Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Trung Quốc và gáo nước lạnh từ Donald Trump

 Sự kiện tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump công khai chọc tức Trung Quốc tiếp tục được báo Pháp ngày 08/12/2016 chú ý phân tích, bên cạnh hồ sơ nóng quốc tế là chiến sự Syria diễn biến rất thuận lợi cho chính quyền Bachar al-Assad. Về nước Pháp, hồ sơ được quan tâm nhiều nhất là tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Paris, buộc chính quyền phải ban hành biện pháp hạn chế lưu thông.

Donald Trump phát biểu ngay sau khi thắng cử tổng thống Mỹ ngày 09/12/2016 tại Mahattan, New York.
Donald Trump phát biểu ngay sau khi thắng cử tổng thống Mỹ ngày 09/12/2016 tại Mahattan, New York. REUTERS/Mike Segar/File Photo
Quảng cáo

Dưới tựa đề « Trung Quốc báo động trước ý định của Donald Trump », nhật báo Le Monde nêu bật sự kiện tổng thống Mỹ vừa đắc cử đã khiến Bắc Kinh hết sức bực bội khi chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Bài báo của thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh, Brice Pedroletti, trước hết ghi nhận « gáo nước lạnh » mà ông Donald Trump vừa đổ lên đầu Trung Quốc với hai hành động : Cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan ngày 02/12/2016, và sau đó là tin nhắn trên mạng Twitter cực lực đả kích Trung Quốc và nhất là đã nhắc đến việc Trung Quốc hoành hành tại Biển Đông.

Theo tờ báo Pháp, Bắc Kinh quả là đã vui mừng quá sớm khi thấy Donald Trump chiến thắng của trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Họ từng cho rằng dù sao chăng nữa thì ông Trump vẫn là một doanh nhân thực dụng, và những lập luận bảo hộ mậu dịch của ông – có hại cho Trung Quốc - trong thời gian qua chẳng qua cũng chỉ là những chiêu bài tranh cử mà thôi.

Chính trong bối cảnh đó mà Trung Quốc đã phải ngỡ ngàng trước hai động thái mới đây của ông Trump, và các chuyên gia Trung Quốc đã phải vội vàng lên tiếng cảnh báo.

Trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 06/12, ông Thời Ân Hoằng (Shi Yin Hong) giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Mỹ tại Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh đã kêu gọi : « Hành động của ông Trump đã nhắc nhở giới truyền thông, giới nghiên cứu và người dân chúng ta là có lẽ chúng ta đã có cái nhìn quá tích cực về chính sách Trung Quốc trong tương lai của ông Trump ».

Trump đề cập đến Biển Đông là cú sốc

Đối với Le Monde, chính việc ông Trump trong tin nhắn twitter của mình ngày 04/12 lên tiếng tố cáo việc Trung Quốc « xây một khu phức hợp quân sự lớn giữa Biển Đông », là cú điểm huyệt đau điếng nhất đối với Trung Quốc.
Trên tờ Global Times, một chuyên gia Học Viện Quan Hệ Quốc Tế thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Thượng Hải nhận xét : « Việc đề cập đến Biển Đông là một cú sốc ».

Đối với chuyên gia này : « Các nhà quan sát quan hệ Mỹ-Trung có thể nói rằng, ngoài vấn đề Đài Loan hiện nay, họ có thêm một mối quan tâm mới : Tranh chấp Biển Đông » Khu « phức hợp quân sự » mà ông Trump nói đến chính là các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp tại Trường Sa trong khoảng thời gian từ giữa năm 2013 đến năm 2015.

Le Monde ghi nhận là đối với một số chuyên gia phân tích, ngay cả chiến lược xoay trục qua châu Á của ông Obama, bị Bắc Kinh xem là một âm mưu nhằm « bao vây » Trung Quốc, chiến lược có khả năng chẳng thấm vào đâu so với những gì mà ông Donald Trump có thể làm một khi ông chính thức lên cầm quyền.

