.

RFI : Biếm họa không chỉ của cánh tả ?

Vào cuối thế kỷ XIX, với vụ Dreyfus, về cơ bản những người vẽ biếm họa chủ yếu thuộc cánh hữu, có những cây bút lớn như Forain... Vào thời gian cuối vụ Dreyfus, có một sự thay bậc đổi ngôi, các họa sĩ cực tả chiếm vị trí thượng phong kể từ giai đoạn này.

RFI : Ai là những tiền bối của các họa sĩ Charli Hebdo ?

Daumier, Philipon, trong những năm 1830-1835. Sau giai đoạn ấy, các họa sĩ này không còn đụng chạm đến các vấn đề chính trị nữa, không còn tấn công vào các định chế, vào Nhà nước, trừ trong một số thời điểm như 1860-1870, nhưng lúc đó họ cũng đã cao tuổi.

Chúng ta có thể nêu ra một số tên tuổi khác, như báo châm biếm L’Assiette au beurre, như Grandjouan, Dellanoy… Đây là những người theo đường lối vô chính phủ, các nhà nghiệp đoàn cách mạng. Tuy nhiên, sau đó, từ những năm 1930 đến thời kỳ thành lập báo Harikiri những năm 1960, biếm họa chủ yếu theo xu hướng phản cách mạng, hay hài hước. Không có gì giống với phong cách của Charli Hebdo.

RFI : Chính là trong giai đoạn những năm 1960 và sau tháng 5/1968, mà bắt đầu phát triển nhiều loại hình báo chí « đối trọng », với các biếm họa. Vậy đâu là điểm đặc sắc của các tờ báo trào phúng như Charli Hebdo, Harikiri, Pilote hay Le Canard enchainé ?

Ra đời năm 1970, Charli Hebdo là người kế thừa Harikiri, cho dù tờ báo này tập trung vào lĩnh vực đạo đức…, còn Charli Hebdo thiên về chính trị. Rõ ràng có một điểm chung giữa hai tờ báo, là chế nhạo những kẻ ngu dốt và độc ác. Cả hai đều là các tờ báo phản kháng về đạo đức, về chính trị.

« Trên Le Canard enchainé, có những giới hạn (như tránh nói đến chết chóc, tình dục…), còn trên Charlie Hebdo, có thể nói mọi thứ, vẽ mọi thứ », nhà nghiên cứu Christian Delporte dẫn lời họa sĩ Cabu (bản tin AFP, 08/01/2015).

Le Canard enchainé có thể coi là một tờ báo « nghiêm túc » hơn. Dù là báo trào phúng, nhưng Le Canard enchainé là báo về chính trị, với các bình luận về đời sống chính trị, với các điều tra nữa. Tờ này không tìm cách tấn công chỉ để tấn công, để bảo vệ một khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó không phải là vai trò của Le Canard enchainé. Tờ này có một lối bình luận mang nhiều sắc thái hơn, ít bạo liệt hơn.

RFI : Chống lại chỉ để chống lại phải chăng là đường lối của Charli Hebdo ?

Chống lại một số biểu hiện của sự ngu muội, của sự theo đuôi…

Phong cách này không phải là của Le Canard enchainé, cho dù chính họa sĩ Cabu đã từng vẽ cho cả hai tờ báo.

RFI : Ấn bản mới nhất của Charli Hebdo sau vụ thảm sát, số ra ngày thứ Tư 14/01, với hình ảnh Mohamed trên trang nhất, ngay lập tức bị phản đối tại nhiều quốc gia Hồi giáo. Sinh thời Họa sĩ Cabu thường đặt ra trước hết quyền được đụng chạm đến tôn giáo, công kích những kẻ cuồng tín tôn giáo. Tuy nhiên, điều này công chúng nói chung, chứ không chỉ ở Pháp không sẵn sàng chấp nhận.

Chúng ta đã biết điều này từ lâu. Các họa sĩ bị giết hại chính vì điều đó. Giống như nhiều họa sĩ khác trong quá khứ, các họa sĩ Charlie Hebdo thường xuyên gặp phải những bức tường. Trước hết là Nhà nước, rồi đến các thế lực chính trị, các quyền lực kinh tế, điều sau cùng này ta nói tới rất ít, nhưng đúng là như vậy.

Quyền tự do cũng có những giới hạn. Bản thân Charlie Hebdo cũng biết thừa nhận những giới hạn của mình. Tự do ngôn luận không phải là tự do nói bất cứ điều gì, theo bất cứ kiểu gì. Cụ thể là tại Pháp, quyền tự do cũng được quy định theo luật. Các họa sĩ cũng không muốn vẽ bậy bạ.

Có những thời điểm và bối cảnh cụ thể (dẫn đến các bức họa về nhà tiên tri của đạo Hồi). Ví dụ như, các họa sĩ thấy đồng nghiệp của mình vẽ tranh về Mahommed mà bị đe dọa. Do tình đoàn kết, họ đăng lại các bức hình. Nếu không có những đe dọa như vậy, chắc sẽ không có việc họ « hình tượng hóa » Mahommed một lần nữa. Mỗi lần họ làm như vậy chính là do có một biến cố cụ thể. Ví dụ như, có những nơi người ta giết hại (những người vô tội), nhân danh quy định cấm vẽ hình Mahommed.

