Vào nội dung chính
PHÁP

Nguy cơ bạo động chống Hồi giáo tăng cao sau vụ khủng bố ở Paris

Chỉ vài giờ sau vụ khủng bố đẫm máu tại Tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo ở trung tâm Paris vào hôm qua, 07/01/2015, đã có ít nhất ba vụ tấn công nhỏ vào nơi thờ phụng của người Hồi giáo tại Pháp. Các sự cố này đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bạo động bùng lên, không chỉ tại Pháp, mà cả tại nhiều nước Châu Âu khác, với cộng đồng người Hồi giáo là nạn nhân. 

Cảnh sát điều tra xung quanh nhà thờ Hồi giáo tại khu  phố des Sablons, Mans, ngày 8/1/ 2015 sau vụ tấn tấn công đêm trước.
Cảnh sát điều tra xung quanh nhà thờ Hồi giáo tại khu phố des Sablons, Mans, ngày 8/1/ 2015 sau vụ tấn tấn công đêm trước. AFP PHOTO / JEAN-FRANCOIS MONIER
Quảng cáo

Theo các nguồn tin tư pháp vào hôm nay, 08/01, được hãng AFP trích dẫn, ngay từ khuya hôm qua, vài tiếng đồng hồ sau vụ quân khủng bố hô khẩu hiệu xưng tụng Hồi giáo xả súng sát hại 12 người tại trụ sở báo Charlie Hebdo ở Paris, tại thành phố Le Mans, miền tây nước Pháp, kẻ lạ mặt đã ném ba quả lựu đạn dùng để huấn luyện, đồng thời nổ súng vào một đền thờ Hồi giáo tại một khu phố bình dân.

Ở thành phố Port-La-Nouvelle (miền nam), vào lúc tối, hai phát súng cũng được bắn về phía một phòng cầu nguyện của người Hồi giáo. Đến sáng sớm hôm nay, một vụ nổ có nguồn gốc tội phạm cũng xảy ra ở phía trước của một nhà hàng bán thịt nướng kiểu Ả Rập kebab gần một đền nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Villefranche-sur-Saône, miền trung nước Pháp.

Theo các nhà quan sát, các sự cố kể trên rất có thể là hành vi trả đũa vụ thảm sát tại Paris, được ghi nhận là đẫm máu nhất ở Pháp trong vòng 50 năm nay, với thủ phạm xả súng giết hại 10 nhà báo và hai nhân viên công lực, miệng hô vang khẩu hiệu truyền thống của người Hồi giáo « Allah akbar » (tạm dịch là Thượng đế vĩ đại).

Với vòng xoáy bạo động giữa các thành phần quá khích từ cả hai phía như đã được khởi động, giới phân tích đang rất lo ngại về nguy cơ cộng đồng người Hồi giáo tại Pháp nói riêng, và tại Châu Âu nói chung, trở thành nạn nhân của những vụ bạo hành và kỳ thị, trong bối cảnh các hành vi tàn ác dã man của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông đang gây phẫn uất trong dư luận phương Tây.

Theo ông Marc Pierini, cựu Đại sứ Pháp, đồng thời là một nhà ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu : « Điều đáng lo ngại là vụ thảm sát như vậy ngay tại trung tâm Paris, sẽ kích động thêm tâm lý bài ngoại và bài Hồi giáo ».

Trên trang Facebook của mình, ông Luciano Rispoli, một nhà ngoại giao Pháp công tác tại Baghdad cũng lưu ý : « Ở đâu cũng có những kẻ điên. Do đó không nên lầm kẻ thù, và lẫn lộn giữa đức tin và sự cuồng tín, giữa lòng ngoan đạo và thái độ sùng đạo cực đoan ».

Nỗi lo ngại đặc biệt mạnh mẽ tại Pháp, nơi dung thân của một cộng đồng Hồi giáo lớn nhất nhì Châu Âu, trong lúc Nhà nước Pháp lại rất tích cực trong cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Châu Phi, cũng như lực lượng thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Syria.

Trong một vài năm gần đây, tâm lý bài Hồi giáo đã có dấu hiệu được tăng cường tại Pháp, thể hiện qua hai thực tế : Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia ngày càng có thêm nhiều kết quả tốt trong các cuộc bầu cử, và một số nhân vật nổi tiếng không ngần ngại công khai thể hiện quan điểm bài Hồi giáo, như nhà bình luận Eric Zemmour, tác giả môt quyển sách ăn khách tố cáo nạn nhập cư là một trong những nguyên do gây bất hạnh cho nước Pháp.

Căng thẳng cũng sẽ trầm trọng thêm tại Đức, nơi cũng có một cộng đồng Hồi giáo đông đảo – chủ yếu là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Tình trạng căng thẳng đã bắt đầu gia tăng rõ nét với sự vươn lên của phong trào chống « Hồi giáo hóa » Pegida, phát sinh từ thành phố Đông Đức Dresden. Vụ thảm sát tại Paris được cho là sẽ thêm củi lửa cho phong trào bài Hồi giáo này.

Cựu Đại sứ Pháp Marc Pierini, đồng thời thành viên Hiệp hội Fondation Carnegie Châu Âu dự đoán bi quan : « Chúng ta đang ở trong một loại vòng luẩn quẩn… » vì vụ khủng bố ở Paris và các cuộc biểu tình bài Hồi giáo ở Đức « sẽ nuôi dưỡng lẫn nhau ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.