Vương Bình (Wang Peng), một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại Học Phúc Đán ở Thượng Hải khẳng định : « Chúng ta không thể phủ nhận rằng sẽ có nhiều căng thẳng hơn trong quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ với ông Donald Trump, vấn đề lại càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi vì chênh lệch về sức mạnh giữa hai nước đang giảm (theo hướng có lợi cho Trung Quốc) ». Thậm chí một chuyên gia Trung Quốc khác còn đề nghị Bắc Kinh tăng cường quan hệ với Mêhicô !

Theo Le Monde, Bắc Kinh bắt đầu nhận ra rằng quả thực ông Trump rất bị ảnh hưởng của các học giả hay chính khách trong đảng Cộng Hòa rất có ác cảm với sự vươn lên của Trung Quốc. Một ví dụ được tờ báo Pháp nêu bật là ông Peter Navarro, cố vấn cho ông Trump về các vấn đề thương mại trong chiến dịch vận động tranh cử.

Nhân vật này là tác giả một quyển sách đả kích gay gắt chủ nghĩa quân phiệt Trung Quốc, xuất bản năm 2015 dưới tựa đề « Ngọa hổ : Chủ nghĩa quân phiệt Trung Quốc có ý nghĩa ra sao đối với thế giới - Crouching Tiger : What China's Militarism Means for the World) ». Trong một bài biên khảo trên chuyên san The National Interest tháng Bảy vừa qua với tựa đề « Hoa Kỳ không thể bỏ rơi Đài Loan », ông Navarro viết: « Trước các hành vi xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đã đến lúc Hoa Kỳ phải dấn thân mạnh hơn nữa vào việc hiện đại hóa khả năng phòng thủ của Đài Loan ».

Syria : Aleppo thất thủ, kẻ thắng cũng là Putin

Như nói ở trên báo Pháp hôm nay đã dành rất nhiều bài cho tình hình Syria, nêu bật khả năng quân đội của tổng thống Bachar al-Assad sắp toàn thắng tại mặt trận Aleppo ở miền đông Syria, và đánh bật lực lượng nổi dậy ra khỏi cứ địa của họ.

Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : « Khả năng Aleppo sắp thất thủ đánh dấu việc Bashar al-Assad trở lại mạnh mẽ ». Đối với tờ báo Pháp, kẻ chiến thắng không chỉ là tổng thống Syria, mà còn là tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đối với tờ báo : " Kể từ ngày Chiến Tranh Lạnh kết thúc đến nay, chưa bao giờ phương Tây lại bất lực trước nước Nga như vậy, một nước Nga làm chủ cuộc chơi (tại Syria) một cách rất đế vương…" Phương Tây tỏ ý « quan ngại » trước tình hình Aleppo, trong lúc Putin thì có hành động « quan tâm » đến vấn đề này theo kiểu của ông. Cách biệt về hiệu quả việc làm của hai bên lớn đến mức chóng mặt. Tại Syria, ông Putin là người duy nhất có quyết tâm dồn sức đảo ngược so sánh lực lượng và kết quả đã được thấy rõ.

Theo Le Figaro, đã đến lúc phương Tây phải xem xét lại chiến lược của mình, « để khôi phục lại một chính sách ngoại giao hòa hợp được các nguyên tắc và thực tế hiện trường, để không bao giờ nói ra một điều gì đó mà không có một hành động để thực hiện ». Le Figaro kết luận : Sau nguyên tắc không Bashar al-Assad và không Daech, một nguyên tắc « không-không » khác cần phải được áp dụng. Đó là « Không ngây thơ và cũng không nhẫn tâm ».

Pháp bị ô nhiễm không khí : Vẫn thiếu cách đối phó

Về tình hình nước Pháp, các vấn đề chính trị như đã bị báo giới hôm nay đưa xuống hàng thứ hai, sau hồ sơ ô nhiễm không khí tại thủ đô Paris. Tựa chính của tờ Le Figaro tóm gọn vấn đề như sau : « Ô nhiễm : Hiệu quả của việc hạn chế lưu thông không chắc chắn ».

