Vào nội dung chính
THẾ GIỚI

Du lịch : Những vùng đất cấm

Trong những ngày cuối năm này, nhật báo Libération số ra hôm nay, 27/12/2014 đã chú ý đến du lịch, nhưng là đến « Những vùng đất cấm », hàng tít bên trên một bản đồ cho thấy Tây Âu màu xanh xám, đất lành bằng phẳng trong khi chung quanh, từ Ukraina vòng xuống phía Nam là Châu Phi, là những vùng đất bị đào xới, mang màu đen …

Bản đồ các vùng đất du lịch có rủi ro - DR
Bản đồ các vùng đất du lịch có rủi ro - DR
Quảng cáo

Tờ báo ghi nhận : « Khủng bố, tình hình hỗn loạn ở Trung Đông và dịch Ebola đã xáo lại ván cờ du lịch trên hành tinh, mà một phần đã trở nên rất nguy hiểm ». Tờ báo dành cả 9 trang trong để nói đến các vùng bị xem là nguy hiểm nhất. 

Trước tiên tờ báo đăng bản đồ thế giới của những nới có thể ngao du thoải mái, những nơi nên tránh, bên dưới một dòng tựa nhỏ : Thế giới đang eo hẹp lại. Đây là bản đồ của bộ Ngoại giao Pháp. 

Những nơi có thể đi thăm, không cần đề cao cảnh giác được tô xanh : Bắc Mỹ, Châu Âu, Nga, Đông Bắc Á, Úc. Những nơi tuyệt đối không nên đặt chân được tô đỏ, còn màu cam là những nơi không được khuyến khích, trong lúc màu vàng là những nơi đến được nhưng nên đề cao cảnh giác hơn một chút. 

Châu Phi, ngoại trừ Maroc, là vùng đất rực đỏ, với một số nơi màu cam với vài điểm vàng (Nam Phi) cũng như Trung Đông. Trung Nam Mỹ, ngoại trừ Achentina, cũng là vùng đất phải rất cẩn thận khi đến. 

Đông Nam Á cũng bị xếp vào vùng phải đề cao cảnh giác, Việt Nam và các nước láng giềng bị tô màu vàng cùng với Ấn Độ. Thái Lan, Philipppines Indonesia cũng bị tô vàng, nhưng tại 3 nơi này có những vùng được cho là không nên đến mang màu cam. 

Riêng Pakistan là nổi bật màu đỏ. 

Okinawa, cái gai dưới chân Thủ tướng Nhật 

Nhìn về Châu Á, Le Monde, chú ý đến Nhật Bản mà ‘bất đồng giữa Okinawa và Tokyo lại nghiêm trọng hơn’, tụa bài báo trang quốc tế. Căng thẳng là trên vấn đề căn cứ quân sự Mỹ : Người dân Okinawa không chấp nhận việc tái bố trí lại căn cứ quân sự Mỹ mà chính quyền Thủ tướng Abe đã dự kiến. 

Theo bài báo, tân thống đốc Okinawa, Takeshi Onaga đã chọn hai ngày 25 và 26/12, để đến Tokyo. Nhưng ông không phải là người khách quý tại đây. Ông đến Tokyo với mong muốn gặp thành viên chính phủ, và nếu may mắn gặp được Thủ tướng, để bàn về việc dời căn cứ Mỹ Futenma, nguồn gốc căng thẳng ngày càng cao giữa chính quyền trung ương ở Tokyo và Okinawa. 

Nhưng từ người phát ngôn của chính phủ, Yoshihide Suga, đến Bộ trưởng đặc trách Okinawa, Shunichi Yamaguchi, và cả Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani, không ai muốn gặp ông Onaga cả. 

Le Monde nhắc lại kế hoạch dời căn cứ đã được thương lượng rất gay go : Nằm ở Ginowan, căn cứ Mỹ theo dự kiến sẽ dời đến Henoko, trực thuộc thành phố Nago, cũng tại Okinawa. Nhưng người dân tại đây cũng không chịu đón căn cứ này, mà muốn nó phải dời đi khỏi Okinawa. 

Căn cứ Mỹ với số 47.000 quân đóng tại Okinawa là một gánh nặng đối với dân cư ở đảo. Tân thống đốc là một người cực lực chống đối việc dời căn cứ Futenma đến Henoko, trong khi mà chính quyền Abe thì cương quyết tiến hành, tiếp tục các công trình để đón căn cứ. Ông Shinzo Abe ngay sau cuộc bầu cử Quốc hội 14/12, đã tái khẳng định lập trường của ông mặc dù ứng viên của đảng ông đã thất cử tại Okinawa. 

Thái độ bị coi là xem thường ý nguyện người dân đã khiến dân chúng Okinawa vô cùng tức giận, báo chí địa phương không tiếc lời chỉ trích, và còn ví cách đối xử của ông Abe với Okinawa không khác gì Bắc Kinh với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. 

Cuộc đối đầu giữa hai bên còn sẽ trở nên gay gắt hơn : Thủ tướng Shinzo Abe sẵn sàng cắt xén khoản trợ cấp dành cho Okinawa. 

Thái độ của chính phủ khiến nhiều người lo ngại. Trong phần kết luận, Le Monde trích báo Mainichi, cho là nếu « Chính phủ cương quyết giữ lập trường của mình thì sẽ làm cho Okinawa càng tách biệt với phần còn lại của đất nước, và gây nên nhưng vấn đề không thể cứu vãn ».

Putin : Kẻ đánh bài tồi ? 

