Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Trung Quốc : Khủng bố tinh thần là phương pháp trấn áp

Phô trương gân bắp tại Bắc Kinh, bạo lực gia tăng tại Hồng Kông là hai chủ đề chính trên trang châu Á của báo Pháp hôm nay bên cạnh hai hồ sơ nóng trong nội tình nước Pháp : Nỗi bất bình của nhân viên công lực và tâm trạng hoang mang của cư dân thành phố Rouen, sau vụ cháy nhà máy sản xuất dầu nhớt gây ô nhiễm môi trường.

Cảnh sát chống bạo động được huy động trấn áp biểu tình tại Hồng Kông ngày 1/10/2019.
Cảnh sát chống bạo động được huy động trấn áp biểu tình tại Hồng Kông ngày 1/10/2019. REUTERS/Tyrone Siu
Quảng cáo

Quốc khánh và quốc táng

Tập Cận Bình biểu dương vũ khí, phe dân chủ ở Hồng Kông ban bố « quốc táng », tựa của Le Monde, một ngày sau đại lễ đánh dấu 70 năm đảng Cộng sản cầm quyền tại Trung Quốc. Tương tự, Les Echos đề tựa : Trung Quốc phô trương lực lượng trong lúc tại Hồng Kông, bạo lực gia tăng, một học sinh bị bắn trọng thương.

Đối với Le Monde, đại lễ « quốc khánh » của Trung Quốc chỉ làm nổi bật ngày uất hận hay « ngày quốc táng » mà phong trào dân chủ Hồng Kông phát động cùng ngày với quyết tâm phá hỏng lễ hội mà Bắc Kinh muốn được hoành tráng.

Cuộc diễn binh tại quảng trường Thiên An Môn với 15 ngàn quân, hàng loạt vũ khí hiện đại và 100 ngàn người dự có chọn lọc mang ý nghĩa gì ? Nhật báo độc lập trích nhận định của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp : "Không những Trung Quốc chứng tỏ khả năng canh tân kho vũ khí hạt nhân một cách nhanh chóng từ phẩm đến lượng, mà còn thể hiện khả năng cải tiến lực lượng tấn công quy ước ».

Theo bộ máy tuyên truyền, « phép lạ Trung Quốc và sức mạnh quân sự của Trung Quốc » dưới ngọn cờ lãnh đạo của đảng Cộng sản, là « để phục vụ hòa bình ». Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, không có vấn đề nhìn lại 70 năm lịch sử một cách khách quan, cũng không có chuyện xem xét tội ác của Mao Trạch Đông.

Trong khi Bắc Kinh phô trương cơ bắp thì tại Hồng Kông, cảnh sát của chính quyền thân Bắc Kinh cũng gia tăng bạo lực đàn áp phong trào dân chủ. Bất chấp lệnh cấm biểu tình, hàng chục ngàn người xuống đường, để phá ngày « quốc khánh » của Trung Quốc và gọi ngày 01/10 là « ngày quốc táng ». Bạo lực tăng thêm một nấc với sự kiện lần đầu tiên cảnh sát đàn áp bằng đạn thật, bắn thẳng vào ngực một học sinh 18 tuổi làm công luận căm phẫn thêm. Hệ quả là chương trình bắn pháo hoa bị hủy bỏ.

Với những tựa không khác gì nhiều so với đồng nghiệp Le Monde, nhật báo kinh tế Les Echos đặt thêm câu hỏi về mục tiêu chiến lược của Tập Cận Bình. Với ngân sách quốc phòng 175 tỷ đô la, Trung Quốc chỉ đứng sau Hoa Kỳ về chi tiêu quân sự, nhưng cũng đầy những điểm yếu vì đảng cố gắng chạy đua : có hàng không mẫu hạm, nhưng không có hạm đội tháp tùng.

Tàu ngầm nhiều nhưng động cơ ồn ào, khả năng chống tàu ngầm của hải quân rất yếu. Khả năng hành quân phối hợp các binh chủng khác nhau chưa hoàn chỉnh, còn thua xa quân đội Mỹ và liên minh NATO một khoảng cách dài.

Thế nhưng, Tập Cận Bình chấp nhận rủi ro, phô trương cơ bắp với Đài Loan, Nhật Bản và Đông Nam Á để làm gì ? Qua chiến lược quân sự hóa Biển Đông, Trung Quốc đã giành được thế thượng phong trong mưu đồ từng bước khống chế vùng biển này, nhận định của một chuyên gia trên báo kinh tế Pháp.