Tờ báo ghi nhận là thủ đô Pháp đang trải qua một đỉnh cao ô nhiễm không khí vào mùa đông nặng nề nhất, và kéo dài nhất từ hơn một chục năm nay. Để giảm bớt ô nhiễm, chính quyền đã quyết định một loạt biện pháp như hạn chế xe hơi cá nhân lưu thông tại Paris và vùng phụ cận tùy theo biển số chẵn hay lẻ, giảm mức vận tốc tối đa cho xe chạy trên các trục lộ chính, cấm xe vận tải hạng nặng vào thành phố… Các biện pháp này vẫn được áp dụng cho đến hôm nay tại vùng Paris, và kể từ ngày mai sẽ được áp dụng cho khu vực thành phố Lyon và Vlilleurbanne ở miền Nam.

Vấn đề là hiệu quả làm sạch không khí của các biện pháp trên rất hạn chế vì lẽ quyết định có vẻ không được tuân thủ. Lưu thông trong mấy ngày qua chỉ giảm được từ 5 đến 10% mà thôi.

Báo Libération thì chỉ trích giới chính khách, có vẻ rất dửng dưng trước nạn ô nhiễm không khí. Tờ báo ghi nhận là đỉnh cao ô nhiễm không chỉ xuất hiện ở Paris, mà còn được thấy ở rất nhiều nơi trên đất Pháp, ở Dunkerque, Calais, Lille, tại miền Bắc, hay Lyon ở miền Nam, hoặc vùng Savoie ở miền Đông Nam.

Vấn đề là ô nhiễm như vậy, nhưng các nhà làm chính trị thì lại im hơi lặng tiếng. Dĩ nhiên là ông Yannick Jadot, ứng cử viên đại diện các đảng sinh thái ở Pháp ra tranh cử tổng thống vào năm tới, đã lên tiếng tỏ thái độ phẫn nộ, và thị trưởng Paris bà Anne Hidalgo, đã lên tiếng báo động từ hơn một tuần lễ nay.

Thế nhưng, Libération đã thấy là từ bộ trưởng Môi Trường, bà Ségolène Royal, cho đến bộ trưởng Y Tế, bà Marisol Touraine, không thấy ai lên tiếng.  Đối với La Croix, thái độ dửng dưng rất đáng phê phán vì hàng năm tại Pháp, ô nhiễm không khí đã khiến cho khoảng 48.000 người bị chết sớm.

Tài liệu Snowden : Tình báo Mỹ-Anh nghe trộm điện thoại hành khách máy bay

Riêng báo le Monde hợp tác với site web The Intercept - của hai người được cựu nhân viên tình báo Mỹ Snowden trao cho các tài liệu mật mà anh thu thập được - đã phân tích tiếp tục kho tài liệu đó và khám phá ra một hoạt động theo dõi mới của hai cơ quan tình báo Mỹ và Anh : Đó là nghe trộm các trao đổi, liên lạc điện thoại trên các chuyến bay dân dụng.

Theo Le Monde, như vậy là cơ quan NSA của Mỹ và đồng nghiệp GCHQ của Anh có thể có được mọi loại dữ liệu, kể cả mật mã của những người đã sử dụng điện thoại thông minh khi đi trên các chuyến bay của hầu hết các hãng, đặc biệt là hãng Air France.

Việc thu thập dữ liệu được thực hiện đúng lúc « sự kiện diễn ra », và để nghe lén một điện thoại, chỉ cần máy bay ở độ cao 10.000 feet. Tín hiệu được vệ tinh thu lấy và được thu thập qua các ăng ten đặt bí mật dưới đất. Đối chiếu số hiệu phi cơ với danh sách hành khách và số của máy bay, thì các cơ quan tình báo có thể biết tên người dùng điện thoại.

Điểm đáng nói là cơ quan GCHQ có thể từ xa gây nhiễu trên điện thoại của người mà họ muốn nghe trộm, buộc người này khởi động lại điện thoại, sẽ phải bấm mật mã và như vậy là tình báo Anh ghi lại được ngay mật mã được sử dụng.

Theo Le Monde, các chuyến bay Air France được đặc biệt được theo dõi, trong bối cảnh Washington và Luân Đôn lo ngại đó là mục tiêu khủng bố. Tài liệu của Snowden còn cho thấy tình báo Mỹ và Anh đã theo dõi, nghe lén Israel như thế nào cho dù vẫn hợp tác chặt chẽ với tình báo của quốc gia Do Thái.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.