Trong những nhân vật quan trọng "làm nên lịch sử" nhào nặn năm 2015 tới đây, nhân vật quốc tế được tạp chí L’Obs - số 21/12 – 7/01, nêu danh ngay trên trang bìa là Vladimir Putin. 

Trong bài trang trong, tác giả Robert Littell, tỏ ra rất hóm hỉnh, mở đầu bài viết với tiết lộ về những điều ghi trong một bản tổng hợp tối mật của Trung Quốc mà ông có được trong tay và có tựa « Nhiệm kỳ tổng thống tồi tệ của Putin ở Nga, tạo những cơ hội bằng vàng cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. 

Theo Robert Littell đây có lẽ là do một bí thư đảng có tên Sun Lei, lãnh đạo ban Nga của Viện Hàn lâm Khoa Học Xã hội Thượng Hải, viết và gởi cho chủ tịch Tập Cận Bình ! 

Tài liệu nói trên lược qua cuộc « Cách mạng Nga », từ năm 1917, và chia thành 3 giai đoạn : Thời kỳ đầu với Lê nin – Stalin, Thời kỳ thứ hai là những năm 1990, Liên Xô sụp đổ, và thời kỳ thứ 3 là hiện nay, mà tác giả cho là còn quá sóm để nói rõ. 

Theo tài liệu, ông Putin, một cách tuyệt vọng, đang cố ‘viết’ hồi thứ ba này, nhưng ông lại có những lá bài xấu trong tay :

- kinh tế tồi tệ, chịu tác động khủng hoảng Ukraina, giá dầu hỏa giảm sụt…

- Dân số Nga ngày giảm thiểu : đây là một quả bom nổ chậm có ảnh hưởng trên mặt kinh tế

- Đồng rúp lao dốc, lạm phát 8,3%, cao nhất từ 3 năm qua...

- Putin đứng đầu giới siêu đại gia giàu lên từng giờ trong lúc người dân sống chật vật… 

Không những quân đã bài xấu mà ông Putin lại không biết chơi. Thay vì đưa ra những biện pháp thích hợp để vực dậy kinh tế, khuyến khích đầu tư, đa dạng hóa nguồn thu nhập không chỉ dựa trên xuất khẩu dầu hỏa, Putin lại chơi trò đánh lạc hướng dư luận với Thế Vận Hội mùa Đông Sochi, khủng hoảng Ukraina. 

Và Putin đã tạo ra có hội bằng vàng cho Trung Quốc : Hốt hoảng trước trừng phạt của Mỹ và trước viễn cảnh Châu Âu ngày độc lập hơn về năng lượng, Putin đã quay sang Trung Quốc. Và một khi Putin và nước Nga lệ thuộc vào Trung Quốc, đã trở thành khách hàng chính của Nga, thì Trung Quốc có thể áp đặt ý muốn của mình trong các hợp đồng. 

Hệ quả là nước Nga yếu đuối của chỉ 142 triệu dân tất nhiên sẽ bị số 1,3 tỷ dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năng động nuốt chửng. 

Raul Castro phục hận 

Một nhân vật khác đươc tạp chí L’Obs chú ý hôm nay là Raul Castro trong bài viết tựa đề : « Sự phục hận khó tưởng tượng được của Raul Castro ». 

Tạp chí nhìn thấy một nhân vật trước đây sống trong bóng của Fidel và thường được gọi là ‘Người em trai’. Nhưng thật ra Raul Castro là ai ? L’Obs nêu một loạt câu hỏi : Là người làm lành với Mỹ ? Phải chăng ông muốn đưa đảo (Cuba) ra khỏi chủ nghĩa Cộng sản ? Ông có thể tránh cho gia đình ông khỏi bị lịch sử phán xét ? 

Tác giả bài báo nhắc lại ngày 17/12, ngày lãnh đạo Cuba thông báo làm lành với Mỹ, muốn bình thường hóa bang giao : Cuối bài phát biểu, Raul Castro đã lau một giọt nước mắt, đây là loại nước mắt không bao giờ khô ! Ông đã dằn nỗi xúc động, không quay nhìn tìm bóng của người anh mà ông đã phục vụ, đi theo một cách mù quáng trong hơn nửa thế kỷ. 

Nhưng ngày 17/12/2014 này, người em ngoan ngoãn đã vĩnh viễn thoát vòng ảnh hưởng của Fidel, làm nên điều không thể tưởng tượng : chấm dứt cuôc chiến tranh lạnh với kẻ thù. Đây là một sự thoát thai lịch sử, ông đã qua mặt hẳn Fidel Castro. 

Phải chăng đây có thể xem là một sự phục hận ? Raul Castro, người nhút nhát, nét mặt luôn đượm vẻ suy tư, buồn bã, đã dám hành động, và đã trả lại nụ cười và hy vọng cho cả một dân tộc, mệt mỏi, kiệt quệ do chế độ độc tài. 

Tác giả bài viết nêu lại sự trung thành của Raul Castro đối với người anh Fidel, sẵn sàng làm mọi việc để bảo vệ người anh này. Trong bóng Fidel Castro, Raul từng là trợ lý, người phục vụ, người chăm sóc giữ con của Fidel, ngườì của những nhiệm vụ khó khăn cũng như tế nhị… và không ai dám cá một đồng xu nào về con người kín đáo, lép vế nay. 

Nhưng khi nhìn kỹ quá trình của Raul, nay 83 tuổi, thì thấy được nhiệm vụ mà ông tự áp đặt cho mình ; cứu vãn hình ảnh dòng họ Castro cho đến hơi thở cuối cùng, nhất là của Fidel, 88 tuổi, không còn mấy minh mẫn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.