Hù dọa của đảng và kế hoạch A,B,C… của dân

Vì sao nói đến Trung Quốc là nói đến sức mạnh khống chế, đàn áp ? Người dân Hoa lục và Hồng Kông nghĩ gì ? Câu trả lời ở trên Libération và Le Figaro.

Khủng bố tinh thần làm cho dân sợ hãi là phương pháp được đảng Cộng sản Trung Quốc thích sử dụng nhất. Vào lúc Trung Quốc tổ chức quốc khánh ở Bắc kinh thì cách đó 2000 cây số, bạo lực tăng thêm ở Hồng Kông. Đó là phóng sự của thông tín viên của nhật báo thiên tả Libération về tình hình Hồng Kông ngày 01/10.

Một đoàn xe cảnh sát chạy vụt qua trong tiếng sỉ vả của người dân : « đó, ngày quốc khánh của các anh đấy ». Một học sinh 18 tuổi bị cảnh sát bắn thẳng vào ngực, một thành phố bị « cảnh sát trị », giăng bủa kiểm soát khắp nơi. Một thanh niên cứu hộ của Hội Chữ Thập Đỏ tên John cho biết : "tất cả xe bus, xe taxi đi ngang qua một trạm kiểm sóat đều bị khám xét. Người dân có thể bị bắt vì có cây kéo trong ba lô. Làm cho dân sợ là phương pháp của đảng Cộng sản". John khẳng định : "Chúng tôi đang ở Trung Quốc nhưng chúng tôi không phải là Trung Quốc, chúng tôi bác bỏ chế độ chuyên chế của đảng Cộng sản, chúng tôi từ chối trở thành Tân Cương".

John nhận định một cách chế nhạo về ngày lễ quốc khánh : "Đảng Cộng sản là một thảm họa của nước Trung hoa. Với thảm sát Thiên An Môn, với chính sách bắt giữ tùy tiện, bắt cóc các nhà hoạt động nhân quyền, kích động người dân tố giác nhau và kiểm duyệt thông tin, đó là thành quả tuyệt vời của 70 năm".

Để đối phó với dân Hồng Kông, báo South China Morning Post cho biết lực lượng Trung Quốc đóng tại Hồng Kông đã nhận được trang thiết bị mới chống chiến tranh du kích trong thành phố. Thông tin này càng làm không khí căng thẳng thêm. Trong hàng ngũ người biểu tình không ít trẻ con 12, 13 tuổi. Nhân viên Chữ Thập Đỏ bảo hai đứa bé về nhà, ở đây nguy hiểm. Nhà báo Libération nghe câu trả lời như sau : "Đời sống đâu còn ý nghĩa gì nếu mất tự do suy nghĩ, tự do tập họp. "

Thế còn thành phần ủng hộ chế độ, tâm trạng của họ ra sao ? Trong bài « Đế Quốc Đỏ », nhật báo thiên hữu Le Figaro phân tích : "Cái gọi là đại đoàn kết dân tộc mà chế độ biểu dương chỉ là lớp sơn bề mặt. Thực tế rất thê thảm : Đó là có 800 triệu người « nô lệ mới » cả tin vào tuyên truyền không một chút suy nghĩ".

Bên cạnh đó là 400 triệu người được quyền học cao, đi du lịch và hiểu biết. Họ lo ngại kinh tế Trung Quốc sẽ bị suy thoái. Thành phần được may mắn này không ưa gì Tập Cận Bình, nhưng họ không lên tiếng. Vì ích kỷ, họ không dám chấp nhận rủi ro chống chế độ. Một luật sư chuyên về di trú cho biết : "Thành phần này tính các phương án khác nhau : kế hoạch A đi Mỹ, kế hoạch B đi Úc, kế hoạch C chạy sang Bồ Đào Nha…"

Ả Rập Xê Út : Bóng ma nhà báo bị thủ tiêu

Hôm nay là đúng một năm ngày nhà báo đối lập với chế độ Ả Rập Xê Út, Jamal Khashoggi bị thủ tiêu trong toà lãnh sự của Ryad tại Thổ Nhĩ Kỳ. La Croix không để cho thái tử nối ngôi thảnh thơi xóa mờ vụ án.

