Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - KHỦNG HOẢNG

Bắc Kinh lập cơ quan giải quyết khủng hoảng Hồng Kông tại Hoa lục

Bối rối trước diễn biến tình hình tại Hồng Kông, chính quyền Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm soát đặc khu hành chính. Từ nhiều tháng trước bầu cử, Bắc kinh đã thành lập một trung tâm bí mật xử lý tình thế, trong một căn biệt thự ở Thâm Quyến, bên kia biên giới Hồng Kông, theo tin của hãng Reuters hôm nay, 26/11/2019.

Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) họp báo sau cuộc bầu cử cấp quận, ngày 26/11/2019.
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) họp báo sau cuộc bầu cử cấp quận, ngày 26/11/2019. REUTERS/Marko Djurica
Quảng cáo

Reuters cho biết, khi các cuộc biểu tình phản kháng tại Hồng Kông trở nên quyết liệt, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã điều nghiên và chỉ đạo phương án đối phó từ một căn biệt thự ở ngoại ô Thâm Quyến. Lẽ ra, nhiệm vụ này là của Vương Trí Dân và Văn phòng Liên lạc của chính phủ trung ương đặt tại Hồng Kông.

Bắc Kinh cũng đã dự kiến thay thế giám đốc Vương Trí Dân, cán bộ cao cấp nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hồng Kông. Theo hai nhân vật thạo tin, ông Vương Trí Dân bị chê trách là thiếu « nhạy bén », cơ quan liên lạc của ông do chỉ « liên lạc » với người giàu, nên không nắm được tình hình thực tế.

Trong cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật 24/11, phe thân Bắc kinh bị thất bại nặng nề. Hơn 80% ghế ủy viên Hội đồng Quận lọt vào tay phong trào dân chủ.

Công nhận thất bại, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhìn nhận « các sai sót của chính quyền đã gây làn sóng phẫn nộ trong dân chúng ». Nhân vật bị coi là người của Bắc Kinh cam kết « lắng nghe và cải tiến » cách điều hành của chính quyền địa phương, nhưng từ chối thỏa mãn các yêu sách của phong trào phản kháng.

Trong khi đó, báo chí Hoa lục hôm nay hoàn toàn không nói một câu về chiến thắng áp đảo của đối lập Hồng Kông, mặc dù 48 giờ trước truyền thông nhà nước cổ vũ cử tri đi bầu cho các ứng cử viên thân Bắc Kinh.

Còn tại Bắc Kinh, một trong những sự việc được ghi nhận sau chiến thắng của đối lập Hồng Kông là đại sứ Mỹ Terry Branstad bị bộ Ngoại Giao triệu mời để nghe « phản đối mạnh mẽ », theo tin trên mạng của bộ Ngoại Giao Trung Quốc. Nghị quyết của Quốc Hội Mỹ ủng hộ phong trào dân chủ bị coi là một « hành động can thiệp trắng trợn vào chuyện nội bộ Trung Quốc, hỗ trợ cho tội ác và bạo lực, cho lực lượng chống Trung Quốc gây bạo loạn tại Hồng Kông ».

Trái lại, chiến thắng của phong trào dân chủ Hồng Kông được họa sĩ tranh biếm họa ly khai Badiucao nhiệt liệt chúc mừng. Nhân dịp triển lãm tranh tại Berlin, nhà ly khai Trung Quốc khen ngợi « tinh thần cao thượng » của phong trào dân chủ Hồng Kông, vừa đấu tranh cho dân chủ, vừa thực hành dân chủ, xem họ là nguồn hy vọng cho cả Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.