Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Cấm vận phương Tây đè nặng trên kinh tế Nga

Có những dấu hiệu không thể nhầm lẫn. Sau khi đã tuột giá nặng nề so với đồng đô la Mỹ vào cuối tuần qua, tỷ giá đồng rúp của Nga vào sáng nay, 15/09/2014 lại rơi xuống một mức thấp kỷ lục mới. Cộng thêm với tác hại đến từ việc giá dầu quốc tế sụt giảm đối với một nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu khí, nước Nga bắt đầu thực sự cảm nhận sức ép từ các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, được ban hành vào cuối tuần trước. 

Đồng rúp mất giá.
Đồng rúp mất giá. REUTERS/Shamil Zhumatov
Quảng cáo

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, ngay sau khi thị trường tài chánh Matxcơva mở cửa vào sáng nay, đồng rúp của Nga đã tiếp tục đà xuống dốc so với hai loại ngoại tệ chủ chốt là đồng đô la Mỹ và đồng euro châu Âu. 

Vào lúc 06g06 giờ Quốc tế, đồng tiền Nga được giao dịch ở mức 38 rúp ăn một đồng đô la, giảm 0,6% so với tỷ giá vào lúc thị trường đóng cửa hôm thứ Sáu tuần trước, một tỷ giá vốn dĩ đã là thấp kỷ lục. So với đồng euro, đồng rúp cũng giảm giá xuống đến mức phải cần đến 49,22 rúp mới đổi được một euro.

Đối với các nhà phân tích, một trong những nguyên nhân làm cho đồng tiền Nga tuột giá kỷ lục là sự kiện phương Tây vừa quyết định thêm một loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào Matxcơva để buộc Tổng thống Putin xét lại chính sách can thiệp quân sự vào nước láng giềng Ukraina.

Các biện pháp trừng phạt mới này lại càng tai hại hơn nữa khi nhắm vào ngành dầu khí tối quan trọng đối với Nga mà thu nhập lệ thuộc rất nhiều vào ngành dầu khí, vừa cần bán ra ngoài, vừa cần công nghệ và vốn liếng ngoại quốc để nâng cao năng lực sản xuất.

Đối với các đại tập đoàn Nga trong ngành dầu khí, từ Gazprom, Gazprom Neft, cho đến Rosneft, Surgutneftegas, và thậm chí Lukoil, một tập đoàn dầu hỏa tư nhân Nga có máu mặt trên trường quốc tế, các biện pháp trừng phạt của châu Âu và Hoa Kỳ được cho là sẽ « đóng băng » hoặc cản trở rất nhiều đề án mà Nga cần phải hợp tác với phương Tây để tiến hành.

Hãng tin Anh Reuters vào hôm qua (14/09/2014) xác định là sẽ có hàng chục đề án cộng tác với giữa Rosneft và Gazprom Neft của Nga với Exxon của Mỹ, Royal Dutch Shell của Hà Lan, Statoil của Na Uy hay và Eni của Ý bị đe dọa. Nổi bật nhất trong các dự án này là một kế hoạch khoan dò quan trọng mà tập đoàn Mỹ Exxon Mobil liên doanh với Rosneft đã bắt đầu ở vùng Bắc Cực thuộc Nga vào tháng Tám vừa qua.

Tầm quan trọng của các đề án hợp tác giữa Matxcơva và phương Tây rất lớn vì Nga, nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai, đang muốn dựa vào các trữ lượng ở Bắc Cực và nguồn dầu đá phiến để bù đắp đà suy kiệt của các mỏ hiện hữu ở vùng Siberia, sao cho duy trì được mức sản xuất khoảng 10,5 triệu thùng mỗi ngày.

Rosneft chẳng hạn, có khoảng 44 mỏ dưới Bắc Cực và Hắc Hải, với trữ lượng ước tính khoảng 300 tỷ thùng, mà tập đoàn Nga muốn cùng khai thác với Exxon, Eni và Statoil.

Theo Washington, với các lệnh cấm vừa được ban hành, ngành dầu khí Nga chắc chắn sẽ gặp khó khăn vì không tài nào tìm được nguồn cung cấp công nghệ và dịch vụ nào khác để thay thế.

Không phải là Nga đã không nghĩ đến cách giảm lệ thuộc vào công nghệ khai thác dầu mỏ của Âu Mỹ. Mới đây, Igor Sechin, một người thân cận của Tổng thống Putin lãnh đạo tập đoàn Rosneft, đã cho biết là nhóm của ông đã thông qua một chương trình để thay thế tất cả các công nghệ phương Tây.

Có điều là mục tiêu đó chỉ được hoàn thành trong trung hạn, và như nhận định của ông Valery Nesterov, thuộc Ngân hàng Sberbank - cũng là mục tiêu của lệnh trừng phạt – tình hình đã quá trễ : « Các công ty Nga đã không đầu tư đủ vào nghiên cứu và công nghệ, họ dựa vào công nghệ phương Tây và bây giờ thì đã quá muộn ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.