Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Bắc Triều Tiên rụt rè mở cửa

Le Monde : “Bắc Triều Tiên rụt rè mở cửa kinh tế”. Tại Bình Nhưỡng, du khách gần đây rất ấn tượng với cuộc sống của một thiểu số giàu có vừa nổi lên, chế độ độc tài Bắc Triều Tiên – quốc gia được coi là khép kín nhất hành tinh – đang bắt đầu hé mở, “dè dặt đi theo con đường Trung Quốc”.

Bình Nhưỡng đốt pháo hoa đón mừng năm mới. Ảnh 31/12/2014.
Bình Nhưỡng đốt pháo hoa đón mừng năm mới. Ảnh 31/12/2014. Reuters
Quảng cáo

Sau hàng chục năm khép kín, Bắc Triều Tiên buộc phải lựa chọn chuyển sang một chế độ “tuy vẫn độc tài, nhưng ít khép kín hơn”, đặc biệt sau trận đói lớn làm từ 600.000 đến một triệu người chết, trên tổng số 24 triệu cư dân hồi cuối thập niên 1990. Chế độ Bình Nhưỡng đang tìm cách kết hợp giữa nền kinh tế tập trung hóa cao độ với một số hoạt động của kinh tế thị trường. Mặc dù các kết quả thu được là không đáng kể so với các quốc gia Châu Á khác, nhưng sự thay đổi này cũng mang lại cho Bắc Triều Tiên từ một đến ba tỷ đô la trong năm 2013, trên tổng số GDP 30 tỷ đô la. 

Theo một nhà nghiên cứu đại học Kookmin-Seoul, tình trạng kinh tế Bắc Triều Tiên đang dần dần được cải thiện, dù “khả năng có một đột phá tương tự như Trung Quốc trong thập niên 1980 là điều khó xảy ra”. Sự thay đổi này làm xuất hiện một số nhóm xã hội của những người được hưởng lợi, như thương gia, nhà môi giới, doanh nhân. Kể từ tháng 3/2013, Bình Nhưỡng đã chấp nhận cho các doanh nghiệp Nhà nước một quyền tự trị lớn hơn. Các doanh nghiệp này có quyền dùng tiền lời để tái đầu tư và tăng lương bổng, như ghi nhận của giám đốc xí nghiệp dệt may Kim Jong Suk, một doanh nghiệp được coi là “mẫu hình” tại Bắc Triều Tiên, với 2.500 công nhân và 10% sản phẩm được xuất khẩu. 

Le Monde cũng chỉ ra những giới hạn của chính sách “mở cửa” nói trên của Bắc Triều Tiên, đặc biệt là sự phụ thuộc nặng nề vào các nhà thầu người Hoa. Bất chấp dự án thành lập khoảng 20 khu vực kinh tế đặc biệt trên khắp cả nước, các đầu tư nước ngoài vẫn chủ yếu thông qua các doanh nghiệp Trung Quốc là chính, bên cạnh nhà thầu Singapore và Đài Loan. Với giá thành rẻ hơn một nửa, các nhà thầu Trung Quốc tại Bắc Triều Tiên trong lĩnh vực dệt may có thể xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại quốc gia này với nhãn mác Trung Quốc. 

Theo ông Paul Tjia, giám đốc văn phòng tư vấn Hà Lan GPI Consultancy (cơ sở tổ chức các chuyến thăm dò của giới doanh nghiệp Châu Âu tại Bắc Triều Tiên), “tiềm năng của Bắc Triều Tiên hiện còn ít được biết đến”. Trở ngại hiện nay là đầu tư nước ngoài chỉ có thể vào Bắc Triều Tiên nhiều, nếu căng thẳng với Hàn Quốc hạ nhiệt và quan hệ với Hoa Kỳ được bình thường hóa. Trong khi đó, Bắc Triều Tiên hiện vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo, với quan điểm thịnh vượng kinh tế và vũ khí nguyên tử là hai chuyện không có gì mâu thuẫn. 

Khối BRIC còn lại gì ? 

Cũng liên quan đến kinh tế các quốc gia đang nổi lên, Le Figaro có hồ sơ “Khối BRIC còn lại gì ?”. BRIC, tên gọi của nhóm bốn quốc gia Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, từng được coi là đầu tầu của tăng trưởng kinh tế thế giới, theo nhà bình luận của Le Figaro, hiện tại không còn nhiều ý nghĩa. Nga và Brazil hiện đang rơi vào trạng thái thực sự khó khăn, còn Trung Quốc cũng buộc phải “tổ chức lại mô hình tăng trưởng”. 

Theo chuyên gia Christopher Dembik, tác động của các nước phát triển lên khối BRIC mạnh hơn là ngược lại. Hiện tại sự lây lan của khủng hoảng Nga sang nền kinh tế thế giới vẫn còn ở mức độ thấp, không kể lĩnh vực ngân hàng. 