Mohammed Ben Salman đang ở trong thế tế nhị từ chính trị nội bộ cho đến nên ngoài. Chưa bao giờ Ryad bỏ tiền ra để quảng cáo du lịch trên các đài và trên internet như trong vài tháng gần đây. Thủ tục cấp chiếu khán nhập cảnh được đơn giản hóa. Nhưng liệu có xóa mờ nghi án thái tử nối ngôi ra lệnh thủ tiêu nhà báo đối lập Jamal Khashoggi hay không ? La Croix không mấy tin bởi vì ngày càng nhiều thông tin bị tiết lộ.

Điều đáng lo cho thái tử nối ngôi là diễn tiến tình hình trong và ngoài nước đều bất lợi. Về kinh tế, hai trung tâm dầu hỏa bị tấn công càng làm lộ rõ thêm nhược điểm của Ryad. Không những Mohammed Ben Salman không dám ra tay trả đũa Iran mà ông còn « bỏ tiền túi » ra để ổn định giá dầu.

Về quân sự, sau năm năm can thiệp vào Yemen chống phe Houthi, Vương quốc không diệt được lực lượng đối nghịch mà còn không lấy lại được một vùng lãnh thổ nào.

Về ngoại giao, Ả Rập Xê Út mất bạn Qatar và từ một năm nay, bị đồng minh Hoa Kỳ theo dõi nhất cử nhất động.

Lại … ông Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump, lại vướng vào nghi án lạm dụng đặc quyền để phục vụ lợi ích cá nhân : sau vụ điện đàm với tổng thống Ukraina phá Joe Biden, bây giờ đến tai tiếng nhờ cậy thủ tướng Úc đánh Mueller.

Theo Le Figaro, cú điện thoại của tổng thống Donald Trump gọi thủ tướng Úc Scott Morrison không nghiêm trọng bằng cuộc điện đàm với tổng thống Ukraina vì không có gây áp lực. Tuy nhiên, nội dung được Nhà Trắng xếp vào loại tài liệu mật là một việc đáng nghi. Thứ hai là cuộc điện đàm với thủ tuớng Úc chỉ bị tiết lộ sau khi thủ tục truất phế được khởi động. Điều này càng khẳng định là Donald Trump lạm dụng thẩm quyền để phục vụ lợi ích cá nhân, chồng chéo ngoại giao với chính trị nội bộ.

Pháp : Dân chúng than phiền chính phủ, cảnh sát bất mãn.

Không một nhật báo nào là không nói và không phân tích về vụ cháy nhà Mazsy Lubrrizol chế tạo nhớt ở Rouen, nằm ngay khu dân cư cách nay một tuần. Với bức ảnh một làn khói đen bốc lên từ một khu phố che mờ thành phố ở miền tây-bắc, La Croix phản ảnh bất bình và lo âu của dân cư : "Nhà nước không trấn an được dân chúng".

Chọn bức ảnh một người cha, mang khẩu trang, bồng đứa con nhỏ trên tay, đi biểu tình, Libération kêu gọi « phải ra khỏi hỏa mù », ám chỉ phản ứng thiếu hiệu quả của chính phủ trước tình trạng ô nhiễm hóa chất một khu vực hơn 20 cây số đường kính. Giới chăn nuôi được lệnh hủy bỏ thu hoạch rau trái và sữa bò. Thế mà chính phủ chỉ mới thông báo được tên của ba, bốn hóa chất bị cháy.

Trong bài xã luận, La Croix và Le Figaro cùng kết luận « lòng dân nghi ngờ, Nhà nước nói gì họ cũng không tin » Đó là hậu quả của nhiều thảm nạn trong quá khứ bị che dấu. Vụ nổ Chernobyl ở Liên Xô cũ năm 1986, được chính phủ thời đó trấn an là « mây phóng xạ dừng lại ở biên giới Đức ». 1986, chưa có internet, chưa có « tin giả » trên mạng. Bây giờ với thông tin điện tử khó kiểm chứng, khí độc bốc lên ở Rouen, ngay trong nước, chính phủ trấn an bằng cách nào ? Cả hai tờ báo đều nhấn mạnh : "phải nhìn nhận sai lầm để ươm lại niềm tin".

Hồ sơ nóng thứ hai là cuộc biểu tình phản kháng của cảnh sát Pháp. Libération tóm gọn các nguyên nhân gây bất bình trong ngành an ninh trật tự : Cơ quan xuống cấp, trang thiết bị cũ kỹ điều kiện làm việc suy thoái, thêm giờ phụ trội thường xuyên, nhất là từ khi xảy ra khủng hoảng « áo vàng », đời sống gia đình xáo trộn. Hệ quả cụ thể là từ đầu năm đến nay có hơn 50 vụ tự sát.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.