Quyền tự do tuyệt đối không tồn tại. Các quyền tự do (tại các quốc gia dân chủ) được quy định rất chặt chẽ. Về phần mình, tôi hiểu rằng có nhiều người cảm thấy hết sức bị sốc về các bức họa như vậy, thậm chí cảm thấy bị tổn thương. Tại sao không ?

Tuy nhiên, các họa sĩ của Charlie Hebdo họ đâu có phải là những con chiên ngoan đạo ? Họ là những người chiến sĩ, họ biết rằng có thể gây tổn thương. Nhưng không phải bởi vì bị người khác gây tổn thương về mặt tinh thần, mà mình cầm vũ khí. Nếu không đó sẽ là nội chiến.

RFI : Việc chống lại các biếm họa của ấn bản mới của Charlie Hebdo đã vượt qua ranh giới nước Pháp. Phản ứng của các giáo sĩ tại Ai Cập... Rồi tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ chủ nhật vừa rồi đến Pháp sát cánh với người Pháp phản đối khủng bố, nhưng giờ đây chính quyền Ankara cũng đã kiểm duyệt việc báo chí Thổ đăng lại trang nhất của Charlie Hebdo.

Tôi không có ảo tưởng rằng, sự có mặt của các nhà lãnh đạo như vậy tại cuộc tuần hành chủ nhật tại Paris chống khủng bố, có tác động đến thái độ của nhà cầm quyền nước đó đối với tranh biếm họa tôn giáo. Từ lâu rồi, Charlie Hebdo đã rất cô độc, liên tục phải chịu các đe dọa phá hoại, giết hại…

Việc Charlie Hebdo ra ấn bản mới với hình vẽ Mahommed cho thấy, quyết tâm của các nhà báo tiếp tục cuộc đấu tranh, bất chấp các đe dọa. Tiếp tục tư thế hiên ngang của mình.

Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi rất nhiều người, không kể thành phần tôn giáo cực đoan sẽ cảm thấy bị xúc phạm vì các bức họa với hình Mahommed trên ấn phẩm mới.

Việc hàng triệu người ồ ạt mua Charli Hebdo số mới không hẳn do đồng quan điểm với tờ báo. Hiện tượng một tờ báo đại diện cho một quan điểm thiểu số, sau thảm kịch nói trên, đột nhiên nhận được sự ủng hộ của nhà nước, bởi các định chế, bởi hàng chục nguyên thủ, và người đứng đầu chính phủ, đặt ra cho chính Charlie Hebdo một thách thức.

Charlie Hebdo đã trở thành một tờ báo của Nhà nước (của nhiều Nhà nước). Nhiều người ở khắp nơi trên thế giới tin rằng, tờ báo được chính phủ nhiều nước có mặt trong cuộc tuần hành ngày Chủ nhật 11/01 ủng hộ. Trong khi đó chính sách của các chính phủ đó lại bị Charlie Hebdo phản đối. Tôi cho rằng thách thức chủ yếu của Charlie Hebdo hiện nay là trong số tới, tờ báo trào phúng châm biếm này phải nối lại được với đường lối độc lập của chính mình.

Xin cảm ơn Guillaume Doizy.

Nhà nghiên cứu Guillaume Doizy là người phụ trách trang mạng caricaturesetcaricature.com, chuyên về lịch sử biếm họa chính trị. Ông là tác giả nhiều cuốn khảo cứu về chủ đề này, như "Présidents, poil aux dents - 150 ans de caricatures présidentielles !" (2012), "Bêtes de pouvoir - Caricatures du XVIe siècle à nos jours" (2010), "Et Dieu créa le rire, caricature et satire de la Bible" (2006). 

 

Cabu và các họa sĩ Charlie không đơn độc

Giới truyền thông nước Pháp đã có nhiều hoạt động để nhớ đến những người đã ngã xuống vì quyền tự do ngôn luận, vì quyền châm biếm, trào phúng. Một hoạt động đáng chú ý : sau cuộc tuần hành lịch sử chiều 11/01, đài Radio France và đài France Télévision, cùng Bộ Văn hóa và truyền thông đã tổ chức một tối « Je suis Charlie/Ủng hộ Charlie Hebdo và các nạn nhân », tại nhà hát của Maison de la Radio. Trong buổi tối cảm động này, có một tiết mục đặc biệt « Bistro paradis », hai họa sĩ Cabu et Wolinski – do các diễn viên hài thủ vai – gặp lại nhau, trong niềm sảng khoái bất tận như khi hai ông còn sống, tiếp tục bình luận về những điều kỳ lạ trên trần thế, ngay sau biến cố vừa qua. [Toàn bộ chương trình có thể truy cập trên trang web của đài France inter hay một số cơ sở tham gia vào chương trình]

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.