Theo Le Figaro, về tầm trung hạn, nền kinh tế toàn cầu cần phải dựa vào các quốc gia mới nổi lên khác, đặc biệt là nhóm các nước CIVETS, bao gồm : Colombia, Indonesia, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi, hay mới hơn là nhóm PPIC – tức Peru, Philippines, Indonesia, Colombia và Sri Lanka. Đây là các nền kinh tế được coi là đa dạng hơn và ít phụ thuộc vào các nguyên liệu thô, có khả năng kháng cự lại các chấn động lớn, hơn là nhóm bốn nước BRIC. 

Tổng thống Pháp : “Ông Putin không muốn sáp nhập miền Đông Ukraina” 

Về thời sự quốc tế, Le Monde chú ý đến cuộc khủng hoảng Nga qua góc nhìn của Tổng thống Pháp với bài “Putin không muốn sáp nhập miền Đông Ukraina, ông ta nói với tôi như vậy”. Phát biểu kể trên của Tổng thống Pháp được trích ra từ cuộc phỏng vấn với đài France Inter, hôm qua. Bên cạnh các vấn đề trong nước và Châu Âu, Tổng thống François Hollande dành một phần quan trọng cho thời sự quốc tế, đặc biệt là hồ sơ Nga, Iran và Libya. 

Tổng thống François Hollande khẳng định hiệu quả tốt của các trừng phạt kinh tế, nhưng cũng cần phải tính đến chuyện dỡ bỏ, “nếu đạt được các tiến bộ”. Bởi vì theo ông, các trừng phạt kinh tế đối với Matxcơva không chỉ gây áp lực với kinh tế Nga, nhưng cuộc khủng hoảng của Nga cũng không tốt với Châu Âu. 

Khủng hoảng Libya : Pháp chờ đồng thuận của quốc tế 

Về tình hình Libya trên lún sâu trong khủng hoảng, vẫn theo Le Monde, Tổng thống Pháp khẳng định Paris sẽ không can thiệp riêng rẽ, bởi vấn đề này liên quan đến trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Cuộc đối thoại giữa các phe phái đối lập trong khủng hoảng Libya, dự kiến ngày 5/1, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, đã phải tạm hủy bỏ. Trong khi chờ đợi sự đồng thuận quốc tế, Paris tiếp tục vai trò kìm chế không cho các nhóm khủng bố lợi dụng thời cơ lập cứ địa tại miền nam Libya. 

Tổng thống Pháp cảnh báo quân đội Pháp sẽ tấn công lập tức mỗi khi quân khủng bố rời khỏi hang ổ. Trong năm vừa qua, chiến dịch Barkhane – do Pháp tiến hành, với sự tham gia của 3.000 binh sĩ, trên vùng biên giới giữa Mali, Mauritania, Niger và Tchad -, đã tiêu diệt 200 chỉ huy thánh chiến. 

Tân Thủ tướng Tunisia là cựu chánh văn phòng Bộ Nội vụ thời Ben Ali 

Cũng liên quan đến khu vực Bắc Phi, các báo Pháp hôm nay chú ý đến việc bổ nhiệm tân Thủ tướng tại quê hương phong trào “Mùa xuân Ả Rập”, tiếp theo cuộc bầu cử trực tiếp Tổng thống dân chủ đầu tiên. “Tunisia : Một chuyên gia về an ninh lên nắm quyền” là hàng tựa của Le Figaro. 

Le Figaro giới thiệu sơ lược tiểu sử cựu lãnh đạo ngành Nội vụ, ông Habib Essid, vừa được bổ nhiệm mà Thủ tướng. Từng là chánh văn phòng Bộ Nội vụ Tunisia, dưới thời Ben Ali, từ 1997 đến 2000, sau Cách mạng, ông Habib Essid được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ của chính phủ của Thủ tướng Beji Caid Essebsi năm 2011. Ông Essebsi là người vừa đắc cử Tổng thống. 

Sau chiến thắng của lực lượng Hồi giáo chính trị Ennahda mùa xuân 2011, tân Thủ tướng tương lai là một trong những quan chức chính phủ cũ được ê kíp cầm quyền mới giữ lại, với cương vị cố vấn về an ninh. 

Hiện tại, theo Le Figaro, việc bổ nhiệm ông Essid làm Thủ tướng có thể đã được cả đảng đối lập Ennahda tán đồng. Theo một chuyên gia về vấn đề an ninh Tunisia, các bầu cử mới đây cho thấy “an ninh là ưu tiên của toàn bộ chính giới Tunisia”, bởi “giai đoạn vừa mở ra là tế nhị và bắt buộc tìm kiếm một sự cân bằng chính trị, không phân biệt đảng phái” và “các luật quan trọng sẽ phải thông qua, các cải cách kinh tế và xã hội cần được dẫn dắt cũng đòi hỏi sự ủng hộ của một đa số đáng kể (trong Quốc hội)”. 

Cũng liên quan đến Tunisia, Le Figaro có cuộc phỏng vấn Thủ tướng mãn nhiệm Mehdi Jonaa. Bài phỏng vấn nhấn mạnh đến các phát biểu của cựu Thủ tướng về cuộc chiến chống khủng bố tại Libya và tính cấp thiết của việc đối thoại giữa các phe nhóm xung đột tại quốc gia này, con đường duy nhất để thoát khỏi khủng hoảng. 

Ô nhiễm Trung Quốc : Thành phố thứ tám giới hạn số biển xe mới 

Liên quan đến vấn đề môi trường, báo La Croix hướng cái nhìn về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại Trung Quốc, qua bài “Bão hòa, các thành phố lớn ở Trung Quốc phải giới hạn số lượng xe cộ lưu thông”. 

Thông tín viên của La Croix cho biết, ngày 29/12/2014 Thẩm Quyến phải tuyên bố giới hạn số lượng xe được phép đăng ký. Thẩm Quyến là thành phố thứ 8 đưa ra biện pháp giới hạn xe hơi để đối mặt với nạn ô nhiễm không khí trầm trọng. Như vậy, kể từ giờ, thành phố 15 triệu dân này sẽ chỉ cấp 100.000 biển số mới một năm. 

Trung Quốc là thị trường ô tô số một thế giới : chỉ riêng năm 2014, 24 triệu xe hơi đã được bán ra, vượt Hoa Kỳ (19 triệu) hay Liên Hiệp Châu Âu (18 triệu). Mức tăng trưởng của thị trường này tuy nhiên đã giảm từ 14% 2013 còn 10% trong năm ngoái. 

Các biện pháp của một số thành phố như Thẩm Quyến hay Bắc Kinh, theo La Croix, khó có thể chặn đứng đà phát triển của thị trường xe hơi tại nước này. Trong tương lai, ngành ô tô có xu thế hướng đến các đô thị nhỏ hơn nằm sâu trong lục địa, với các khách hàng ít tiền hơn. Theo một nhà phân tích của CLSA, sống tại Bắc Kinh từ 15 năm nay, các biện pháp hạn chế biển số mới là để đáp ứng vấn đề kém quản lý hơn là vấn đề môi trường, trên thực tế ô nhiễm đến nhiều từ các xe tải lớn chạy bằng diesel với bộ lọc tồi, các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than hơn là từ các xe hơi thông thường. 

Về xe hơi chạy điện, một giải pháp chống ô nhiễm, theo một chuyên gia tại hãng xe Pháp PSA – Peugeot Citroen -, loại xe này khó vượt quá 2% tổng thị trường xe hơi tại Trung Quốc, dù được nhiều hỗ trợ từ chính quyền. 

Trang nhất các báo  

Tỷ giá euro và công trái Châu Âu tụt xuống mức lịch sử là chủ đề lớn của nhật báo Les Echos. Trong khi đó tác động của những thay đổi tại Hy Lạp đến viễn cảnh kinh tế Châu Âu là đề tài được nhiều nhật báo lớn đồng loạt quan tâm dưới các góc nhìn khác nhau. Le Monde có hồ sơ trang nhất : “”Hy Lạp : Merkel và Hollande xác định luật chơi trước cuộc bầu cử”. “Liệu Hy Lạp có kích phát cuộc khủng hoảng của đồng euro ?” là câu hỏi lớn trang nhất Le Figaro. Trong khi đó, tờ báo cộng sản l’Humanité chạy tựa “Điều mà đảng (cánh tả triệt để) Syriza đề xuất để thoát khỏi chính sách kinh tế khắc khổ”. 

Nhật báo Công giáo La Croix hướng cái nhìn tới Hồi giáo qua hàng tựa trang nhất “Hồng y Tauran : ‘Kiên trì đối thoại với đạo Hồi’ ”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn La Croix mang tựa đề “Những chức sắc Hồi giáo đã phát biểu quan điểm một cách dũng cảm”, nhân chuyến viếng thăm của bốn imam (giới chức đạo Hồi) Pháp tại Vatican, Chủ tịch Hội đồng đối thoại liên tôn giáo của Tòa thánh – hồng y Jean-Louis Tauran – ca ngợi thái độ của nhiều giới chức đạo Hồi lên án các tội ác của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” Daesch. Lời kêu gọi cũng được các chức sắc Công giáo và Tin Lành Đức hưởng ứng trong những ngày gần đây. 

Báo thiên tả Libération tập trung vào chính trị nội bộ nước Pháp với đề tài liên quan đến những bước đi sắp tới của Bộ trưởng Tư pháp Taubira, giữa một bên là chính phủ, bên kia là nhóm tả trong nội bộ đảng Xã hội (les frondeurs). Trong hồ sơ “Taubira định làm gì ?”, tờ báo đặt câu hỏi : “Người duy nhất còn lại trong số các khối cánh tả của đảng cánh tả, bộ trưởng Tư pháp liệu có còn là một tiếng nói nặng ký trong chính phủ ?”. Cũng về chính trị Pháp, tờ Le Figaro dành hai trang báo thứ hai và thứ ba để mô tả và bình luận về cuộc trả lời phỏng vấn France Inter hôm qua của Tổng thống Pháp François Hollande, qua hồ sơ “Chiến lược ‘tái chinh phục’ của ông Hollande đặt ra nhiều dấu hỏi”, đặc biệt trên phương diện chính sách kinh tế trong nước. 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.